Ngành ngân hàng thực hiện đa mục tiêu
Hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; đáp ứng nhu cầu vốn cho phát triển kinh tế - xã hội, nhất là đưa vốn vào các lĩnh vực ưu tiên; kiểm soát, hạn chế thấp nhất phát sinh nợ xấu, giữ vững chất lượng tín dụng... là nỗ lực của ngành ngân hàng trong năm qua.
Vượt khó, hỗ trợ doanh nghiệp
Trong bối cảnh Covid-19 diễn biến phức tạp, các tổ chức tín dụng nỗ lực huy động vốn để cấp tín dụng và chấp hành các quy định về tỷ lệ đảm bảo an toàn. Đến cuối năm 2021, tổng nguồn vốn huy động đạt hơn 67 nghìn tỷ đồng (tăng 6,87% so với đầu năm, tỷ lệ tăng chỉ hơn nửa so với năm 2020 là 13,35%. Trong đó, chủ yếu là tiền gửi tiết kiệm dân cư (76,02%), còn lại chủ yếu là tiền gửi thanh toán (23,25%).
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 287 máy ATM và hơn 2.901 máy POS của các ngân hàng lắp đặt tại 3.279 điểm chấp nhận thẻ. Năm qua, tất cả tổ chức tín dụng thực hiện miễn phí đối với các giao dịch công trực tuyến; các giao dịch chuyển tiền ủng hộ phòng chống dịch Covid-19; các giao dịch chuyển tiền cho đối tượng nhận hỗ trợ thông qua phương thức chi trả trực tiếp tới tài khoản; các giao dịch chuyển tiền giải ngân cho vay người sử dụng lao động trả lương ngừng việc, góp phần thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt và ứng phó tốt với dịch bệnh.
Để kích cầu tăng trưởng, các ngân hàng thương mại đưa ra nhiều chương trình cho vay lãi suất ưu đãi. Dư nợ tín dụng đến cuối năm 2021 đạt hơn 87 nghìn tỷ đồng (tăng 9,91% so với cuối năm 2020, đạt 99,56% kế hoạch).
Về nợ xấu, trong năm 2021 có 3/32 tổ chức tín dụng có tỷ lệ nợ xấu hơn 3%, trong khi đó, mặt bằng chung nợ xấu của toàn ngành ngân hàng Quảng Nam là 0,6% (530 tỷ đồng).
Ông Võ Văn Đức - Giám đốc Vietcombank Quảng Nam cho biết, trong năm 2021, ngân hàng chú trọng các chương trình tín dụng thuộc lĩnh vực ưu tiên kết hợp với chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp với nhiều giải pháp hỗ trợ trực tiếp như tăng cường cho vay mới, cơ cấu lại nợ vay, giảm lãi suất cho vay.
Ngân hàng đa dạng hóa các sản phẩm tín dụng, xây dựng các chương trình tín dụng cụ thể hỗ trợ doanh nghiệp với lãi suất hợp lý, quy trình, thủ tục thuận tiện, minh bạch.
Bà Trần Thị Mỹ Hạnh - Giám đốc VietinBank Quảng Nam cho rằng, mối quan hệ cộng sinh với doanh nghiệp là một trong những mấu chốt của hoạt động ngân hàng công thương. Trong gần 2 năm đại dịch diễn ra, bên cạnh nỗ lực đổi mới dịch vụ, đẩy mạnh kinh doanh, tổ chức tín dụng triển khai giải pháp hỗ trợ, đồng hành với cộng đồng doanh nghiệp, khẩn trương cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, miễn, giảm lãi, phí.
Tính chung toàn ngành ngân hàng Quảng Nam, tổng giá trị nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi là gần 5 nghìn tỷ đồng cho 1.625 khách hàng (258 doanh nghiệp, 1 hợp tác xã, 1.354 cá nhân).
Trong khả năng tài chính, các ngân hàng thực hiện giảm từ 1 - 1,5%/năm lãi suất cho vay, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi giúp khách hàng tiếp cận nguồn vốn phục hồi sản xuất kinh doanh.
Theo đó, lũy kế thời điểm dịch Covid-19 bùng phát từ 23.1.2020 đến nay, doanh số cho vay mới của các tổ chức tín dụng đạt hơn 48 nghìn tỷ đồng cho 7.078 khách hàng còn dư nợ.
Triển khai hỗ trợ phát triển sản xuất
Năm 2021 là một năm để lại dấu ấn của Ngân hàng Nhà nước khi hầu như tất cả mục tiêu lớn đều đạt được. Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú khẳng định, thành công lớn nhất là ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Nhờ ổn định vĩ mô nên có nền tảng vững chắc để tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất và phát triển các thị trường khác trong năm 2022.
Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng tiếp tục triển khai hiệu quả các cơ chế, chính sách tiền tệ, tín dụng góp phần hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.
Theo đó, nhất thiết phải hướng dòng vốn vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, kiểm soát tín dụng vào lĩnh vực rủi ro cao như bất động sản, chứng khoán. Các ngân hàng thương mại cần bám sát chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ, nhất là triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay thương mại của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong giai đoạn 2022 - 2023.
Các tổ chức tín dụng cần đơn giản hóa quy trình, thủ tục cho vay, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận nguồn vốn nhưng không nới lỏng các điều kiện cấp tín dụng để giữ vững chất lượng.
Ông Phạm Trọng - Phó Giám đốc phụ trách Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Nam cho biết, các nhiệm vụ trọng tâm của ngành ngân hàng trong năm 2022 là tăng trưởng tín dụng hiệu quả, đưa vốn vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, kiểm soát chặt chẽ, hạn chế rủi ro, nợ xấu để nâng cao chất lượng tín dụng.
Các ngân hàng thương mại cho rằng, để có thêm điều kiện mở rộng cho vay, hỗ trợ phát triển kinh tế, cần thêm dư địa tăng trưởng tín dụng, bởi vậy, cần tăng thêm vốn. Đồng thời các cơ quan cần đồng hành với ngân hàng, có giải pháp để tháo gỡ khó khăn trong xử lý nợ xấu cho vay đóng mới tàu cá theo Nghị định 67 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản.