Giám sát chặt chẽ thị trường xăng dầu và mặt hàng phục vụ phòng chống Covid-19
(QNO) - Ban Chỉ đạo 389 tỉnh vừa có văn bản yêu cầu các cơ quan thành viên tăng cường quản lý thị trường, bình ổn giá cả hàng hóa thiết yếu, xăng dầu và mặt hàng phục vụ phòng chống dịch bệnh Covid-19.
Ban Chỉ đạo 389 tỉnh yêu cầu tăng cường theo dõi, giám sát chặt chẽ diễn biến thị trường, đảm bảo cân đối cung cầu, lưu thông hàng hóa thông suốt, không để xảy ra hiện tượng đầu cơ trục lợi, găm hàng, chờ tăng giá hoặc lợi dụng dịch bệnh để tăng giá bất hợp lý.
Kịp thời nắm thông tin khi xuất hiện tình trạng khan hiếm các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, đặc biệt là xăng dầu, lương thực, thực phẩm, mặt hàng phòng chống dịch bệnh Covid-19. Kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, đơn vị, cá nhân vi phạm.
Các cơ quan báo chí thông tin kịp thời, chính xác tình hình sản xuất, nhập khẩu, phân phối, điều hành giá xăng dầu, thiết bị vật tư y tế, thuốc tân dược và các mặt hàng thiết yếu để định hướng mua sắm, tiêu dùng, tránh tình trạng tích trữ trong nhân dân, góp phần giữ bình ổn thị trường hàng hóa trong tỉnh.
Ban Chỉ đạo 389 tỉnh yêu cầu sở, ngành liên quan chỉ đạo đơn vị sản xuất, kinh doanh trang thiết bị y tế (bộ xét nghiệm SARS-CoV-2, máy đo nồng độ bão hòa ô xy trong máu SpO2...), dược phẩm, thuốc chữa Covid-19 trên địa bàn tăng cường sản xuất, kinh doanh, cung ứng đủ theo nhu cầu sử dụng của người dân, thực hiện bình ổn giá. Không bán cho đơn vị, cá nhân có dấu hiệu thu mua, đầu cơ để tăng giá khi nhu cầu tăng cao, gây khan hiếm thị trường.
Tăng cường thanh tra, kiểm tra, nắm tình hình thị trường, hoạt động sản xuất, kinh doanh và diễn biến cung cầu, giá bán các mặt hàng tại cơ sở kinh doanh thuốc và vật tư y tế. Kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm vi phạm, nhất là hành vi đầu cơ trục lợi, găm hàng, loạn giá, tăng giá bán bất hợp lý và bán hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, chưa được phép lưu hành.
Tuyên truyền, vận động, yêu cầu doanh nghiệp, nhà phân phối, nhà thuốc, quầy thuốc kê khai, niêm yết giá hàng hóa và bán đúng giá niêm yết. Không lợi dụng dịch bệnh, tình hình khan hiếm hàng hóa để định giá, tăng giá bán bất hợp lý.
Về quản lý thị trường xăng dầu, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh yêu cầu theo dõi, nắm chắc diễn biến, tình hình hoạt động nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh (địa điểm lưu kho, bồn chứa xăng dầu, giai đoạn phân phối lưu thông, các địa điểm tồn trữ các chất dung môi dễ bị lợi dụng pha trộn với xăng dầu...), kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm cửa hàng bán lẻ xăng dầu dừng bán hàng không đúng quy định và công khai trên phương tiện thông tin đại chúng.