Mang hương cau ra thế giới

ALĂNG NGƯỚC 01/05/2022 09:13

Sau nhiều năm nghiên cứu và mở rộng thị trường, chị nói, mô hình cau sấy đang cho hiệu quả kinh tế. Một tín hiệu vui cho hành trình mà người phụ nữ trạc tuổi 50 này đưa sản phẩm cau xứ Quảng ra thế giới…

Chị Trần Thị Luân - người góp công mang thương hiệu cau Tiên Phước đến với thị trường quốc tế. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Chị Trần Thị Luân - người góp công mang thương hiệu cau Tiên Phước đến với thị trường quốc tế. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Chị bận rộn với công việc kinh doanh nên cuộc gặp gỡ giữa tôi với chị càng trở nên quý. Như đợt hẹn này, chị cũng vừa trở về sau chuyến đi gặp đối tác ở TP.Hồ Chí Minh. Ngày nào chị cũng tất bật với những dự định mới mẻ.

“Chút xíu nữa chị phải lên Tiên Phước. Cơ sở sản xuất của chị ở trên đó. Ngày mai, có chương trình ký kết hợp tác tại Tam Kỳ nên đi suốt” - chị Trần Thị Luân - Giám đốc Hợp tác xã Cau sấy Tiên Phước vừa dứt lời, những cuộc điện thoại liên tục đổ chuông.

Duyên với cau

Trong câu chuyện vừa kể, chị Luân nói, mô hình cau sấy này như một cơ duyên gắn cuộc đời mình với sản vật địa phương. Chính xác là sau thời gian dài chị bán buôn nông sản miền núi, từ đậu, mè cho đến các đặc sản cá suối, mây rừng...  Chị Luân kể, hồi mới lập gia đình, gần như ngày nào vợ chồng chị cũng đều ngược núi, có khi chuyến đi kéo dài vài ngày để tìm kiếm mặt hàng mưu sinh.

Từ 9 xã viên với vốn điều lệ ban đầu 8 tỷ đồng, chỉ sau gần 4 năm hoạt động, Hợp tác xã Cau sấy Tiên Phước nay có đến 29 xã viên liên kết phát triển, duy trì lao động chính 30 - 80 người. Quá trình phát triển, hợp tác xã liên kết với 20 nhóm thu gom nguyên liệu từ hơn 200 hộ sản xuất cau trên địa bàn huyện và các vùng lân cận; mỗi năm thu mua khoảng 1.600 tấn quả cau tươi, xuất khẩu 400 - 500 tấn cau khô ra thị trường quốc tế.

Hồi đó, đường sá hiểm trở, từ Tiên Lãnh (Tiên Phước) quê chị ngược lên các xã Trà Đốc, Trà Sơn, Trà Giáp… (Bắc Trà My) phải mất cả ngày đường xuyên núi. Đi rồi thành quen, bất chấp nắng mưa, lụt lội, hễ nơi nào có nông sản chị Luân đều tìm đến.

Những tưởng cuộc sống cứ thế êm trôi, nào ngờ, hơn chục năm trước, chồng chị bất ngờ mắc bệnh u não. Gần 3 năm chạy chữa, vốn liếng dần cạn, nhưng bệnh tình ngày một nặng thêm. Rồi anh mất.

“Lúc đó, chị suy sụp hẳn. Cả 4 đứa con đều nhỏ, cuộc sống phía trước như một rào chắn bịt bùng” - chị Luân chia sẻ.

Phải gầy dựng lại từ đầu. Sau ngày chồng mất, chị Luân kết nối lại với các bạn hàng, rồi tìm nguồn vay để tiếp tục làm kinh tế. Bao nhiêu khổ cực đã trải qua, chị nói lúc đó, trong đầu chỉ nghĩ đến các con mà phấn đấu.

Trời đất phù hộ, sau vài năm kinh doanh, chị đã có trong tay số tiền kha khá để tiếp tục xoay vòng và mở rộng mô hình thu mua cây đót. Thời điểm đót nhiều, chị Luân còn lặn lội tận các huyện miền núi Đông Giang, Tây Giang để tìm kiếm đầu mối thu mua.

Bao nhiêu lời lãi có được, chị dành hết cho công việc nuôi các con ăn học. Nghèo khó dần qua đi, bây giờ, chị Luân đã là chủ của một cơ sở chuyên phân phối cây đót xuất bán ra thị trường trong nước.

Vài năm trở lại đây, chị Luân bén duyên hoạt động thu mua quả cau tươi, rồi liên kết với một số thành viên tại địa phương cho ra đời mô hình hợp tác xã nông nghiệp chuyên thu mua, sản xuất mặt hàng cau sấy.

Như một ngả rẽ cuộc đời, chỉ sau vài năm hoạt động, mô hình này cho hiệu quả rõ nét với doanh thu bình quân mỗi năm hàng chục tỷ đồng. Đó cũng là động lực để chị Luân và các thành viên hợp tác xã tiếp tục gắn kết, nghiên cứu và đầu tư sâu hơn vào lĩnh vực sơ chế, hướng đến việc chế biến sản phẩm, tạo chuỗi giá trị lớn từ cau Tiên Phước.

