Để sản phẩm làng nghề vươn xa...

XUÂN HIỀN - QUỐC TUẤN 01/04/2022 08:41

Dù có chất lượng tốt nhưng sản phẩm - dịch vụ làng nghề của Quảng Nam vẫn chật vật khi cạnh tranh trên thị trường. Công nghệ, quảng bá và quản trị làng nghề là những thách thức khiến việc tìm kiếm thị trường cho sản phẩm làng nghề còn nhiều hạn chế.

Các ngành nghề truyền thống và làng nghề cần phải cải tiến mẫu mã, xây dựng hình ảnh cho sản phẩm để phát triển, mở rộng thị trường. Ảnh: H.T
Các ngành nghề truyền thống và làng nghề cần phải cải tiến mẫu mã, xây dựng hình ảnh cho sản phẩm để phát triển, mở rộng thị trường. Ảnh: H.T

Quản trị làng nghề

Khảo sát từ Liên minh Hợp tác (HTX) tỉnh, Quảng Nam hiện có 96 HTX và 61 tổ hợp tác tham gia sản xuất, kinh doanh các sản phẩm, mặt hàng của các làng nghề truyền thống.

Số lao động tham gia tại các làng nghề và HTX lên đến hơn 23 nghìn lao động thường xuyên và hơn 3 nghìn lao động không thường xuyên. Mức thu nhập bình quân mỗi người hơn 5,2 triệu đồng/tháng.

Dự kiến từ ngày 30.4 - 4.5, Festival Nghề truyền thống vùng miền lần thứ nhất - Quảng Nam 2022 sẽ diễn ra tại Quảng trường Sông Hoài và Công viên Vườn tượng An Hội (TP.Hội An). Đây là hoạt động trọng tâm của Năm du lịch quốc gia 2022. Với chủ đề “Sản phẩm nghề truyền thống hướng tới du lịch xanh”, Festival nhằm giới thiệu, quảng bá văn hóa, lịch sử, thành tựu, tiềm năng, thế mạnh của vùng đất và con người Quảng Nam trên các lĩnh vực; tôn vinh các nghệ nhân Quảng Nam và một số tỉnh thành có đóng góp cho việc gìn giữ, phát triển làng nghề Việt Nam. Đây cũng là cơ hội để sản phẩm từ các làng nghề Quảng Nam được giới thiệu và quảng bá đến đông đảo người dân, du khách. Dự kiến có khoảng gần 60 gian hàng với hơn 200 nghệ nhân của Quảng Nam và 10 tỉnh, thành phố tham dự Festival.

Trong số đơn vị đang hoạt động, có rất nhiều tổ hợp tác, HTX hình thành và phát triển dựa trên nền tảng của làng nghề, từ HTX Nước nắm Cửa Khe, HTX Dệt tơ lụa Mã Châu, HTX Chổi đót Nhất Tuấn, HTX Du lịch cộng đồng Tam Thanh, HTX Nước mắm Ngọc Lan, HTX Mì Quảng Cô Huệ, HTX Dệt thổ cẩm Zara huyện Nam Giang...

“Các THT, HTX này phát huy rất tốt vai trò của mình trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm của làng nghề. Thực tế chứng minh mô hình THT, HTX có vai trò rất quan trọng trong duy trì, phát triển làng nghề và giữ nghề.

Với việc mở rộng hình thức kinh doanh, liên kết phát triển, HTX đảm bảo quyền lợi cho mỗi thành viên” - đại diện Liên minh HTX tỉnh chia sẻ.

Những năm gần đây, sản phẩm làng nghề Quảng Nam cũng tích cực tham gia các chương trình quảng bá, xúc tiến bằng nhiều hình thức, ở nhiều địa phương nhưng hiệu quả thu được vẫn chưa như kỳ vọng.

Theo bà Hoài Thanh - thành viên nhóm Hội An khởi nghiệp sáng tạo, trong thời đại số hiện nay, khách hàng chọn sản phẩm dựa trên 3 yếu tố nhìn thấy, nghe thấy, cảm nhận.

Sản phẩm làng nghề ở Quảng Nam rất tốt nhưng nó gặp vấn đề nằm ở khâu đóng gói, bởi hầu hết bao bì sản phẩm vẫn mang tính cảm quan về địa phương, chưa bắt mắt nên khó tiếp cận đối tượng khách hàng trẻ, khách hàng có chi tiêu cao, kỳ vọng sản phẩm chuyên nghiệp.

Các ngành nghề truyền thống và làng nghề cần phải cải tiến mẫu mã, xây dựng hình ảnh cho sản phẩm để phát triển, mở rộng thị trường. Ảnh: H.T
Các ngành nghề truyền thống và làng nghề cần phải cải tiến mẫu mã, xây dựng hình ảnh cho sản phẩm để phát triển, mở rộng thị trường. Ảnh: H.T

Để làng nghề phát triển một cách bền vững, việc củng cố, xây dựng các mô hình kinh tế từ hộ gia đình, tổ hợp tác, HTX ở địa bàn nông thôn trong làng nghề là điều cần phải triển khai và vận hành... Tất cả phải dựa trên các phương thức phù hợp tùy theo tình hình đặc điểm cụ thể của mỗi nơi, mỗi nghề.

