Kết nối để lớn mạnh
Nguồn lực đầu tư - cầu nối giữa ý tưởng khởi nghiệp đến hành động thực tiễn - luôn là mối quan tâm rất lớn của đông đảo cộng đồng khởi nghiệp. Kinh nghiệm xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp, cách thức thu hút nguồn vốn đầu tư đối với các dự án khởi nghiệp ban đầu là những nội dung quan trọng được nhiều chuyên gia chia sẻ, liên quan đến bài học về nguồn lực đầu tư tại Hội thảo Kết nối doanh nghiệp và nhà đầu tư vào Quảng Nam, trong khuôn khổ Techfest Quang Nam 2022 khai mạc vào sáng qua 16.6.
Khó cả hai phía
Theo báo cáo đổi mới sáng tạo và đầu tư công nghệ Việt Nam 2022 do Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia phối hợp với Quỹ đầu tư do Venture công bố hồi cuối tháng 4.2022, tổng mức đầu tư vào khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam năm 2021 đã có sự tăng trưởng vượt bậc, với số vốn đầu tư ước tính khoảng 1,4 tỷ đô la Mỹ, gấp 1,5 lần so với năm 2019.
Năm 2021 cũng ghi nhận sự xuất hiện của 2 kỳ lân công nghệ Việt Nam là Momo và Sky Mavis. Việt Nam đang chứng minh được những thế mạnh so với khu vực. Trước những tín hiệu lạc quan đó, theo dự báo, đến năm 2025 nguồn vốn đầu tư vào khởi nghiệp sáng tạo được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ, dự kiến đạt hơn 3 tỷ đô la Mỹ.
Hơn 600 sản phẩm tham gia Techfest Quang Nam 2022
Ngày 16.6, tại Trung tâm Văn hóa tỉnh diễn ra lễ khai mạc Ngày hội khởi nghiệp sáng tạo Quảng Nam lần thứ 3 (Techfest Quang Nam 2022) với chủ đề “Đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số - du lịch xanh nâng tầm sản phẩm xứ Quảng”.
Tham dự lễ khai mạc có ông Trần Văn Tùng - Thứ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ; đại diện Đại sứ quán Israel tại Việt Nam; Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phan Việt Cường; Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh; Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Võ Xuân Ca; Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Xuân Vinh; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu.
Tham dự còn có đại biểu Hiệp hội Khởi nghiệp quốc gia, một số quỹ đầu tư khởi nghiệp, chuyên gia khởi nghiệp và khoảng 220 gian hàng với hơn 600 sản phẩm khởi nghiệp đến từ 10 tỉnh, thành trên toàn quốc.
Dịp này, đại biểu lãnh đạo chứng kiến nghi thức ký kết hợp tác giữa Hiệp hội Khởi nghiệp quốc gia với Ban điều hành hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo Quảng Nam; Hội đồng cố vấn khởi nghiệp Quảng Nam và Hội đồng cố vấn khởi nghiệp sáng tạo quốc gia; hợp tác phát triển sản phẩm khởi nghiệp cấp tỉnh “Xi măng chống thấm CX MEN” với giá trị thương mại 200 tỷ đồng giữa Công ty CP Kính cao cấp Đại Dương và Công ty CP Mozart Việt Nam. (CÔNG SỰ - TUẤN ANH)
Ông Đỗ Tiến Thịnh - Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia chia sẻ, Việt Nam đang cho thấy một môi trường kinh doanh năng động, ổn định.
Những nỗ lực trong các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp khởi nghiệp từ các cơ quan cấp trung ương đến địa phương đã và đang tạo ra những bước chuyển biến hết sức tích cực.
“Thời gian qua Quảng Nam là một trong những địa phương đi tiên phong trong vấn đề xây dựng “Chỉ số đổi mới sáng tạo tỉnh”. Điều này thể hiện tinh thần và cam kết hỗ trợ đổi mới sáng tạo của tỉnh.
