Tập trung chống buôn lậu dịp tết
Tết Nhâm Dần 2022 đang đến gần, nhu cầu giao thương hàng hóa tăng cao; các ngành chức năng trên địa bàn tỉnh đang tập trung vào cuộc phòng chống buôn lậu để bảo vệ người tiêu dùng, ổn định thị trường.
Nhiều vi phạm
Cục Hải quan Quảng Nam vừa ban hành quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội buôn lậu với Công ty TNHH Xuất nhập khẩu H.T.P. (Thăng Bình) và chuyển hồ sơ vụ án cho Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh.
Ông Lê Quang Thắng - Phó Đội trưởng phụ trách Đội Kiểm soát hải quan (Cục Hải quan Quảng Nam) cho biết, từ giữa tháng 7.2021, qua thu thập thông tin nghiệp vụ, đơn vị phát hiện dấu hiệu nghi vấn với lô hàng 200 tấn đường mía tinh luyện Thái Lan, đóng trong 8 container nhập khẩu qua cảng Đà Nẵng của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu H.T.P. đăng ký tờ khai hải quan tại Chi cục Hải quan Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc (Điện Bàn).
Qua xác minh thông tin và triển khai các biện pháp nghiệp vụ, đơn vị phát hiện ô tô chở container chứa 25 tấn đường thuộc lô hàng trên không đi theo tuyến đường đã định mà bốc dỡ vào kho hàng của hộ kinh doanh T.T.H. tại Khu công nghiệp Trảng Nhật (Điện Bàn).
Tiếp tục điều tra xác minh, Đội Kiểm soát hải quan phát hiện Công ty TNHH Xuất nhập khẩu H.T.P. đã bán cho Công ty TNHH MTV Thương mại P.H.H. ở Đà Nẵng tổng lượng đường là 88 tấn với số tiền hơn 1,5 tỷ đồng.
Căn cứ kết quả định giá của Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự Quảng Nam, Cục trưởng Cục Hải quan Quảng Nam đã ban hành quyết định khởi tố vụ án. Mặt hàng đường mía tinh luyện Thái Lan nhập khẩu hiện có mức thuế suất nhập khẩu 40%, thuế chống bán phá giá 42,99%, thuế chống trợ cấp 4,65%, thuế giá trị gia tăng 5%. Với việc bán trái phép 88 tấn đường trên, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu H.T.P. gây thất thu ngân sách nhà nước hơn 600 triệu đồng tiền thuế.
Trong năm 2021, Cục Quản lý thị trường Quảng Nam đã phát hiện, xử lý 8 vụ việc buôn lậu nghiêm trọng. Tiêu biểu như, qua kiểm tra một địa điểm tại hẻm 426 Hùng Vương, Tam Kỳ, phát hiện 160 chai rượu lá sâm loại 500ml.
Trong quá trình xác minh lô rượu, bà T.T.D.C. (xã Duy Châu, Duy Xuyên) không cung cấp được hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ lô hàng. Sau khi có kết quả kiểm định, cơ quan chức năng đã xử phạt bà D.C. 15,5 triệu đồng về hành vi bán hàng hóa xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu logo “5 lá sâm” đang được bảo hộ.
Ngày 30.8.2021, Cục Quản lý thị trường Quảng Nam kiểm tra Trung tâm Thiết bị, vật tư y tế Quảng Nam ở đường Nguyễn Du (Tam Kỳ) do ông N.T.B. làm chủ. Đoàn kiểm tra phát hiện và tạm giữ nhiều hàng hóa là trang thiết bị y tế không có hóa đơn, chứng từ chứng minh tính hợp pháp về nguồn ngốc, xuất xứ của hàng hóa và hàng hóa vi phạm về nhãn.
Qua xác minh, đã phạt hơn 5,7 triệu đồng về 2 hành vi vi phạm, gồm không ghi đủ các nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn và kinh doanh hàng hóa nhập lậu. Theo đó, tịch thu số hàng hóa nhập lậu gồm 8 quả bóp máy huyết áp cơ, 5 đồng hồ ô xy...
Đồng loạt ra quân
Ông Đoàn Ngọc Sơn - quyền Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Quảng Nam cho biết, các đối tượng buôn bán hàng lậu thường dùng nhiều thủ đoạn khác nhau như chia lẻ hàng hóa, thay đổi phương tiện vận chuyển, thay đổi lịch trình... nhằm qua mắt cơ quan chức năng.
Ở đợt cao điểm chống buôn lậu dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2022, đơn vị đang phối hợp với các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, phát hiện, xử lý nghiêm hành vi tàng trữ, vận chuyển, kinh doanh hàng cấm, hàng giả, hàng nhập lậu; các hành vi gian lận nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, vi phạm niêm yết giá bán hàng, đầu cơ găm hàng.
“Chúng tôi đấu tranh với các hành vi vi phạm trong xúc tiến thương mại, mua, bán, trao đổi hàng hóa trên sàn giao dịch điện tử. Các đội quản lý thị trường đang tăng cường kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn các nguồn hàng kém chất lượng, nhất là hàng tiêu dùng thiết yếu, các mặt hàng liên quan đến công tác phòng chống dịch Covid-19” - ông Đoàn Ngọc Sơn nói.
Theo ông Lê Thành Khang - Cục trưởng Cục Hải quan Quảng Nam, để chống buôn lậu hiệu quả, đơn vị đang tập trung thu thập thông tin, nắm tình hình, tuần tra, kiểm soát, xác định địa bàn, tuyến, mặt hàng trọng điểm, kiểm soát chặt chẽ hàng hóa phục vụ tiêu dùng tết, hàng hóa có nhu cầu tiêu thụ cao như thực phẩm, rượu bia, thuốc lá, bánh kẹo, mỹ phẩm, dược phẩm, điện thoại, hàng may mặc.
“Chúng tôi vào cuộc đấu tranh, xử lý sản xuất, kinh doanh hàng cấm, hàng hóa ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội như vũ khí, ma túy, xăng dầu, vật liệu nổ, pháo các loại, động vật hoang dã... Kiểm soát hàng nhập khẩu phục vụ tiêu dùng tết đang đặt ra cấp thiết” - ông Lê Thành Khang nói.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu đề nghị Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh chỉ đạo các tổ chức đoàn thể trong hệ thống chính trị triển khai thực hiện tuyên truyền, phòng, chống buôn lậu phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương, đơn vị.
Đẩy mạnh hơn nữa cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của người dân, các đơn vị sản xuất, kinh doanh, các tổ chức kinh tế - xã hội.
Công an tỉnh triển khai các phương án, nghiệp vụ đấu tranh, triệt phá các đường dây, ổ nhóm buôn lậu. Ngành chức năng tăng cường lực lượng xuống cơ sở để tổ chức phát động người dân tích cực tham gia phòng chống buôn lậu dịp Tết Nguyên đán 2022.