Thêm nguồn tín dụng phát triển miền núi
Người dân miền núi thời gian qua đã sử dụng nguồn vốn chính sách xã hội để xây dựng các mô hình kinh tế hiệu quả. Sẽ có thêm nhiều động lực khi Quảng Nam triển khai cho vay Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 (gọi tắt là Chương trình cho vay đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đến năm 2030).
Đòn bẩy vốn chính sách
Năm 2021, bà Uông Thị Phượng (dân tộc Co, thôn 3, xã Tiên An, Tiên Phước) đã xây được 2 ngôi nhà tươm tất, bà ở một căn còn căn khác dành cho gia đình riêng của con trai.
“Vốn chính sách xã hội đã giúp tôi thay đổi cuộc sống. Nếu không tiếp cận được tín dụng chính sách thì diện tích đất trồng rừng sẽ không được khai phá tiềm năng” - bà Phượng nói.
Năm 2015, bà Phượng được Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) Tiên Phước cho vay 200 triệu đồng với lãi suất 6,6%/năm để trồng keo lá tràm trên diện tích 10ha theo dự án WB3.
Năm 2020, keo lá tràm phát triển tốt, bà bán keo, thu lãi gần 1 tỷ đồng. Cũng năm 2020, bà Phượng thoát nghèo. Nhờ tham gia dự án WB3, bà Phượng được vay vốn, trả nợ trong vòng 7 năm nhưng đã hoàn thành trách nhiệm trước 2 năm.
Cũng ở thôn 3 xã Tiên An, gia đình anh Huỳnh Văn Sơn (dân tộc Co) đã vươn lên thoát nghèo, từng bước làm giàu với đòn bẩy là tín dụng chính sách xã hội.
Anh Sơn kể, năm 2016, anh vay 80 triệu đồng của Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH Tiên Phước để trồng keo lá tràm trên diện tích 4ha. Đến giữa năm 2021, bán rừng keo, anh Sơn lãi 500 triệu đồng. Trả hết nợ, đầu năm 2022, anh tiếp tục vay vốn chính sách 100 triệu đồng để trồng keo lá tràm và trồng thêm thanh trà, bưởi, cam, quýt và nuôi heo rừng.
Ông Nguyễn Văn Hiền - Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH Tiên Phước cho biết, đến cuối tháng 2, đã có 8.700 hộ dân miền núi trên địa bàn huyện được vay tín dụng CSXH với tổng dư nợ hơn 443 tỷ đồng. Có 42 hộ đồng bào dân tộc thiểu số vay vốn chính sách với dư nợ hơn 2 tỷ đồng.
Tín dụng chính sách với lãi suất ưu đãi như chìa khóa mở cửa thoát nghèo và bảo đảm an sinh xã hội cho người dân miền núi, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn. Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH Tiên Phước ưu tiên tập trung nguồn vốn để tạo cú hích phát triển miền núi, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, không có hộ đồng bào dân tộc thiểu số nào không được vay vốn để phát triển sản xuất, cải thiện đời sống.
Tạo bước chuyển mới
Bà Trần Thị Minh - Phó Giám đốc Ngân hàng CSXH Quảng Nam cho biết, đơn vị đang phối hợp với các ngành chức năng rà soát nhu cầu vay vốn, chờ hướng dẫn của Trung ương để triển khai hiệu quả Chương trình cho vay đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đến năm 2030.
Tín dụng chính sách với khu vực miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số triển khai từ năm 2021 trở về trước thể hiện ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Thực tiễn cho thấy hiệu quả thiết thực, giúp người dân từng bước làm giàu, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là đảm bảo an sinh xã hội ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu, vùng xa và vùng đặc biệt khó khăn.
Vì thế, với Chương trình cho vay đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đến năm 2030, cả hệ thống ngân hàng chính sách Quảng Nam khẩn trương bắt tay triển khai, kỳ vọng tạo diện mạo khởi sắc hơn cho miền núi.
Ông Trần Văn Quang - Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH Nam Trà My cho biết, với đặc thù là địa bàn miền núi và vùng dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao nên trong thời gian đến, địa phương quyết tâm triển khai hiệu quả Chương trình cho vay đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đến năm 2030.
Cả 12 chương trình tín dụng trên địa bàn trong năm 2021 đều thực hiện tốt, chất lượng tín dụng đảm bảo, nợ quá hạn chỉ chiếm 0,03%. Đặc biệt trong năm qua, đã giúp 204 hộ nghèo thoát nghèo bền vững, qua đó giảm tỷ lệ hộ nghèo của Nam Trà My từ 31,06% xuống còn 24,23%.
“Triển khai Chương trình cho vay đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đến năm 2030, chúng tôi chú trọng đến hiệu quả vốn vay. Ngân hàng chính sách đôn đốc các hội, đoàn thể giám sát chặt chẽ việc sử dụng vốn của các hộ vay, kiểm tra định kỳ và đột xuất, phát huy vai trò của tín dụng chính sách, tạo thêm động lực mới phát triển miền núi” - ông Quang nói.