Theo đó, tăng cường liên kết, hợp tác với các thành viên, mở rộng thị trường, cải tiến mẫu mã, đa dạng các loại sản phẩm… nhằm cùng nhau thúc đẩy sự phát triển của ngành nghề nông thôn và làng nghề là những ý hướng được đưa ra trong nhiều tọa đàm.

Ông Nguyễn Văn Tiếp - Chủ tịch Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ Quảng Nam cho rằng, để làng nghề phát triển theo hướng bền vững và hiệu quả, việc phát triển mô hình HTX trong các làng nghề là xu hướng tất yếu nhằm tạo sự liên kết, tăng sức cạnh tranh trong cơ chế thị trường.

Với cách thức quản trị đặc thù, các HTX, THT sẽ tạo tiền đề để liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị cũng như khối lượng hàng hóa và chất lượng sẽ trở nên đồng đều, đồng thời tranh thủ được nguồn vốn vay ưu đãi, nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước để thu hút nguồn nhân lực, đầu tư trang thiết bị, máy móc hiện đại vào sản xuất nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm...

Công nghệ và truyền thông

Cải tiến sản phẩm thông qua các ứng dụng công nghệ cũng như tăng cường quảng bá giá trị mà các sản phẩm làng nghề đang nắm giữ là yêu cầu đặt ra với các làng nghề. Chủ trương của Quảng Nam trong giai đoạn này là vực dậy các làng nghề và tạo điều kiện để người làm nghề truyền thống bán được sản phẩm của mình”.

(Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu)

Bên cạnh khâu quản trị, ứng dụng công nghệ tại các làng nghề là điều cần làm trong thời điểm này. Công nghệ sẽ giúp giải quyết 3 vấn đề: tiếp cận không khoảng cách, chuyển tải thông tin không giới hạn và đong đếm, kiểm soát được dữ liệu.

Với đặc thù nhân lực làng nghề phần lớn là người lớn tuổi, yếu điểm về công nghệ càng thể hiện rõ rệt hơn.

Ông Khương Hưu - nguyên Trưởng ban điều hành Làng du lịch sinh thái Trà Nhiêu (xã Duy Vinh, Duy Xuyên) bộc bạch: “Nếu du lịch vận hành ổn định thì có khoảng 30 - 40 hộ làm các nghề truyền thống trong làng có thể kiếm thêm được 5 - 7 triệu đồng/tháng. Nhưng việc này hầu như phụ thuộc hoàn toàn vào đối tác lữ hành bởi chúng tôi không có điều kiện để tiếp cận khách hàng”.

Bà Trần Ngọc Nguyệt Quế - đại diện Công ty TNHH Santani, chuyên gia tư vấn xây dựng thương hiệu cho hay, thị trường TP.Hồ Chí Minh hoặc Hà Nội rất lớn nhưng bản thân họ có rất ít câu chuyện bản địa. Và một khi hai thị trường này quảng bá đưa khách đến Quảng Nam thì họ sẽ kể câu chuyện gì? Chúng ta cần đem câu chuyện bản địa của các làng nghề đến những thị trường lớn để xúc tiến giao lưu thương mại.

 

“Công nghệ và truyền thông cần phải đi cùng nhau. Ngay cả với sản phẩm sâm Ngọc Linh, chúng ta cũng chưa xây dựng câu chuyện về nó. Ở TP.Hồ Chí Minh có rất nhiều cửa hàng sâm Ngọc Linh nhưng chưa có câu chuyện.

Tương tự với các địa điểm khác, chúng ta cần nâng sản phẩm lên bằng định vị cao cấp, bằng câu chuyện sản phẩm của chúng tôi chất lượng, trải dài qua hàng trăm năm mà không thất truyền thì giá trị thương hiệu sẽ nâng cao hơn rất nhiều” - bà Quế nói.

“Sau 13 năm làm việc tại Hội An, tôi nhận thấy nền tảng về marketing chưa được chú trọng khi bán sản phẩm làng nghề ở Quảng Nam, nên dù sản phẩm dịch vụ tốt mà marketing hạn chế thì rất khó lan tỏa. Giờ đây, nhiều người lớn tuổi cũng đã biết dùng mạng xã hội để tương tác quảng bá sản phẩm.

Có điều trong các bài viết của họ lại dùng nhiều ngôn từ địa phương cũng như hình ảnh chưa chỉn chu, cần phải cải thiện điều này nếu muốn tiếp cận thị trường rộng hơn trên toàn quốc” - bà Hoài Thanh - thành viên nhóm Hội An khởi nghiệp sáng tạo chia sẻ.

XUÂN HIỀN - QUỐC TUẤN