Hợp tác xã trong chuyển đổi số
Trong 2 ngày 18 & 19.5, tại Quảng Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam tổ chức Diễn đàn kinh tế tập thể, hợp tác xã khu vực miền Trung - Tây Nguyên lần thứ nhất - năm 2022 với chủ đề “Kinh tế tập thể, hợp tác xã với chuyển đổi số để phục hồi và phát triển bền vững trong bối cảnh dịch Covid-19”.
Nhiều thách thức
Khu vực miền Trung - Tây Nguyên gồm 18 tỉnh từ Thanh Hóa đến Ninh Thuận và 5 tỉnh Tây Nguyên, tính đến cuối tháng 4.2022 có khoảng 7.691 hợp tác xã (HTX).
Theo đánh giá, khu vực kinh tế tập thể, HTX dần khẳng định vai trò, vị trí trong phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương, góp phần đưa toàn khu vực miền Trung - Tây Nguyên có hơn 60% số xã đạt chuẩn nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao.
Số sản phẩm của tổ hợp tác, HTX đạt tiêu chuẩn 3 sao, 4 sao chiếm 60 - 65% tổng số sản phẩm OCOP của các địa phương.
Theo khảo sát, toàn khu vực có hơn 700 HTX bước đầu thực hiện chuyển đổi số (CĐS), ứng dụng công nghệ cao, mới (đạt gần 10% tổng số HTX hoạt động). Tuy nhiên quá trình này chưa thật sự vững chắc vì quy mô HTX còn nhỏ, hàng hóa cạnh tranh còn yếu trên thị trường. Đây là thách thức lớn đối với các HTX trong thời đại công nghệ 4.0 hiện nay.
Bên cạnh đó, các HTX, liên hiệp HTX, tổ hợp tác trên tất cả các lĩnh vực đều chịu ảnh hưởng nặng nề trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp. Có khoảng 90% số HTX đã giảm mạnh doanh thu và tỷ lệ lớn HTX hoạt động cầm chừng hoặc ngừng hoạt động do đứt gãy chuỗi cung ứng tiêu thụ nông sản và dịch vụ, trong khi chi phí đầu vào lại tăng.
Nhìn nhận về yếu tố chủ quan khiến quá trình CĐS trong lĩnh vực kinh tế tập thể, HTX còn chậm, nhiều ý kiến cho rằng nguyên nhân chính là nội lực HTX còn yếu, chưa sẵn sàng cho việc thích ứng với những thay đổi mang tính khách quan, như việc cải tiến quy trình quản lý, sản xuất, áp dụng công nghệ mới hay công cuộc CĐS đều rất hạn chế.
Mặc dù một số HTX đã chủ động tìm ra hướng đi thích hợp và áp dụng CĐS để tồn tại và phát triển ổn định, bền vững. Tuy nhiên, số lượng HTX tham gia tiến trình CĐS còn rất ít, chưa quy củ. Nguyên nhân là do nhiều đơn vị chưa nhận thức được tầm quan trọng của công việc này. Năng lực, trình độ số hóa, công nghệ thông tin của cán bộ quản lý HTX hạn chế; hạ tầng liên quan thì lạc hậu…
Đồng bộ các giải pháp
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh, việc đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, HTX là nhiệm vụ vô cùng quan trọng, được Đảng, Nhà nước thể chế hóa thông qua Luật HTX năm 2012.
Trong bối cảnh cả nước đang thực hiện mục tiêu chiến lược phát triển kinh tế số, xã hội số, các HTX không thể tách rời quá trình này. Đây vừa là thời cơ nhưng đồng thời cũng là thách thức, các HTX cần nhận diện để tham gia chủ động, tích cực vào quá trình CĐS quốc gia.
Tại Quảng Nam hiện có 518 HTX, trong đó có 76 HTX tham gia chương trình OCOP với 91 sản phẩm, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Ông Nguyễn Hoàng Thanh - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư tỉnh Quảng Nam cho rằng, CĐS trong khu vực kinh tế tập thể, HTX là số hóa quá trình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; ứng dụng công nghệ để truy xuất nguồn gốc, sử dụng thương mại điện tử để tăng hiệu quả kinh doanh, sử dụng các công nghệ thanh toán điện tử nhanh, gọn, chính xác.
“Các HTX cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong quản lý, điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh dịch vụ để HTX thực sự làm vai trò cầu nối, dẫn dắt nông dân trong sản xuất, quảng bá, xúc tiến thương mại và tiêu thụ sản phẩm” - ông Thanh chia sẻ.
Để thúc đẩy CĐS trong kinh tế tập thể, HTX, ông Đặng Văn Chính - Giám đốc HTX Công nghệ thông tin Huế cho biết, trước hết phải giải quyết được bài toán kết nối trong lĩnh vực này. Đó là phải xác định 3 trụ cột để kết nối: liên minh HTX số, kinh tế tập thể số và HTX số.
