Sức bật mới trong hoạt động thương mại

VIỆT NGUYỄN 17/05/2022 06:40

Hoạt động thương mại đang tăng trưởng khá mạnh, vượt qua tác động xấu của dịch Covid-19, tạo động lực phát triển kinh tế trên địa bàn tỉnh.

Gian hàng OCOP tại Co.opMart Tam Kỳ luôn được khách hàng quan tâm. Ảnh: L.Q
Gian hàng OCOP tại Co.opMart Tam Kỳ luôn được khách hàng quan tâm. Ảnh: L.Q

Khởi sắc bán lẻ

Chợ Hội An sôi động người mua, kẻ bán cuối tuần qua. Chị Phan Thư Ái - tiểu thương bán các mặt hàng giày dép, quần áo, mỹ phẩm cho biết, lượng hàng hóa bán ra trong những ngày qua gấp đôi thời điểm đầu năm.

“Khách mua hàng gồm người dân địa phương, khách du lịch trong và ngoài nước. Rất mừng khi hoạt động thương mại đã nhộn nhịp, sầm uất trở lại” - chị Ái nói.

Quan sát của chúng tôi ở các chợ Vĩnh Điện (Điện Bàn), Nam Phước (Duy Xuyên), Hà Lam (Thăng Bình), giao thương tấp nập. Hàng hóa đa chủng loại, bắt mắt, chất lượng tốt đã kích thích nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng.

“Doanh nghiệp mở cửa giúp chúng tôi có việc làm, ổn định thu nhập trở lại. Qua thời gian khó nên mua nhiều vật dụng về dùng. Rất vui khi hàng hóa đảm bảo tiêu chuẩn, giá cả lại phải chăng” - chị Trang Hoài Thu (ở thị trấn Hà Lam) nói.

Nhịp mua sắm ở siêu thị Co.opMart Tam Kỳ tăng lên trong những ngày qua. Nhiều chương trình khuyến mãi sâu đã kích thích người dân trên địa bàn và khu vực xung quanh đến với Co.opMart Tam Kỳ.

Thế mạnh của siêu thị là hàng hóa được truy xuất nguồn gốc, tem, nhãn thẩm mỹ nên người tiêu dùng yên tâm mua dùng. Nhiều nhà bán lẻ khác như Siêu thị điện máy - nội thất Chợ Lớn, Điện máy Xanh cũng phấn khởi vì doanh thu tăng vọt so với đầu năm.

Người dân mua sắm ở phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn. Ảnh: VIỆT NGUYỄN
Người dân mua sắm ở phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn. Ảnh: VIỆT NGUYỄN

Điều gì đã giúp các doanh nghiệp bán lẻ có sức bật kinh doanh trong thời gian gần đây? Nhờ thích nghi tốt, hệ thống bán lẻ Quảng Nam đã áp dụng đồng thời 2 hình thức bán hàng là trực tuyến và trực tiếp.

Khách hàng chỉ gần liên hệ đặt hàng, nhà bán lẻ giao hàng tận nơi mà không thu thêm phụ phí. Các nhà chuyên môn cho rằng, 3 yếu tố then chốt khi người tiêu dùng mua sắm online mà các nhà bán hàng cần lưu ý là giá cả, chất lượng sản phẩm và thời gian giao hàng. Để cạnh tranh, các doanh nghiệp cần nỗ lực hơn, chú ý phân phối đa kênh và thích ứng với thay đổi thói quen, nhu cầu của người tiêu dùng.

Tạo “cú hích”

Luân chuyển hàng hóa liền mạch, giao thương khởi sắc đã giúp thương mại đạt mức tăng trưởng khả quan. Tổng mức bán lẻ hàng hóa trong quý 1 - 2022 đạt hơn 11.885 tỷ đồng (tăng 8,58% so với cùng kỳ năm trước).

Ông Hường Văn Minh - Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết, mạng lưới kinh doanh thương mại phát triển nhanh, đa dạng ngành nghề là điểm nhấn. Hệ thống cửa hàng bán buôn, bán lẻ phát triển rộng khắp, phủ kín tới tận các thôn, làng vùng sâu, vùng xa là yếu tố quan trọng thúc đẩy giao thương hàng hóa.

Thương mại Quảng Nam phát triển đã góp phần quan trọng trong giải quyết đầu ra, tiêu thụ sản phẩm cho các ngành sản xuất đồng thời tạo ra thị trường hàng hóa sôi động đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của người tiêu dùng.

Nhu cầu mua sắm của người dân đã tăng lên. Ảnh: VIỆT NGUYỄN
Nhu cầu mua sắm của người dân đã tăng lên. Ảnh: VIỆT NGUYỄN

Bà Đỗ Thị Hiền - Trưởng phòng Quản lý thương mại (Sở Công Thương) cho biết, hiện có 159 chợ, gồm 2 chợ hạng 1 ở Hội An và Tam Kỳ, 13 chợ hạng 2 và 144 chợ hạng 3. Khu vực thành thị có 21 chợ, ở nông thôn có 118 chợ, miền núi có 20 chợ.

Tổng số hộ kinh doanh qua mạng lưới chợ hiện nay hơn 23.000 hộ, bao gồm 14.000 hộ kinh doanh cố định và 9.000 hộ kinh doanh không thường xuyên. Cùng với các siêu thị, mạng lưới chợ dân sinh rộng lớn đã đóng vai trò rất quan trọng trong phát triển bán lẻ tại Quảng Nam.

Xã hội hóa đầu tư xây dựng chợ cũng đã có kết quả với 3 doanh nghiệp đầu tư, quản lý chợ là Công ty CP Cấp thoát nước Quảng Nam ở chợ Điện Ngọc (Điện Bàn), Công ty TNHH MTV Tâm Tài Đức với chợ Điện Nam Trung (Điện Bàn) và Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển kinh tế hợp tác miền Trung & Tây Nguyên ở chợ Thương mại Tam Kỳ.

Ông Hường Văn Minh cho biết, tiếp tục khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, xây dựng trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng chuyên doanh, siêu thị mini, các quầy hàng tạp hóa hiện đại, tạo động lực mới cho ngành bán lẻ.

Để thúc đẩy bán lẻ, cần thường xuyên tổ chức các chương trình tiêu thụ hàng hóa tại các kênh thương mại điện tử; tổ chức các hoạt động kết nối cung - cầu hàng hóa, hội chợ đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa; nhất là các chương trình kích cầu tiêu dùng giữa đơn vị sản xuất với nhà phân phối, người tiêu dùng.

Đẩy mạnh cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” gắn với tổ chức các phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn, vùng sâu, vùng xa, hải đảo.

“Đề nghị Bộ Công Thương đề xuất với Chính phủ bố trí nguồn vốn đầu tư phát triển các dự án chợ nông thôn thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn cho Quảng Nam, giúp tỉnh phát triển hạ tầng thương mại, nâng cao tiêu dùng của người dân” - ông Minh nói.

VIỆT NGUYỄN