Đưa hàng Việt đến người Việt
Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn Quảng Nam đạt nhiều kết quả, khi doanh nghiệp và ngành chức năng chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy mạnh thương mại điện tử để giới thiệu, quảng bá hàng Việt đến người tiêu dùng.
Hàng việt về nông thôn
Trong 2 năm 2020 - 2021, tình hình kinh tế - xã hội cả nước cũng như Quảng Nam bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19, nhất là đợt dịch lần thứ 4. Hoạt động của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ… gặp nhiều khó khăn.
Tuy nhiên, với sự nỗ lực, thích ứng linh hoạt trong chỉ đạo triển khai, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn tỉnh vẫn đạt nhiều kết quả tích cực.
Đến nay, cả 18 địa phương cấp huyện trên địa bàn tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo cuộc vận động do Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp huyện làm Trưởng ban.
Trong 2 năm qua, Mặt trận, đoàn thể các cấp trong tỉnh tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền mục đích, ý nghĩa nội dung cuộc vận động gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; tổ chức nhiều “Phiên chợ 0 đồng”, “Siêu thị 0 đồng” với sản phẩm là hàng Việt để hỗ trợ người dân gặp khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19.
Sở Công Thương cho biết, từ khi Bộ Chính trị phát động cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (năm 2009) đến nay, sở đã hoàn thành dự án xây dựng mô hình thí điểm tiêu thụ nông sản và cung ứng vật tư nông nghiệp trên địa bàn tỉnh; xây dựng 3 mô hình thí điểm về điểm bán hàng Việt Nam với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam” tại huyện Đông Giang, Nam Trà My, Núi Thành; tổ chức điểm trưng bày và bán sản phẩm OCOP tại 245 Phan Bội Châu (TP.Tam Kỳ). Ngoài ra, sở đã xây dựng đề án “Thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa nông sản và các siêu thị trong và ngoài tỉnh Quảng Nam” nhằm tìm đầu ra cho hàng nông sản tỉnh...
Có thể kể đến “Phiên chợ 0 đồng” do Hội LHPN tỉnh phối hợp Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh tổ chức hồi cuối năm ngoái đã góp phần đưa hàng Việt đến 6 xã vùng biên giới của các huyện Tây Giang và Nam Giang.
Phiên chợ mang đến nhiều gian hàng dành cho phụ nữ nghèo và cán bộ chiến sĩ biên giới với các loại thực phẩm thiết yếu và vật dụng sinh hoạt cá nhân trị giá hơn 150 triệu đồng. Đây là những sản phẩm được sản xuất trong tỉnh, trong nước, do Hội LHPN các địa phương, đơn vị, nhà hảo tâm trên địa bàn tỉnh đóng góp.
Ông Clâu Hạnh - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Tây Giang cho biết, để người tiêu dùng, đặc biệt là đồng bào các dân tộc vùng cao, biên giới nhận thức sâu sắc sản phẩm trong nước, hướng đến sự cân nhắc, lựa chọn hàng Việt Nam chất lượng cao, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện và UBND huyện Tây Giang đã phối hợp với Sở Công Thương tổ chức 2 phiên chợ đưa hàng Việt về với vùng biên giới Tây Giang. Ngoài ra, hằng năm, UBND huyện phối hợp với Mặt trận, các tổ chức thành viên tổ chức phiên chợ biên giới.
“Thông qua các phiên chợ đưa hàng Việt về Tây Giang thời gian qua, đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện đã dần hình thành thói quen, quan tâm lựa chọn, mua sắm hàng Việt. Những phiên chợ hàng Việt được tổ chức không chỉ hỗ trợ doanh nghiệp thiết lập và phát triển hệ thống kênh phân phối mà còn cung cấp các mặt hàng thiết yếu phục vụ đồng bào các dân tộc miền núi, biên giới” - ông Hạnh chia sẻ.
