Nhiều hạn chế trong phát triển sản phẩm OCOP

NHÃ PHƯƠNG 24/02/2022 06:50

Thời gian qua, ngành liên quan, chính quyền các cấp và các chủ thể đã nỗ lực thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” - OCOP, tuy nhiên việc phát triển sản phẩm OCOP vẫn còn không ít hạn chế, trở lực.

Các cấp, các ngành trong tỉnh cần quan tâm hỗ trợ các chủ thể trong việc quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ. Ảnh: N.P
Các cấp, các ngành trong tỉnh cần quan tâm hỗ trợ các chủ thể trong việc quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ. Ảnh: N.P

Tập trung phát triển sản phẩm

Ông Trần Văn Noa - Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn cho biết, trong năm 2021 các đơn vị liên quan của tỉnh tổ chức 3 lớp tập huấn theo hình thức trực tuyến cho 310 lượt người là cán bộ OCOP cấp tỉnh, cấp huyện và chủ thể OCOP.

Nội dung chủ yếu tập trung hướng dẫn triển khai phương án kinh doanh, dự án sản xuất kinh doanh, phát triển sản phẩm; đánh giá, phân hạng sản phẩm; các quy định của Nhà nước về an toàn vệ sinh thực phẩm; đăng ký và xây dựng thương hiệu; truy xuất nguồn gốc sản phẩm...

Năm 2021, Quảng Nam có tổng cộng 91 sản phẩm tham gia Chương trình OCOP. Qua đánh giá, hội đồng cấp tỉnh đề xuất UBND tỉnh quyết định công nhận 73 sản phẩm của 65 chủ thể đạt chuẩn OCOP hạng 3 - 4 sao. Trong đó, có 19 sản phẩm 4 sao (11 sản phẩm nâng cấp) và 54 sản phẩm 3 sao. Qua 4 năm thực hiện chương trình, toàn tỉnh có 268 sản phẩm của 207 chủ thể được UBND tỉnh công nhận là sản phẩm OCOP. Trong đó, có 222 sản phẩm 3 sao, 45 sản phẩm 4 sao, 1 sản phẩm tiềm năng 5 sao.

Ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho hay, mặc dù đến nay trung ương chưa ban hành đề án và cơ chế chính sách hỗ trợ Chương trình OCOP giai đoạn 2021 - 2025 nhưng tỉnh đã sớm chủ động xây dựng và ban hành cơ chế chính sách riêng để áp dụng hỗ trợ trên phạm vi toàn tỉnh. Nhờ vậy, Chương trình OCOP Quảng Nam giai đoạn 2021 - 2025 được triển khai liên tục, không bị gián đoạn.

“Trong điều kiện gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 nhưng năm 2021 UBND tỉnh đã quan tâm phân bổ 11,2 tỷ đồng kinh phí ngân sách trung ương và ngân sách tỉnh để các địa phương hỗ trợ chủ thể có sản phẩm tham gia Chương trình OCOP. Qua đó giúp các chủ thể có điều kiện đầu tư mua sắm máy móc, trang thiết bị và nâng cấp, hoàn thiện sản phẩm để tham gia đánh giá, phân hạng” - ông Tấn nói.

Theo ông Ngô Tấn, trong năm qua tổ công tác liên ngành của tỉnh gồm đại diện Sở Công Thương, Sở KH&CN, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm và Chi cục Phát triển nông thôn, Phòng Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản (Sở NN&PTNT) đi cơ sở 2 đợt để hỗ trợ, tư vấn, hướng dẫn các địa phương và các chủ thể đăng ký sản phẩm tham gia Chương trình OCOP năm 2021; nâng cấp, hoàn thiện sản phẩm, hoàn thiện hồ sơ đánh giá, phân hạng sản phẩm.

Các cấp, các ngành cần tích cực quan tâm hỗ trợ các chủ thể trong việc quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ. Ảnh: N.P
Các cấp, các ngành cần tích cực quan tâm hỗ trợ các chủ thể trong việc quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ. Ảnh: N.P

Nhiều hạn chế

Theo đánh giá của Sở NN&PTNT, thời gian qua vẫn còn một số địa phương thiếu sự quan tâm, chưa thật sự tập trung chỉ đạo triển khai Chương trình OCOP. Đội ngũ cán bộ phụ trách, tham mưu chương trình tại cấp huyện chủ yếu là kiêm nhiệm, đảm trách nhiều công việc và thường xuyên thay đổi nên việc thực hiện chương trình ở một vài nơi còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu.

Ông Trần Văn Noa nhìn nhận, việc rà soát, đăng ký sản phẩm tham gia Chương trình OCOP ở một vài địa phương cấp huyện chưa được sàng lọc, đánh giá kỹ càng, còn nhiều sai sót dẫn đến tình trạng sau khi sản phẩm được UBND tỉnh thống nhất đưa vào thực hiện năm kế hoạch nhưng lại phải điều chỉnh, bổ sung nhiều lần. Số lượng chủ thể là hộ sản xuất kinh doanh đăng ký tham gia chương trình chiếm tỷ lệ tương đối cao (39/91 đơn vị, chiếm hơn 43%).

Đây là chủ thể Chương trình OCOP không ưu tiên, khuyến khích nhiều vì năng lực, quy mô sản xuất còn ở mức độ nhỏ, thiếu tính liên kết, năng lực quản trị còn nhiều hạn chế, khó thích ứng với cơ chế thị trường.

Lãnh đạo tỉnh và ngành liên quan thường xuyên kiểm tra hoạt động sản xuất kinh doanh của các chủ thể sản phẩm OCOP nhằm kịp thời hỗ trợ tháo gỡ khó khăn phát sinh. Ảnh: N.P
Lãnh đạo tỉnh và ngành liên quan thường xuyên kiểm tra hoạt động sản xuất kinh doanh của các chủ thể sản phẩm OCOP nhằm kịp thời hỗ trợ tháo gỡ khó khăn phát sinh. Ảnh: N.P

“Xây dựng phương án kinh doanh là hoạt động chủ thể xác định rõ ràng, cụ thể các mục tiêu, lựa chọn các giải pháp để đạt được mục tiêu dựa trên việc cân đối các nguồn lực sẵn có kết hợp với huy động nguồn lực bên ngoài.

Đây là nhiệm vụ then chốt, có thể coi là kim chỉ nam trong hoạt động sản xuất kinh doanh và phát triển các sản phẩm OCOP (bước thứ 2 trong chu trình OCOP). Tuy nhiên, nhiều chủ thể chưa nhận thức đầy đủ, còn xem nhẹ việc này. Nhiều phương án kinh doanh xây dựng sơ sài, thiếu tính thực tiễn, làm mang tính đối phó” - ông Noa nói.

Tại hội nghị tổng kết Chương trình OCOP năm 2021 do Sở NN&PTNT tổ chức mới đây, nhiều ý kiến cho rằng, nhu cầu cần được tư vấn trong việc nâng cấp, hoàn thiện sản phẩm tham gia chương trình của các chủ thể là rất lớn.

Tuy nhiên, số đơn vị tư vấn trên địa bàn Quảng Nam không nhiều, một số đơn vị tư vấn trong tỉnh năng lực còn hạn chế, trong khi đó việc kết nối với các đơn vị tư vấn ngoài tỉnh để hỗ trợ các chủ thể còn gặp nhiều khó khăn. Đáng chú ý, qua đánh giá tại cấp tỉnh, năm 2021 có 54 sản phẩm đạt hạng OCOP 3 sao.

Tuy nhiên, có đến 41/54 sản phẩm 3 sao (chiếm tỷ lệ 75,93%) đạt từ 50 điểm đến dưới 60 điểm (3 sao non). Do vậy, các sản phẩm này cần phải tiếp tục nâng cấp, hoàn thiện để đạt thứ hạng cao hơn...

NHÃ PHƯƠNG