Động lực tăng trưởng tín dụng

VIỆT NGUYỄN 22/02/2022 06:25

Năm 2022, ngành ngân hàng Quảng Nam đặt ra mục tiêu tăng trưởng 12% (tăng hơn 4% so với năm trước). Vậy, đâu là động lực cho tăng trưởng tín dụng?

Vietcombank Quảng Nam tạo thuận lợi cho khách hàng vay vốn. Ảnh: VIỆT NGUYỄN
Vietcombank Quảng Nam tạo thuận lợi cho khách hàng vay vốn. Ảnh: VIỆT NGUYỄN

Chỉ tiêu cao

Đến cuối năm 2021, dư nợ tín dụng ngành ngân hàng Quảng Nam đạt hơn 85,5 nghìn tỷ đồng (tăng 7,75%).

Ông Phạm Trọng - Phó Giám đốc phụ trách Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Nam nói, để đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12% năm 2022, đơn vị đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng tạo thuận lợi tốt nhất cho khách hàng tiếp cận nguồn vốn vay trên cơ sở rà soát, đơn giản hóa, rút ngắn quy trình, thủ tục gắn với tuân thủ các quy định của pháp luật.

Các tổ chức tín dụng sẽ đưa tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, tín dụng tiêu dùng với mức lãi suất hợp lý, hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế.

Kết quả cho vay các chương trình tín dụng năm 2021 gồm cho vay theo Nghị định 55 về phát triển nông nghiệp, nông thôn (xấp xỉ 22 nghìn tỷ đồng); doanh nghiệp vừa và nhỏ (hơn 17 nghìn tỷ đồng); xuất khẩu (544,45 tỷ đồng); công nghiệp hỗ trợ (gần 1.893 tỷ đồng); xây dựng nông thôn mới (gần 17,1 nghìn tỷ đồng); chương trình kết nối ngân hàng và doanh nghiệp (gần 7,5 nghìn tỷ đồng); Nghị định 67 (gần 648 tỷ đồng). Các ngân hàng thương mại đã giảm 1 - 1,5% lãi suất cho vay với doanh số cho vay mới gần 39 nghìn tỷ đồng, 6.428 khách hàng còn dư nợ.

“Các ngân hàng thương mại cắt giảm chi phí hoạt động, giảm chỉ tiêu lợi nhuận để giảm lãi suất cho vay, giúp các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, người dân vượt qua tác động xấu của Covid-19, phát triển kinh tế” – ông Trọng nói.

Một cơ sở khác để kỳ vọng tăng trưởng tín dụng là các tổ chức tín dụng đang số hóa mạnh mẽ, đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ ngân hàng, nhất là thanh toán không dùng tiền mặt.

Làm phong phú sản phẩm dịch vụ ngân hàng, phục vụ tối đa nhu cầu của khách hàng là cách để các tổ chức tín dụng không chỉ đảm bảo mục tiêu tăng trưởng mà còn phát triển khách hàng, mở rộng thị trường, tăng sức cạnh tranh về lâu dài.

Không thể không kể đến hiệu ứng tích cực từ Nghị quyết 11 của Chính phủ về chương trình phục hồi, phát triển kinh tế, bởi kích cầu tín dụng ngân hàng. Các gói hỗ trợ của Chính phủ đã tạo động lực cho doanh nghiệp, cải thiện lưu thông dòng tiền.

Các điều kiện kinh doanh được cải thiện sẽ hạn chế rủi ro tín dụng, thúc đẩy cung - cầu tín dụng. Với Nghị quyết 11, ngân sách sẽ hỗ trợ lãi suất 2%/năm tối đa 40.000 tỷ đồng thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại đối với các khoản vay cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có khả năng trả nợ và có khả năng phục hồi nhiều ngành, lĩnh vực.

Ông Võ Văn Đức - Giám đốc Vietcombank Quảng Nam nói, gói cấp bù lãi suất sẽ mang lại sự hỗ trợ tích cực cho cả 2 phía doanh nghiệp và ngân hàng thương mại.

Động lực mới

Doanh số cho vay của các tổ chức tín dụng đã tăng tốc, tạo sức bật từ đầu năm. Khách hàng doanh nghiệp, chủ các cơ sở sản xuất, kinh doanh hay lưu trú, dịch vụ ở Tam Kỳ, Hội An đã mạnh dạn vay vốn.

Chị Phan Thư Huyền (chủ nhà hàng ở TP.Hội An) cho biết: “Với việc mở cửa du lịch, khách tham quan cũng đã trở lại nên không thể chần chừ nữa, chúng tôi cần nguồn vốn khá lớn để đầu tư lại các điều kiện phục vụ khách hàng. Hy vọng ngành du lịch sẽ quay lại quỹ đạo trước đây”.

Tín dụng bán lẻ, khách hàng cá nhân cũng đã được tạo động lực, nhất là cho vay tiêu dùng. Anh Phan Hải Thành làm việc trong một doanh nghiệp ở Tam Kỳ, cho rằng khó tích lũy đủ tiền để mua ô tô đi làm. Thấy ngân hàng thương mại cho vay với thủ tục nhanh gọn đã mạnh dạn vay vốn.

“Mỗi tháng tôi giảm chi tiêu, tiết kiệm vài triệu đồng để trả nợ ngân hàng không phải là áp lực quá lớn. Trong khi đó, việc đi lại được cải thiện, mình làm việc tốt hơn hẳn, thu nhập cao hơn” – anh Thành nói.

Mua sắm hàng gia dụng, chi tiêu thường nhật, mua xe máy, đầu tư cho con cái học hành, khám chữa bệnh... là nhu cầu chi tiêu thiết yếu, nhưng năng lực tài chính nhiều gia đình không đủ để trang trải ngay, vì thế mà vay tiêu trước, chi trả dần dần đang là lựa chọn của đông đảo người dân. Dư địa khách hàng cá nhân là mảnh đất “màu mỡ” cho tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng thương mại Quảng Nam.

Động lực cho tăng trưởng tín dụng trên địa bàn tỉnh dồi dào, nhu cầu vay vốn của khách hàng rất cao. Các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh không lo không đáp ứng được chỉ tiêu tăng trưởng mà chú trọng hơn đến chất lượng tín dụng, hạn chế rủi ro.

Ông Phạm Trọng khẳng định, trong năm 2022, ngành ngân hàng chắc chắn sẽ cùng người dân, doanh nghiệp, nền kinh tế vượt qua đại dịch, tiến về phía trước.

VIỆT NGUYỄN