Bà Trần Thị Thanh Hương - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Duy Xuyên cho hay, khắc phục khó khăn do dịch bệnh Covid-19, trong năm 2020 và 2021, Duy Xuyên đã phối hợp với các doanh nghiệp triển khai chương trình đưa hàng Việt về nông thôn; tổ chức 26 phiên chợ, hội chợ hàng Việt, hội chợ hàng tiêu dùng với doanh thu hơn 100 tỷ đồng...
Các hoạt động này làm cho thị trường hàng hóa nông thôn sôi động, nhân dân phấn khởi, thêm tin dùng hàng Việt. Qua thống kê, số lượng hàng hóa Việt Nam trong huyện được tiêu thụ tăng lên rõ rệt. Nhóm hàng hóa có nguồn gốc xuất xứ Việt Nam chiếm tới 95% tổng số hàng hóa bán ra tại các siêu thị; chiếm 70 - 80% tại các chợ và thị trường nông thôn. Bà Hương đánh giá: “Cuộc vận động từng bước đã chuyển đổi nhận thức, ưu tiên mua sắm hàng Việt chất lượng trong cộng đồng dân cư và các cơ quan, đơn vị”.
Đa dạng kênh quảng bá
Theo Ban chỉ đạo cuộc vận động cấp tỉnh, riêng năm 2021, hội chợ Xuân - OCOP Quảng Nam đã quy tụ 212 gian hàng của 86 đơn vị, cơ sở làng nghề trong tỉnh và các doanh nghiệp thương mại, làng nghề trong cả nước. Hội chợ thu hút khoảng 18 nghìn lượt khách tham quan mua sắm với tổng giao dịch đạt khoảng 12 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, tỉnh còn tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia các hội nghị “Kết nối hàng Việt - OCOP Đà Nẵng 2021”, hội chợ trưng bày sản phẩm OCOP tại Phú Quốc; kết nối với Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TP.Hồ Chí Minh nhằm tiếp nhận và trưng bày các sản phẩm đặc trưng, thế mạnh, sản phẩm OCOP Quảng Nam.
Công tác quảng bá, giới thiệu hàng Việt qua thương mại điện tử (TMĐT) được chú trọng. Bên cạnh nâng cấp sàn thương mại điện tử tỉnh tại địa chỉ “www.quangnamtrade.com.vn”, Quảng Nam đã phối hợp Hiệp hội TMĐT điều tra, đánh giá thực trạng ứng dụng TMĐT trong các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Nam. Sở Công Thương phối hợp với Trung tâm Công nghệ thông tin xây dựng Trang thông tin sản phẩm Quảng Nam “https://sanpham.quangnam.gov.vn”...
Trong điều kiện cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 diễn ra mạnh mẽ, để thúc đẩy tiêu thụ hàng Việt, giải pháp quan trọng là phát triển mạnh mẽ hạ tầng công nghệ thông tin, phát triển TMĐT.
Ông Nguyễn Quang Lâm - Phó Trưởng phòng Quản lý thương mại Sở Công Thương chia sẻ: “Dịch bệnh Covid-19 đã gây khó khăn đối với các hoạt động mua bán truyền thống, đồng thời làm rõ hơn vai trò của TMĐT.
TMĐT tăng trưởng mạnh mẽ, trở thành phương thức giao dịch được sử dụng phổ biến, lựa chọn tối ưu của doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng. Chú trọng phát triển TMĐT và gắn kết với các loại hình hoạt động thương mại truyền thống sẽ góp phần gia tăng giá trị thương mại cho sản phẩm, có khả năng gắn kết và thúc đẩy phát triển sản xuất, tiêu thụ trong nước và xuất khẩu”.
Nhìn nhận cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” như “cuộc cách mạng” trong tiêu dùng, nhiều ý kiến cho rằng quá trình triển khai cuộc vận động phải kiên trì, không nóng vội, gượng ép cùng lộ trình, bước đi phù hợp dựa trên sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị.
Cơ quan thường trực cuộc vận động - Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp cần phối hợp với các tổ chức thành viên đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, vận động phù hợp từng đối tượng, từng địa phương.
Đồng thời cụ thể hóa nội dung cuộc vận động gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” nhằm tạo sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội...