Ai sẽ dẫn dắt cuộc chơi thương mại điện tử?

L.V 11/06/2022 19:50

(QNO) - Muốn thương mại điện tử phát triển nhanh hơn nhất thiết phải thu hút nhiều hơn vốn đầu tư vào các nền tảng thương mại điện tử. Vấn đề đặt ra là ai sẽ dẫn dắt cuộc chơi này trong giai đoạn tới?

Những mạng xã hội hàng đầu hiện nay hỗ trợ mua bán trực tuyến đều của nước ngoài, bao gồm: Facebook, Youtube.
Những mạng xã hội hàng đầu hiện nay hỗ trợ mua bán trực tuyến đều của nước ngoài, bao gồm: Facebook, Youtube...

Báo cáo Chỉ số Thương mại điện tử (EBI) năm 2022 do Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) mới công bố cho thấy, tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử Việt Nam năm 2022 có thể ở mức cao nhất từ trước tới nay.

Ước tính năm 2021 lĩnh vực này đạt tốc độ tăng trưởng trên 20% và đạt quy mô trên 16 tỷ USD. Tốc độ này sẽ cao hơn nhiều trong năm 2022 nhờ kiểm soát tốt đại dịch Covid-19.

Tuy nhiên, báo cáo EBI 2022 nhấn mạnh sự phát triển nhanh của thương mại điện tử nước ta phụ thuộc rất lớn vào khả năng thu hút vốn đầu tư vào các nền tảng trong hệ sinh thái kinh doanh trực tuyến cũng như nguồn nhân lực chất lượng cao.

Báo cáo cho biết, những mạng xã hội hàng đầu hiện nay hỗ trợ mua bán theo mô hình này đều của nước ngoài, bao gồm: Facebook, Youtube, TikTok. Rõ ràng, hoạt động kinh doanh của người bán quá phụ thuộc vào các mạng xã hội nước ngoài luôn luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Nhưng để các mạng xã hội trong nước chiếm ưu thế là nhiệm vụ vô cùng khó khăn. Bên cạnh nhiều yếu tố khác, một mạng xã hội thành công chắc chắn cần những khoản đầu tư đáng kể.

Tới nay, một số công ty công nghệ thông tin hàng đầu Việt Nam như VNG (Zalo), Viettel Telecom (Mocha), VCCorp (Lotus) đã xây dựng các mạng xã hội của mình. Một số doanh nghiệp khởi nghiệp cũng năng động xây dựng mạng xã hội.

Trong đó, mạng xã hội Zalo của VNG được khá đông người dùng sử dụng như công cụ hữu ích để bán hàng trực tuyến. Mặc dù kỳ vọng Việt Nam có mạng xã hội riêng được sử dụng phổ biến còn khá xa vời, nhưng nếu có sự đầu tư thoả đáng của doanh nghiệp, mạng xã hội của Việt Nam có thể có chỗ đứng vững chắc trong các thị trường ngách cũng như trong cuộc cách mạng bán lẻ mới.

Trong khi việc nhà nước trực tiếp đầu tư và vận hành một mạng xã hội là không khả thi thì câu hỏi đặt ra với các doanh nghiệp khởi nghiệp Việt xây dựng mạng xã hội là họ có thể tìm kiếm vốn đầu tư từ đâu để mạng xã hội của họ vừa thu hút được đông đảo người dùng vừa thực sự là “của Việt Nam”.

Muốn thương mại điện tử phát triển nhanh hơn nhất thiết phải thu hút nhiều hơn vốn đầu tư vào các nền tảng thương mại điện tử. Vấn đề đặt ra là ai sẽ dẫn dắt cuộc chơi này trong giai đoạn tới?

Một nghịch lý hiện nay, trong khi các nguồn vốn đầu tư trong nước cho thương mại điện tử còn khan hiếm thì trong một số trường hợp việc sử dụng chúng lại chưa hiệu quả.

Chẳng hạn, trong những năm qua một số địa phương đã quan tâm tới thương mại điện tử và giao cho cơ quan quản lý nhà nước liên quan xây dựng các sàn giao dịch thương mại điện tử. Kinh phí xây dựng và vận hành những sàn này chủ yếu tới từ ngân sách nhà nước.

Tới năm 2022 phần lớn những sàn thương mại điện tử do các địa phương xây dựng và vận hành đều hoạt động không hiệu quả, số giao dịch thấp, sản phẩm nghèo nàn, công nghệ lạc hậu, thông tin sản phẩm ít được cập nhật, thiếu các dịch vụ hỗ trợ như tiếp thị, thanh toán, hoàn tất đơn hàng…

Khảo sát của VECOM cho thấy, tới tháng 3.2022 có 44 địa phương trong số 63 tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương đã xây dựng và vận hành sàn thương mại điện tử. Phần lớn các địa phương giao cho Sở Công Thương là đơn vị chủ quản.

Không chỉ hạn chế về nguồn vốn đầu tư, nguồn nhân lực thương mại điện tử lại vừa thiếu vừa yếu. Đây cũng là nguyên nhân chủ yếu dẫn tới việc lựa chọn tên miền chưa phù hợp cũng như hiệu quả hoạt động rất thấp của các sàn thương mại điện tử tại các địa phương. Trên thực tế nhiều đơn vị vận hành những sàn này hầu như chưa có cán bộ được đào tạo chuyên sâu về thương mại điện tử.

Tới nay, chúng ta đã có trên 30 trường đại học đào tạo cử nhân thương mại điện tử, trong đó 13 trường ở miền Bắc, 5 trường ở miền Trung và 14 trường ở miền Nam. Tuy nhiên, phần lớn các trường gặp khó khăn khi biên soạn giáo trình và học liệu học tập. Đội ngũ giảng viên còn chưa đáp ứng nhu cầu giảng dạy cả về số lượng lẫn chất lượng.

Vì vậy, báo cáo đề xuất cần nhanh chóng thành lập "Mạng lưới các trường đại học đào tạo thương mại điện tử", bồi dưỡng kiến thức về kinh doanh số cho giảng viên giảng dạy thương mại điện tử…

L.V