Tuy nhiên, đối với Quảng Nam nói riêng và các địa phương khác thuộc khu vực miền Trung nói chung, các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp khởi nghiệp đang có những khó khăn hơn so với các doanh nghiệp tại TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội trong tham gia hệ sinh thái đổi mới sáng tạo cũng như tiếp cận các nhà đầu tư, quỹ đầu tư để có thể thu hút nguồn vốn cho các dự án khởi nghiệp.
Ở chiều ngược lại, các nhà đầu tư, quỹ đầu tư cũng gặp một số khó khăn nhất định trong tìm kiếm cơ hội đầu tư vào các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp khởi nghiệp tại Quảng Nam” - ông Thịnh nói.
Ông Thịnh cũng cho rằng, việc kết nối các doanh nghiệp khởi nghiệp Quảng Nam với các nhà đầu tư, quỹ đầu tư năm 2022 là sự kiện có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, kết nối các chủ thể trong hệ sinh thái, không chỉ giữa các công ty khởi nghiệp của Quảng Nam với các nhà đầu tư, quỹ đầu tư mà còn tạo ra sự liên kết và phát triển mạng lưới khởi nghiệp sáng tạo của khu vực miền Trung cũng như của cả nước...
“Không gọi vốn để bắt đầu”
Chuyên gia khởi nghiệp Harel Ram - Giám đốc Điều hành Tech7 mang đến hội thảo một chủ đề khá thú vị. “Từ cát đến silicone - phá vỡ thách thức các quốc gia thành các giải pháp nhỏ dễ hấp thu” là câu chuyện chuyên gia này đề cập, trong đó nhấn mạnh năng lực cốt lõi của phát triển kinh tế là công nghệ.
Giới thiệu về Israel, quốc gia khởi nghiệp là tổ ong công nghệ, chuyên gia Harel Ram khuyến nghị nên xây dựng các quỹ đầu tư mạo hiểm, đầu tư các công nghệ đột phá, đẩy công nghệ địa phương lên hàng đầu.
“Để làm được điều này, cần có một sự kết nối giữa chính phủ, các công ty đa quốc gia, các ngành công nghệ lẫn các nhà khởi nghiệp và các chuyên gia giỏi, tạo “điểm dừng” cho các thành phần, từ đó hình thành hệ sinh thái, lập quỹ đầu tư cho khởi nghiệp. Sau khi xây dựng cộng đồng, phải kết nối các bên có lợi ích và đưa công nghệ vào, để cho thị trường tự do hoạt động.
Trong bối cảnh địa phương, nên bắt đầu từ quy mô nhỏ, cho phép thất bại và phục hồi nhanh. Công nghệ được lựa chọn phù hợp thông qua một quá trình thẩm định tỉ mỉ, để làm cơ sở triển khai các chương trình tăng tốc. Sau đó, là việc xây dựng bản “demo” cho các nhà đầu tư, có sự tham gia của báo chí/truyền thông, cam kết của đại diện chính quyền…” - chuyên gia này nói.
Thu hút sự chú ý của đông đảo đại biểu dự hội thảo, ông Lê Hùng Anh - người sáng lập kiêm Giám đốc Điều hành tập đoàn BIN Corporation Group, vị “cá mập” người Quảng trong chương trình Shark Tank Việt Nam chia sẻ, ý tưởng có thể bị sao chép, nên con người, bao gồm người sáng lập và đội ngũ là yếu tố tối quan trọng trong khởi nghiệp, ý tưởng không phải là điều tiên quyết.
“Phải tồn tại được trước khi gọi vốn. Nếu không xây dựng được sản phẩm hay dịch vụ có thể tồn tại và kiếm được lợi nhuận, nhà khởi nghiệp không nên kêu gọi vốn. Gọi vốn chỉ phục vụ tăng tốc phát triển trong chu kỳ 3 - 5 năm, tăng cường hệ thống quản lý, chứ không thể gọi vốn để bắt đầu vì rất khó để thuyết phục nhà đầu tư.
Startups phải cân bằng giữa sở trường, hiệu quả, đam mê. Ngoài ra, bất cứ dịch vụ nào cũng không nên bó hẹp phạm vi kinh doanh, phải mở rộng và vươn ra quốc tế, giúp doanh nghiệp có thị trường rộng lớn, đa dạng phân khúc khách hàng, gia tăng tỷ lệ thành công” - ông Lê Hùng Anh nói.
