Đưa các sản phẩm OCOP vào giỏ quà tết
Cùng với cách tiêu thụ truyền thống, nhiều chủ thể OCOP ở Điện Bàn chủ động đưa sản phẩm vào các giỏ quà, hộp quà tết nhằm tăng tính cạnh tranh.
Chị Lê Thị Hương - chủ cơ sở sản xuất bột ngũ cốc “Hương Bột” tại phường Vĩnh Điện (Điện Bàn) cho hay, chị đã có 3 sản phẩm là trà đậu rang mộc, muối sả ớt, bột ngũ cốc đạt chuẩn 3 sao OCOP.
Sau khi sản phẩm được công nhận OCOP cấp tỉnh, người tiêu dùng biết đến và tin tưởng lựa chọn sản phẩm nhiều hơn. Đến nay, chị đã nhận hàng chục đơn đặt hàng mua giỏ quà tết của các khách hàng ở Quảng Nam, Đà Nẵng…
Để chủ động trong việc gói quà tết, đầu tháng 12.2021, chị Hương đã lên ý tưởng đặt làm nhiều mẫu giỏ quà từ tre, mây, túi giấy và các phụ kiện khác để trang trí giỏ quà. Giỏ quà có trị giá giao động từ 150 – 800 nghìn đồng, tùy thuộc nhu cầu của khách hàng đặt mua sẽ làm giỏ quà tương ứng. Mỗi giỏ quà đều có in logo thương hiệu ngũ cốc “Hương Bột”.
“Ngày tết, ngoài bột ngũ cốc, trà đậu rang mộc, tôi sẽ sắp xếp thêm nhiều sản phẩm OCOP khác để giỏ quà thêm phong phú, đẹp mắt và sang trọng. Việc đưa sản phẩm OCOP vào giỏ quà sẽ mở ra nhiều cơ hội nhằm quảng bá thương hiệu sản phẩm đến người tiêu dùng trên khắp cả nước” – chị Hương nói.
Bà Trần Thị Thuận (50 tuổi, phường Điện Dương) – chủ cơ sở sản xuất nước mắm Hà Quảng cho biết, trong 2 tháng cận tết, bà dự trữ hơn 300 lít nước mắm nhỉ và hàng trăm hủ mắm ruốc, cá cơm, cá nục để bán ra dịp tết. Bà đã hợp đồng với các công ty sản xuất hơn 10.000 chai lọ, thùng giấy, in nhãn mác thông tin sản phẩm nước mắm theo yêu cầu.
Cũng theo bà Thuận, ngày thường, khách hàng đến lấy hàng trăm lít nước mắm, hủ mắm các loại để bán lại; đồ đựng nước mắm không cần cầu kỳ, có thể dùng chai nhựa, hoặc canh nhựa. Nhưng tết thì khác, khách hàng lấy nước mắm về không chỉ để làm gia vị nấu ăn cho gia đình, họ còn đưa vào các siêu thị, cửa hàng để bán hoặc làm quà biếu tặng.
Vì vậy, ngoài công việc chú trọng sản phẩm phải ngon, đảm bảo an toàn thực phẩm, bà Thuận còn trang trí “làm đẹp” cho chai nước mắm như chọn màu logo sản phẩm, in mã vạch bằng mực chìm để khỏi bị bay màu, khách hàng quét cũng dễ nhận biết xuất xứ sản phẩm…
Tương tự như 2 cơ sở sản xuất của chị Hương và bà Thuận, cận Tết Nguyên đán, cơ sở sản xuất bánh khô mè của chị Phan Thị Ly (thôn Triêm Đông 1, Điện Phương) càng thêm bận rộn để làm ra nhiều sản phẩm hơn ngày thường, kịp cung ứng ra thị trường dịp cuối năm.
Đang cùng với 5 nhân công sản xuất bánh tại nhà, chị Ly chia sẻ, dịp tết người dân có nhu cầu sử dụng hộp bánh khô để làm quà biếu tặng. Để đáp ứng thị hiếu của khách hàng, giữa năm chị đã mua gần chục tấn nguyên liệu mè, đường bột nếp, gạo… để dự trữ làm bánh khô mè.
Chị Ly còn liên hệ các công ty đặt hàng thiết kế các hộp giấy đựng bánh khô loại 250g và 300g, có tính thẩm mỹ cao, vừa có thể bảo quản sản phẩm được lâu dài.
“Hiện nay, khách hàng luôn có xu hướng sử dụng sản phẩm vừa đẹp mắt vừa đạt chất lượng. Nên khi sản xuất bánh khô mè, tôi sử dụng nguyên liệu mè ở địa phương để giữ được hương vị cho sản phẩm; hộp bánh cũng được tôi chọn màu sắc, kích thước phù hợp với nhu cầu sử dụng của mỗi khách hàng” – chi Ly giải thích.
Ông Đặng Hữu Tú – Chủ tịch Hội Nông dân Điện Bàn cho biết, từ năm 2018 - 2021, thị xã Điện Bàn có 20 sản phẩm OCOP; trong đó 8 sản phẩm mỹ nghệ, 12 sản phẩm về lương thực, thực phẩm. Thời gian tới, hội sẽ tiếp tục tuyên truyền, quảng bá cho các sản phẩm OCOP qua các kênh, đặc biệt là trang Facebook OCOP Điện Bàn được khá nhiều người theo dõi, quan tâm. Hướng tới mở quầy hàng, siêu thị mini để trưng bày sản phẩm OCOP, để sản phẩm được tiếp cận gần hơn nữa với khách hàng.