Tăng cường quản lý hoạt động thương mại

VĨNH LỘC 18/02/2022 06:13

Sau tết, một số mặt hàng thiết yếu bắt đầu tăng giá, tiềm ẩn nguy cơ bất ổn thị trường. Trong đó khẩu trang y tế, xăng dầu, bia rượu… được các cơ quan chức năng đưa vào diện kiểm tra thường xuyên, đảm bảo hoạt động kinh doanh thương mại trên địa bàn tỉnh diễn ra ổn định.

Các cơ sở kinh doanh hàng hóa được tăng cường kiểm tra nhằm ngăn chặn hành vi gian lận thương mại. Ảnh: VĨNH LỘC
Các cơ sở kinh doanh hàng hóa được tăng cường kiểm tra nhằm ngăn chặn hành vi gian lận thương mại. Ảnh: VĨNH LỘC

Tổng kiểm tra

Hơn tuần nay, Cục Quản lý thị trường tỉnh phối hợp với Sở Công Thương ra quân tổng kiểm tra các đại lý, cửa hàng xăng dầu trên địa bàn tỉnh, qua đó nhanh chóng ngăn chặn, cảnh báo các hành vi đầu cơ, găm hàng chờ lên giá của các cửa hàng bán lẻ xăng dầu.

Ông Đoàn Ngọc Sơn – quyền Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh cho biết, trước tình hình nguồn cung xăng dầu bị ảnh hưởng, đơn vị đã chỉ đạo các đội quản lý thị trường trực thuộc tăng cường ra quân kiểm tra với tiến độ 1 - 2 lần/ ngày, nếu phát hiện cửa hàng nào găm hàng chờ tăng giá bất hợp lý sẽ xử lý ngay lập tức.

“Chúng tôi đã yêu cầu các cửa hàng xăng dầu muốn ngừng bán phải có thông báo đến cơ quan chức năng, không được tự ý đóng cửa từ chối phục vụ khách hàng. Chỉ cần phát hiện nơi nào xảy ra tình trạng găm hàng, tăng giá bất hợp lý hoặc đóng cửa không có lý do chính đáng, ngoài xử lý các cửa hàng thì người đứng đầu đội quản lý thị trường địa bàn đó cũng phải chịu trách nhiệm” - ông Sơn quả quyết.

Đến nay, hầu như hoạt kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh vẫn diễn ra bình thường, chưa xuất hiện tình trạng cửa hàng bán lẻ xăng dầu đóng cửa, từ chối bán hàng.

Các cửa hàng xăng dầu cam kết không được tự ý đóng cửa bán hàng. Ảnh: V.L
Các cửa hàng xăng dầu cam kết không được tự ý đóng cửa bán hàng. Ảnh: V.L

Ngoài mặt hàng xăng dầu, các mặt hàng thực phẩm, thiết bị y tế như thuốc tân dược, khẩu trang, kit xét nghiệm nhanh Covid-19… cũng được đưa vào diện kiểm tra, kiểm soát kỹ, tránh trường hợp nâng giá, thu lợi bất chính.

Đặc biệt, để kịp thời phát hiện, xử lý những hành vi vi phạm kinh doanh, Cục Quản lý thị trường đã duy trì thường xuyên tổ thường trực, số điện thoại người đứng đầu, số điện thoại đường dây nóng đảm bảo thông suốt 24/24 giờ, nhanh chóng tiếp nhận và xử lý thông tin cuộc gọi của người dân phản ánh khi phát hiện những hành vi liên quan đến việc niêm yết giá bán, lợi dụng tình hình dịch bệnh để đầu cơ, găm hàng, tăng giá…

Riêng trong tháng 1.2022, qua kiểm tra, kiểm soát 44 cơ sở, Cục Quản lý thị trường đã phát hiện, xử phạt 12 cơ sở vi phạm với số tiền hơn 31 triệu đồng. Kết quả trên được xem là khá “hiền” so với nhiều địa phương khác cùng khoảng thời gian này.

Thị trường vẫn ổn định

Mới đây, Tổng cục Quản lý thị trường đã có văn bản yêu cầu cục quản lý thị trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục mở đợt cao điểm kiểm tra, kiểm soát thị trường tết đến hết ngày 22.2.

Theo đó, các địa phương cần tập trung kiểm tra, kiểm soát chống vận chuyển, kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu và gian lận thương mại như vật liệu nổ, pháo nổ, động vật hoang dã, thuốc lá ngoại, giày dép, quần áo, bánh kẹo, bia rượu…

Theo ông Đoàn Ngọc Sơn, qua kiểm tra tinh hình trên địa bàn tỉnh tương đối ổn định, không có biến động nào đáng kể, nhất là hoạt động gian lận thương mại, kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.

“Nguyên nhân do trình độ nhận thức của người dân đã thay đổi, công tác tuyên truyền cũng phát huy tác dụng, giúp nhiều người dân cảnh giác, phân biệt được hàng giả, hàng kém chất lượng. Chưa kể, do ảnh hưởng dịch, cuộc sống một bộ phận người dân khó khăn nên việc mua bán hàng hóa hạn chế cũng khiến số vụ vi phạm thương mại giảm” - ông Sơn phân tích,

Cục Quản lý thị trường Quảng Nam có 9 đội với 130 nhân viên. Năm 2021, đơn vị tổ chức kiểm tra 1.068 vụ, xử lý 486 vụ với tổng số tiền phạt hơn 930 triệu đồng. Tuy vậy, theo ông Sơn, một số lĩnh vực kinh doanh thương mại vẫn sẽ rất phức tạp, nhất là quản lý hoạt động bán hàng online (mỹ phẩm, giày dép, áo quần, túi xách…) bởi đây là những sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ, chất lượng không rõ ràng, nhưng do giá cả thấp nên nhiều người đặt mua. Dù vậy, rất khó quản lý do người bán không để hàng trong nhà, chưa kể phải có thời gian theo dõi, xác minh, bắt quả tang mới có thể xử lý được.

“Theo kế hoạch, thời gian tới việc kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống vận chuyển, buôn bán hàng cấm, hàng nhập khẩu trái phép, gian lận thương mại sẽ tiếp tục được đẩy mạnh. Chúng tôi cũng sẽ tiếp tục ký cam kết với các hộ kinh doanh không kinh doanh hàng giả, hàng lậu, hàng kém chất lượng, vi phạm an toàn thực phẩm và kiểm tra, giám sát thực hiện cam kết đó” - ông Sơn nói thêm.

VĨNH LỘC