Trầm cảnh xứ Tiên vào vụ tết
Gần tết, nhiều cơ sở chế tác trầm cảnh từ cây dó bầu ở xã Tiên Mỹ (Tiên Phước) tất bật sản xuất hàng để đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Những ngày này đến các thôn Mỹ Thương Đông, Tiên Phú Đông (xã Tiên Mỹ) nghe mùi hương trầm thoang thoảng khắp vùng. Không khó để bắt gặp cảnh những người thợ đang tỉ mỉ đẽo, đục, bào từng thân cây dó bầu để chế tác trầm cảnh.
Trong căn nhà chưa đầy 100m2, anh Đỗ Phạm Nhất Lĩnh (thôn Mỹ Thương Đông) trưng bày hàng trăm tác phẩm trầm cảnh với đủ hình dáng, kích cỡ. Để có nguồn nguyên liệu làm trầm cảnh, hằng năm, anh tìm đến các hộ dân trên địa bàn huyện để thu mua cây dó bầu có độ tuổi từ 15 năm trở lên.
Từ những cây dó bầu đang phát triển, anh Lĩnh khoan lỗ, cấy vào thân những loại thuốc, men, nấm để kích thích sản sinh ra tinh dầu. Sau một năm, anh bắt đầu khai thác cây dó bầu để lấy lõi chế tác nhiều tác phẩm trầm cảnh như: thác nước, hòn non bộ, tiểu cảnh. “Cây dó bầu được cấy thuốc lâu năm sẽ cho lõi trầm và tinh dầu nhiều hơn, làm trầm cảnh rất đẹp mắt” - anh Lĩnh nói.
Anh Lĩnh cho biết thêm, khi cây dó bầu còn tươi, mềm sẽ dễ đẽo, đục tách vỏ và giác. Vỏ cây lấy làm củi, giác bán cho các cơ sở thu mua làm hương. Phần lõi màu nâu được dùng để chế tác trầm cảnh. Sản phẩm được chế tác xong, đem đi phơi khô để dễ bảo quản.
Hiện sản phẩm trầm cảnh của anh Lĩnh được nhiều khách hàng ở các thành phố Đà Nẵng, Hồ Chí Minh, Hà Nội và nước ngoài đặt mua. Mỗi năm, anh cung cấp ra thị trường khoảng 500 tác phẩm trầm cảnh lớn, nhỏ.
Tùy theo mỗi tác phẩm sẽ bán với mức giá dao động từ vài trăm nghìn đồng đến hàng chục triệu đồng. Không chỉ làm giàu cho bản thân, anh Lĩnh còn tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 4 - 5 nhân công lao động, với mức lương cơ bản từ 5 - 6 triệu đồng/người/tháng.
Anh Đỗ Đình Luân (29 tuổi) có 2 năm làm thợ chế tác trầm cảnh cho hay, mỗi ngày anh làm được hàng chục tác phẩm thô và vài tác phẩm hoàn thiện. “Ngày công làm trầm cảnh được trả 200 nghìn đồng giúp tôi có thêm thu nhập để trang trải cuộc sống” - anh Luân chia sẻ.
Ông Võ Kim Chung - Chủ tịch UBND xã Tiên Mỹ cho biết, những năm trước đây, diện tích đất trồng cây dó bầu ở địa phương khoảng 20ha, nhưng nay đã bị thu hẹp. Người dân chuyển sang trồng các loại cây ăn quả như măng cụt, sầu riêng...
“Hiện ở xã có khoảng 10 hộ làm nghề chế tác sản phẩm trầm cảnh, thu nhập ổn định, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động tại địa phương. Chính quyền xã luôn động viên người dân phát triển và gắn bó với nghề” - ông Chung nói.