Về liên minh HTX số đó là số hóa và áp dụng các bài toán quản lý, điều hành bằng các hệ thống công nghệ thông tin; kinh tế tập thể số là bước đầu số hóa các sản phẩm, dịch vụ, các mối liên kết và thực hiện các giao dịch trên môi trường số; HTX số là số hóa quy trình sản xuất, các nghiệp vụ, thông tin khách hàng, chuỗi liên kết…
PGS-TS. Vũ Thị Phương Anh - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Quảng Nam cho rằng, CĐS trong phát triển kinh tế xã hội nói chung và lĩnh vực kinh tế tập thể, HTX nói riêng, trước tiên cần phải có “nhân lực CĐS”. Phải sớm thực hiện đồng bộ các giải pháp về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với CĐS, phục vụ cho phát triển ngành nghề đối với khu vực kinh tế tập thể, HTX.
Chia sẻ về công tác CĐS của Quảng Nam tại diễn đàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu cho biết, Quảng Nam thực hiện CĐS trên tất cả lĩnh vực, trong đó có sự ưu tiên cho lĩnh vực HTX. Theo ông Bửu, Liên minh HTX Việt Nam cần tham mưu ban hành cơ chế cụ thể và thật rõ ràng cho HTX thực hiện CĐS. Cơ chế đó phải làm sao đánh thức được HTX và tốt nhất là hỗ trợ sau đầu tư khi có những kết quả rõ ràng.
Ông Nguyễn Ngọc Bảo - Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam:
“Các HTX cần chủ động tìm ra hướng đi thích hợp và những giải pháp hữu hiệu để phát triển ổn định, bền vững. Một trong những hướng đi đó là CĐS nhằm phát huy lợi thế và nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh. CĐS sẽ là công cụ phục vụ đắc lực cho nông dân, doanh nghiệp nhỏ, giúp các HTX sản xuất kinh doanh tốt hơn, bền vững hơn theo xu thế thời đại”.
Ông Phạm Ngọc Thạch - Giám đốc HTX Sunfood Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng):
“Sau đợt dịch thứ 4 bùng phát đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình hoạt động của HTX như giá cả vật tư tăng kéo theo giá thành sản phẩm cao. Trong khi, HTX tổ chức sản xuất theo hướng an toàn, ứng dụng công nghệ vào sản xuất đòi hỏi nguồn vốn đầu tư cho sản xuất cao hơn so với sản xuất truyền thống; thành viên của HTX thiếu kỹ năng phục vụ quá trình CĐS như ứng dụng công nghệ cao, khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Do đó, cần có chính sách riêng cho các HTX nông nghiệp, nhất là các HTX ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, CĐS, liên kết sản xuất theo chuỗi khép kín để giảm chi phí và nâng cao giá trị sản phẩm”.
Ông Nguyễn Hoàng - Giám đốc HTX Mây tre Đan An Khê (TP.Đà Nẵng):
“Để tạo điều kiện thuận lợi cho mô hình HTX được tồn tại, phát triển nhằm tăng giá trị lợi nhuận, tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho thành viên, cần có sự quan tâm, hỗ trợ một cách đồng bộ và có hiệu quả từ trung ương đến địa phương cho mô hình HTX. Trong đó cần hỗ trợ tiến bộ khoa học kỹ thuật, máy móc thiết bị phù hợp với nhu cầu của từng đơn vị để từ đó HTX có thể phát huy hết năng suất sử dụng.
Đồng thời có kế hoạch đào tạo về sử dụng công nghệ, CĐS chuyên sâu cho HTX và hỗ trợ kinh phí khởi tạo trong bán hàng online. Thành lập các hiệp hội doanh nghiệp trong ngành có liên quan để tạo thành chuỗi cung ứng, liên kết theo chuỗi với xuất xứ rõ ràng và bền vững”.
Ông Trương Cảm - Giám đốc HTX Nông nghiệp Ái Nghĩa (Quảng Nam):
“Trong thời gian qua HTX đã cố gắng ứng dụng công nghệ, CĐS, áp dụng nông nghiệp thông minh… Tuy nhiên, thắng thắn nhìn nhận thì còn nhiều tồn tại như cơ sở vật chất, thiết bị còn lạc hậu, quy mô chưa lớn, chất lượng sản phẩm chưa thực sự ổn định, việc ứng dụng công nghệ, khoa học kỹ thuật, CĐS vào chuỗi giá trị sản xuất gặp nhiều khó khăn…
HTX mong muốn các cấp, ngành quan tâm triển khai sàn giao dịch thương mại chuyên về nông sản thực phẩm, có thể kết nối thuận lợi, dễ dàng trực tiếp giữa người sản xuất, HTX với người tiêu dùng.
Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng để người dân tin tưởng và thay đổi nhận thức trong mua sắm thực phẩm thông qua các sản thương mại điện tử. Ngoài ra cần có chương trình khuyến nông, CĐS nông nghiệp, hỗ trợ chuyển giao công nghệ, tập huấn kỹ năng, trang thiết bị công nghệ phục vụ CĐS, quản trị sản phẩm, quản trị HTX cho các vùng sản xuất…”.(VINH ANH ghi)