Đưa cau Việt ra thế giới

Vùng Tiên Phước vốn nổi tiếng với những vườn cau được trồng rộng khắp, mang lại giá trị kinh tế cao. Đón trước cơ hội từ cau, năm 2018, chị Luân liên kết thành lập Hợp tác xã Cau sấy Tiên Phước, xem đó như bước ngoặt để mở hướng kinh doanh theo phương thức mới.

Không nằm ngoài mục đích nâng cao giá trị sản phẩm cau Tiên Phước đến thị trường, những năm gần đây, chị Luân và cộng sự của mình nghiên cứu đầu tư công nghệ nhằm hạn chế tác động và ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên.

Công nhân Hơp tác xã Cau sấy Tiên Phước phân loại quả cau trước khi đưa vào lò hơi luộc chín. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Công nhân Hơp tác xã Cau sấy Tiên Phước phân loại quả cau trước khi đưa vào lò hơi luộc chín. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Chị Luân nói, trước đây, công đoạn sơ chế cau được thực hiện theo phương thức truyền thống, từ phân loại, làm sạch cau, cho đến luộc chín quả; chỉ duy nhất công đoạn sấy khô cau được áp dụng công nghệ hiện đại. Nhưng, sản phẩm cau của hợp tác xã chủ yếu là xuất khẩu sang thị trường các nước Ấn Độ, Trung Quốc… nên việc đảm bảo chất lượng luôn được đặt lên hàng đầu.

Do vậy, buộc phải đầu tư máy móc, trang thiết bị theo xu hướng công nghệ tiên tiến. Đó cũng là lý do khiến chị Luân chấp nhận đầu tư, với mục tiêu giữ vững thương hiệu sản phẩm cau đối với thị trường quốc tế.

“Mới đây, hợp tác xã đã bỏ ra hàng trăm triệu đồng để đầu tư nồi hơi áp suất lớn phục vụ cho công đoạn luộc chín quả cau, giảm dần tác động môi trường từ việc nấu củi như trước” - chị Luân nói.

Xuất khẩu hàng trăm tấn cau khô ra thị trường quốc tế mỗi năm giúp chị Luân và các thành viên hợp tác xã mở rộng quy mô sản xuất chế biến. Đây cũng được xem là cơ hội tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho hàng chục lao động địa phương.

Như trường hợp của chị Nguyễn Thị Phượng (thôn 4, xã Tiên Lãnh), nhiều năm qua, một mình nuôi 3 con nhỏ khiến cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn. Hay tin, chị Luân tìm đến động viên và nhận chị Phượng vào làm việc tại đơn vị. Sau nhiều năm chăm chỉ làm lụng, cuộc sống của chị Phượng và rất nhiều công nhân khác đã dần ổn định, tiếp tục nỗ lực cho mục tiêu giảm nghèo.

Trong dự định của mình, chị Luân đang ấp ủ ý tưởng đầu tư thêm công nghệ chế biến sâu từ cau, góp phần nâng giá trị chuỗi chất lượng cao từ sản vật đặc trưng của vùng. Không chỉ sấy khô, tương lai cau còn được chế biến thành sản phẩm kẹo, xuất khẩu ra thị trường các nước.

Đặt mục tiêu cho dự án này, mới đây, Hợp tác xã Cau sấy Tiên Phước ký kết thỏa thuận hợp tác với Dự án Quản lý rừng bền vững và bảo tồn đa dạng sinh học (VFBC) tại Việt Nam.

Mục tiêu ký kết đến năm 2024, ngoài nâng cao năng lực thể chế và năng lực tổ chức cho hợp tác xã, còn thúc đẩy sự tham gia của nhóm/ hộ nông dân vào chuỗi giá trị cau, từ đó góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, cải thiện cho hộ trồng cau, giảm áp lực vào tài nguyên rừng.

Ngoài ra, hỗ trợ xây dựng bản đồ vùng cung cấp nguyên liệu; nâng cao chất lượng giống cau và kỹ thuật trồng, chăm sóc cho hộ sản xuất cau; cải thiện kỹ thuật sơ chế, chế biến theo hướng thân thiện với môi trường tự nhiên…

Quy hoạch ươm giống cau Tiên Phước

Giám đốc Hợp tác xã Cau sấy Tiên Phước - Trần Thị Luân cho biết, trong định hướng của đơn vị, sau khi hoàn tất các hoạt động đầu tư trang thiết bị máy móc, sẽ tiến hành quy hoạch ươm giống cau chất lượng cao mang thương hiệu đặc trưng của Tiên Phước. Dự án này, ngoài mở rộng mô hình sản xuất, gieo trồng cây cau trên địa bàn, còn nhằm mục tiêu bảo tồn nguồn gen quý về giống cau Tiên Phước.

Ông Bùi Sang - Chủ tịch UBND xã Tiên Lãnh cho biết, trong khả năng của mình, địa phương sẽ tạo mọi điều kiện tốt nhất để Hợp tác xã Cau sấy Tiên Phước phát triển, nhất là trong việc hỗ trợ quy hoạch vườn ươm giống cau bản địa đảm bảo chất lượng. Đây cũng là hoạt động nhằm cụ thể hóa Đề án 03 của HĐND huyện về phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại và du lịch sinh thái mang đặc trưng miền Trung xứ Quảng giai đoạn 2017 - 2025.

ALĂNG NGƯỚC