Ông Nguyễn Thế Hùng - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An: Cố gắng tạo ra câu chuyện, giá trị văn hóa trong từng sản phẩm
Tham dự Techfest Quang Nam 2022, Hội An có 10 sản phẩm. Bên cạnh giới thiệu, quảng bá, mở rộng kênh tạo đầu ra cho sản phẩm thì vấn đề quan trọng nữa mà chúng tôi nhận thấy là chứng minh được tiềm năng phong phú của từng vùng đất của tỉnh. Từ các huyện miền núi đến vùng đồng bằng ven biển cũng đều có sản phẩm mang dấu ấn đặc trưng nghề nghiệp, làng nghề.
Với Hội An, có thể kể đến mực một nắng Cù Lao Chàm, sản phẩm trà, mứt, thảo dược từ cây quật Cẩm Hà… Trong các sản phẩm này còn chứa đựng giá trị, hàm lượng văn hóa của từng vùng đất, từng sản phẩm. Điều này rất tốt với Hội An bởi đặc thù phát triển dựa vào thế mạnh du lịch. Đối với Hội An, trọng tâm hiện nay hướng đến cho việc xây dựng các sản phẩm phục vụ du lịch là ở khu vực nông nghiệp nông thôn làng nghề, đi theo hướng sạch - bảo vệ môi trường.
Việc lồng ghép được câu chuyện vào sản phẩm khi giới thiệu đến khách sẽ tạo ra giá trị vô hình mang lại giá trị gia tăng rất lớn, rất hiệu quả với du lịch bền vững, du lịch có trách nhiệm.
Hiện nay, cơ hội kết nối, liên kết trong sản phẩm KN, sản phẩm đặc trưng vùng miền giữa Hội An với các địa phương bạn rất rộng mở. Tại Hội An, từ năm 2018, thành phố đã tổ chức chợ phiên định kỳ diễn ra cuối tuần bày bán sản phẩm sạch, OCOP, thủ công, qua thời gian đã kết nối được rất nhiều sản phẩm ở Quảng Nam.
Đến năm 2020, chợ phiên thứ hai tiếp tục ra đời ở làng chài Tân Thành (phường Cẩm An). Hội An là vùng đất tập trung rất đông du khách trong và ngoài nước, việc các huyện, thị, thành phố trong tỉnh đưa sản phẩm bản địa quảng bá đến với du khách tại Hội An là rất tốt.
Ngược lại, một vài cơ sở sản xuất ở Hội An có thể không đủ nguyên liệu bản địa để chế biến, các địa phương lân cận có thể cung cấp vùng nguyên liệu, tạo ra chuỗi sản xuất từ người nông dân đến nhà sản xuất. (QUỐC TUẤN ghi)
Bà Ngô Thị Hai - đại diện cơ sở mật ong dú Kỳ Tân (xã Tam Dân, huyện Phú Ninh): Techfest Quang Nam giúp tăng nhận diện thương hiệu
Sản phẩm mật ong dú Kỳ Tân của chúng tôi hiện đạt 3 sao OCOP của tỉnh. Đến với Techfest 2022, bên cạnh giới thiệu, quảng bá sản phẩm, mình sẽ học hỏi được nhiều thứ về kỹ thuật sản xuất, mẫu mã, kỹ năng bán hàng…
Sau lần đầu tiên tham gia Techfest Quang Nam vào năm ngoái, ở lần trở lại này chúng tôi cảm nhận rõ hơn về sự lan tỏa thương hiệu sản phẩm đến khách hàng. Đó là một niềm vui lớn khi sản phẩm được nhận diện nơi người tiêu dùng. Hiện nay, việc bán hàng bằng hình thức trực tiếp vẫn đang là kênh chủ lực của đơn vị (chiếm hơn 80%).
Trong tương lai, việc tăng tương tác bán hàng qua kênh thương mại điện tử cũng rất cần thiết và sẽ được cải thiện từ việc truyền tai nhau của khách hàng, phân phối qua các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội…( VINH ANH ghi)