Vốn chính sách tạo động lực phát triển mới

VIỆT QUANG 20/05/2022 10:09

Cho vay theo Nghị quyết 11 của Chính phủ; triển khai chương trình tín dụng theo Nghị định 28 của Chính phủ; cho vay để phát triển vùng dược liệu quý là 3 chương trình tín dụng mới được Ngân hàng Chính sách xã hội Quảng Nam khẩn trương thực hiện.

Khách hàng thực hiện thủ tục vay vốn tại Ngân hàng CSXH Quảng Nam. Ảnh: VIỆT QUANG
Khách hàng thực hiện thủ tục vay vốn tại Ngân hàng CSXH Quảng Nam. Ảnh: VIỆT QUANG

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn - Trưởng ban Đại diện HĐQT Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) Quảng Nam cho biết, ngay sau khi Nghị quyết số 11 được Chính phủ ban hành, UBND tỉnh đã chỉ đạo ngân hàng chính sách phối hợp với các địa phương, cơ quan truyền thông tăng cường tuyên truyền để người dân nắm bắt. Kết quả rà soát nhu cầu vay vốn các chương trình tín dụng theo Nghị quyết 11 giai đoạn 2022 - 2023 trên địa bàn là 959,7 tỷ đồng.

Ngay khi được Ngân hàng CSXH Việt Nam giao chỉ tiêu kế hoạch tín dụng thực hiện Nghị quyết 11 là 249 tỷ đồng, Ban đại diện HĐQT Ngân hàng CSXH Quảng Nam đã phân giao vốn đến các địa phương đáp ứng kịp thời nhu cầu của người dân.

Đến ngày 16.5, đã giải ngân 69,6 tỷ đồng (28%). Cụ thể, chương trình hỗ trợ tạo việc làm 50 tỷ đồng (đạt 100%), cho vay nhà ở xã hội 17,4 tỷ đồng (11,24%), cho vay học sinh, sinh viên mua máy tính hơn 2,2 tỷ đồng (31,71%).

Triển khai chương trình tín dụng theo Nghị định 28 của Chính phủ, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Kế hoạch - Đầu tư, Ban Dân tộc tỉnh phối hợp với ngân hàng chính sách, các sở, ngành, địa phương xây dựng Đề án phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025.

Đến nay đang trong quy trình thu thập ý kiến thực hiện đề án để ban hành. Theo kế hoạch về các chính sách đất ở, nhà ở, đất sản xuất vùng dân tộc thiểu số và miền núi, dự kiến năm 2022 có khoảng 3.478 hộ có nhu cầu về nhà ở, chuyển đổi ngành nghề, hỗ trợ đất ở, đất sản xuất với tổng nhu cầu vốn dự kiến 190 tỷ đồng. UBND tỉnh chỉ đạo các ngành liên quan tiếp tục rà soát nhu cầu vốn, báo cáo kết quả để Ngân hàng CSXH Việt Nam triển khai trên thực tế.

Về việc phát triển vùng dược liệu quý, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 09 về quy định cơ chế khuyến khích bảo tồn, phát triển sâm Ngọc Linh và các cây dược liệu khác giai đoạn 2022 - 2025. Diện tích Quảng Nam quy hoạch để phát triển trồng sâm là 15.567ha (khu vực có độ từ 1.200m - 2.000m là 13.329ha, trên 2.000m là 2.238ha).

Đến nay diện tích thực tế trồng sâm hơn 925ha trong tổng diện tích cho thuê môi trường rừng để trồng Sâm Ngọc Linh là 1.428,96ha. Qua khảo sát ở 2 huyện Nam Trà My và Tây Giang có 44 doanh nghiệp cần vay vốn để đầu tư trồng sâm và các cây dược liệu (Tây Giang 3 và Nam Trà My 41). Ngân hàng CSXH Quảng Nam đang hỗ trợ khách hàng lập hồ sơ để vay vốn.

Thời điểm này dịch bệnh Covid-19 đã được kiểm soát, du lịch được kích cầu, các ngành công nghiệp, xây dựng, nông nghiệp... đang đẩy nhanh sản xuất. UBND tỉnh đã đề xuất Ủy ban Dân tộc và Bộ Y tế sớm ban hành thông tư hướng dẫn, giúp địa phương rà soát, phê duyệt danh sách thụ hưởng các chính sách cho vay theo Nghị định 28, làm cơ sở để Ngân hàng CSXH Quảng Nam triển khai cho vay kịp thời, tạo lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

VIỆT QUANG