Ngân hàng tăng tốc chuyển đổi số
Quá trình số hóa hoạt động ngân hàng đang diễn ra nhanh ở Quảng Nam, trở thành xu thế tất yếu, đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng hơn của khách hàng.
Kết nối với khách hàng
Bắt nhịp xu thế hiện đại, Agribank Quảng Nam tích cực chuyển đổi số (CĐS) để nâng chất lượng phục vụ, mang đến cho khách hàng trải nghiệm mới với đa dạng các dịch vụ.
Cuối tuần qua, Agribank Đại Lộc tổ chức lễ khai trương và đưa vào hoạt động máy gửi, rút tiền tự động Autobank CDM tại thị trấn Ái Nghĩa. Đây là mô hình 100% tự động, cho phép khách hàng thực hiện hầu hết giao dịch ngân hàng như gửi tiền vào tài khoản, rút tiền, chuyển khoản, đăng ký mở và gửi tiết kiệm trực tuyến, thanh toán hóa đơn...
Khách hàng thực hiện các giao dịch tại CDM mà không cần hỗ trợ của giao dịch viên, thời gian thực hiện chưa tới 2 phút giúp khách hàng tiết kiệm thời gian và chủ động hơn trong việc sử dụng tài chính.
Máy CDM có thiết kế giao diện đơn giản, dễ hiểu giúp khách hàng thao tác và sử dụng nhanh chóng. Máy chấp nhận các loại mệnh giá gửi tiền từ 50.000 đồng đến 500.000 đồng với hạn mức gửi tiền tối đa 200 tờ/lần (100 triệu đồng/lần), tối thiểu 1 tờ/lần (50.000 đồng/lần) và không giới hạn số lần giao dịch trong ngày.
Trước đó, Agribank đầu tư, đưa vào hoạt động của Autobank CDM ở Tam Kỳ. Theo ông Hà Thạch - Giám đốc Agribank Quảng Nam, CĐS, tự động hóa các giao dịch ngân hàng là chiến lược để gia tăng tiện ích, đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ, tích cực phát triển thanh toán không dùng tiền mặt.
Nhu cầu của khách hàng ngày càng thay đổi theo hướng đa dạng hơn, tinh tế hơn. Do vậy, ngân hàng không chỉ dừng lại ở việc bán những sản phẩm dịch vụ sẵn có mà quan trọng hơn là bán những thứ mà khách hàng mong muốn.
Ông Nguyễn Hải Hà - Giám đốc SHB Quảng Nam cho rằng, CĐS của ngân hàng phải bám sát nhu cầu khách hàng, gắn chặt với những tác động từ thị trường với sự hỗ trợ của những công nghệ ngày càng hiện đại hơn.
Trong quá trình xây dựng các trải nghiệm mới mẻ cho khách hàng, SHB Quảng Nam số hóa các hoạt động, quy trình nội bộ, xây dựng các nền tảng hệ thống công nghệ thông tin hiện đại bao gồm nâng cấp corebanking, nâng cấp core thẻ, triển khai core ngân hàng đầu tư...
Con đường tất yếu
Để thúc đẩy quá trình CĐS trong ngành ngân hàng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng đã ban hành Kế hoạch CĐS ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Theo đó, mục tiêu đổi mới toàn diện hoạt động quản lý của Ngân hàng Nhà nước theo hướng hiện đại, trên cơ sở ứng dụng và khai thác hiệu quả các thành tựu của cuộc cách mạng 4.0, đáp ứng đầy đủ các tiêu chí, chỉ số về CĐS của Chính phủ.
Về phía các ngân hàng thương mại, cần phát triển các mô hình ngân hàng số, gia tăng tiện ích của khách hàng, thực hiện mục tiêu tài chính toàn diện, phát triển bền vững. Đồng thời ứng dụng công nghệ tiên tiến trong quản trị điều hành, cung ứng sản phẩm, dịch vụ theo hướng tự động hóa quy trình, tối ưu hóa hoạt động nghiệp vụ.
Ông Phạm Trọng - Phó Giám đốc phụ trách Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Nam cho rằng, để CĐS thành công, các ngân hàng bên cạnh việc xây dựng hệ sinh thái số đặc trưng cho riêng mình thì cũng cần cùng nhau xây dựng hệ sinh thái số chung cho cả ngành.
Ðây là điều rất quan trọng bởi với hệ sinh thái chung, các ngân hàng có thể chia sẻ thông tin với các sở, ngành khác, nhất là lĩnh vực công, thương mại điện tử, hành chính công vừa giúp hạn chế rủi ro cho các ngân hàng vừa kích thích CĐS đa dạng, đa ngành.