Bất cập trong quản lý và phát triển điện mặt trời

TRUNG LỘ 15/03/2022 06:46

Phát triển điện mặt trời áp mái trên địa bàn Quảng Nam đang bộc lộ nhiều vấn đề bất cập trong việc lập thủ tục về thiết kế, thẩm tra, thẩm định, phê duyệt và công tác an toàn về điện... cần sớm có những giải pháp khắc phục.

Hiện trên địa bàn tỉnh có 1.412 hệ thống điện mặt trời với tổng công suất lắp đặt là 164.529,88kWp. Ảnh: Đ.H
Hiện trên địa bàn tỉnh có 1.412 hệ thống điện mặt trời với tổng công suất lắp đặt là 164.529,88kWp. Ảnh: Đ.H

Triển khai khi chưa được cấp phép

Trong những năm qua, việc đầu tư lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) trên địa bàn tỉnh phát triển mạnh. Tuy nhiên, điều này cũng kéo theo những vấn đề đáng lo ngại trong quá trình triển khai xây dựng của các chủ công trình và khó khăn, bất cập trong công tác quản lý.

Theo thống kê từ Sở Công Thương, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 1.412 hệ thống điện mặt trời với tổng công suất lắp đặt hơn 164.529kWp. Trong đó, có 226 hệ thống điện mặt trời áp mái (ĐMTAM) tại các cơ quan, doanh nghiệp (DN); trong đó ở các cơ quan, đơn vị nhà nước là 12/226 hệ thống; các cơ sở DN là 214/226 hệ thống; cơ sở DN trong khu công nghiệp là 47/214 hệ thống; cơ sở DN trong cụm công nghiệp là 50/214 hệ thống; cơ sở DN ngoài khu, cụm công nghiệp là 117/214 hệ thống.

Trước những tồn tại trong phát triển điện mặt trời mái nhà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu đã yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố phối hợp với Sở Xây dựng, Công an tỉnh tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn, giám sát việc đầu tư xây dựng theo đúng quy định, quản lý chất lượng công trình xây dựng, quản lý an toàn công trình, an toàn lao động, an toàn cháy nổ đối với các công trình/cơ sở lắp đặt hệ thống ĐMTMN trong phạm vi hành chính được giao quản lý. Giao Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các ngành, đơn vị, địa phương liên quan nghiên cứu, tham mưu ban hành quy định, hướng dẫn về thủ tục đầu tư, xây dựng hệ thống ĐMTMN trên địa bàn tỉnh đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành.

Ông Đặng Bá Dự - Giám đốc Sở Công Thương cho rằng, đối với công trình ĐMTAM phải thực hiện theo trình tự thủ tục đầu tư xây dựng thiết kế, thẩm tra, thẩm định, phê duyệt dự án, giấy phép xây dựng và quản lý chất lượng công trình theo quy định của pháp luật. Nhưng hiện nay, phần lớn đơn vị lắp đặt hệ thống ĐMTAM chưa thực hiện các thủ tục theo quy định. Chỉ một vài doanh nghiệp thực hiện, tuy nhiên vẫn chưa thực hiện đầy đủ.

Việc cho thuê mái để lắp đặt các hệ thống điện mặt trời mái nhà của các cơ sở không có ý kiến của cơ quan quản lý có thẩm quyền (Ban Quản lý các khu/cụm công nghiệp, chính quyền địa phương...).

Một số doanh nghiệp thuê/cho thuê mái nhà lại không có ngành nghề kinh doanh phù hợp hoặc có ngành nghề nhưng vốn điều lệ không đảm bảo theo quy định của Luật Kinh doanh bất động sản...

Đơn cử, việc UBND thị trấn Ái Nghĩa, huyện Đại Lộc cho phép Ban Quản lý Chợ Ái Nghĩa cho thuê mái chợ để lắp đặt hệ thống ĐMTMN là chưa phù hợp với quy định của pháp luật theo quy định tại Khoản 5 Điều 10 và Khoản 2 Điều 55 của Luật quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017.

Như trước đó, mặc dù xin đất làm nông nghiệp thế nhưng Hợp tác xã Nông nghiệp Mỹ Tân An (xã Tam Xuân 1, huyện Núi Thành) đã quản lý, sử dụng đất lỏng lẻo để cho các hộ dân xây dựng dự án điện năng lượng mặt trời tại đồi Trà Quân khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép...

Một hệ thống điện mặt trời mái nhà. Ảnh: Đ.H
Một hệ thống điện mặt trời mái nhà. Ảnh: Đ.H

Chưa đảm bảo an toàn điện

Theo Sở Công Thương, hiện nay trong tổng số 30 cơ sở/công trình ĐMTMN bắt buộc phải trình cơ quan chức năng có thẩm quyền phê duyệt và nghiệm thu để đi vào hoạt động. Tuy nhiên, chỉ có 2 cơ sở/công trình có đủ hồ sơ thầm quyền phê duyệt và nghiệm thu, các cơ sở/công trình còn lại chưa có ý kiến về thẩm quyền phê duyệt, nghiệm thu trong công tác phòng cháy chữa cháy.

Qua kiểm tra về an toàn điện, chỉ có 7/30 đơn vị đảm bảo điều kiện năng lực vận hành đường dây điện 22kV và trạm biến áp (Công ty Điện lực Quảng Nam). Số đơn vị còn lại là tự quản lý vận hành, tuy nhiên đều không đảm điều kiện năng lực. 30/30 đơn vị chưa tổ chức bồi huấn, sát hạch và cấp thẻ an toàn điện cho cán bộ quản lý, vận hành hệ thống ĐMTMN.

Việc lắp đặt hệ thống ĐMTMN trên mái các nhà xưởng, ảnh hưởng rất lớn đến kết cấu chịu lực công trình hiện hữu, tuy nhiên, hầu hết các chủ nhà xưởng chưa thực hiện đánh giá, kiểm định lại an toàn chịu lực của kết cấu nhà xưởng. Chỉ có một vài DN thuê tư vấn độc lập kiểm định lại tuy nhiên chưa được cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng thẩm định lại.

Về công tác bảo vệ môi trường, cả 30/30 DN đều chưa thực hiện quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường theo Nghị định số 40/2019/NĐ-CP ngày 13.5.2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường.

Ông Đặng Bá Dự cho rằng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, trong những năm qua, do áp lực về phát triển điện năng lượng tái tạo nên hệ thống chính sách về phát triển điện mặt trời chưa đồng bộ, chưa có hướng dẫn chi tiết, cụ thể.

Nhiều chủ đầu tư hệ thống ĐMTMN chưa nắm bắt đầy đủ các quy định của pháp luật liên quan cũng như trách nhiệm của các đơn vị, cá nhân được giao quyền sử dụng đất. Việc đầu tư xây dựng hệ thống ĐMTMN chủ yếu là thỏa thuận giữa ngành điện và các tổ chức, cá nhân đầu tư ĐMTMN, chưa có sự tham gia, giám sát từ đầu của cơ quan quản lý nhà nước...

TRUNG LỘ