Công ty CP Giao thông vận tải Quảng Nam: “Thương hiệu” đào tạo nghề
Năm 2022, đánh dấu mốc son 24 năm xây dựng và phát triển của Công ty CP Giao thông vận tải Quảng Nam (tên viết tắt tiếng Anh là QJC), một thương hiệu mạnh về đào tạo nghề giao thông vận tải.
Trong hai năm qua, QJC đã nỗ lực “vượt bão” Covid-19, tiếp tục đột phá trong đào tạo và sát hạch lái xe, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Khẳng định thương hiệu
Ông Nguyễn Văn Sáu - Chủ tịch Hội đồng quản trị QJC, Giám đốc Trung tâm Đào tạo nghề Giao thông vận tải (GTVT) Quảng Nam chia sẻ, lợi thế cạnh tranh mà một doanh nghiệp có thể gây dựng trong trong cơ chế thị trường hiện nay đó là trao đi một dịch vụ uy tín, đặt khách hàng làm trung tâm.
Khi ưu tiên khách hàng, nghĩ cho khách hàng trước, có thái độ phục vụ và chất lượng hàng đầu, đáp ứng nhu cầu của họ, thì thành công cũng sẽ đến với doanh nghiệp. Bí quyết ấy được QJC thực thi trong 24 năm qua, trở thành một thương hiệu mạnh về đào tạo nghề GTVT ở Quảng Nam.
Nổi bật, QJC đã phát huy truyền thống “Giao thông đi trước, mở đường phát triển” bằng việc mở ra một số cơ sở đào tạo lái xe mô tô trong năm 2003. Chỉ 5 năm đầu tiên, hơn 160 khóa học được mở, từ TP.Tam Kỳ ra các huyện, thị, lên vùng cao, với gần 45.000 học viên tham gia, trong đó có hàng nghìn thanh niên các dân tộc thiểu số, tỷ lệ được cấp GPLX mô tô (A1) đạt 94%. Qua đó, đã góp phần thiết thực hạn chế tai nạn giao thông (TNGT) do người đi xe máy gây ra (chiếm 70% TNGT hàng năm) trên địa bàn tỉnh.
Qua 16 năm (2005 - 2021) hoạt động, Trung tâm Đào tạo nghề GTVT Quảng Nam đã không ngừng phát triển mạnh mẽ; năng lực và quy mô đào tạo hiện nay là 1.196 HV, tăng xấp xỉ 6 lần so với thời điểm ban đầu; đào tạo lái xe ô tô các hạng B2, C, D, E, F cho hơn 3.000 HV/năm; đào tạo và sát hạch bình quân từ 5.000 HV mô tô/năm; đào tạo và cấp hàng nghìn chứng chỉ chuyên môn, bằng lái phương tiện thủy nội địa, thuyền trưởng tàu sông hạng 3, người điều khiển xe máy thi công, đáp ứng kịp thời nhu cầu của người học trong và ngoài tỉnh, góp phần giải quyết việc làm cho một bộ phận người dân Quảng Nam.
Năm 2021, doanh thu QJC ước đạt 55 tỷ đồng, tăng 22% so với kế hoạch; nộp ngân sách 3,2 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch; thực hiện đầy đủ các chế độ bảo hiểm cho người lao động với thu nhập bình quân 9,1 triệu đồng/người/tháng, tăng 3,4% so với năm 2020. Ngoài ra, thực hiện trách nhiệm xã hội hơn 60 triệu đồng. Công đoàn công ty đạt danh hiệu Công đoàn vững mạnh 3 năm liền (2019 - 2021).
QJC thành lập Trung tâm Đào tạo nghề GTVT Quảng Nam vào tháng 8.2005; được Cục Đường bộ Việt Nam kiểm tra, cấp giấy phép đào tạo lái xe ô tô các loại B1, B2, C với lưu lượng 200 học viên (HV). Năm 2006, được cấp giấy phép đào tạo lái xe hạng D và E, lưu lượng lên 396 HV. Năm 2008, được cấp giấy phép đào tạo lái xe hạng F, lưu lượng lên 512 HV.
Sau đó trung tâm được Sở LĐ-TB&XH cấp thêm nghề đào tạo “Vận hành xe máy thi công”. Cục Đường sông Việt Nam kiểm tra, cấp giấy phép đào tạo thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa, thuyền trưởng, máy trưởng tàu sông hạng 3; Sở GTVT giao nhiệm vụ đào tạo Chứng chỉ chuyên môn phương tiện thủy nội địa tốc độ cao loại I.
Đáng lưu ý, năm 2021 do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, công tác đào tạo, sát hạch lái xe bị gián đoạn 8 tháng, nhưng trung tâm đã nỗ lực đầu tư thêm 25 ô tô con tập lái, nâng tổng số xe dạy lái lên 119 chiếc, được Sở GTVT cho tăng lưu lượng đào tạo từ 996 HV lên 1.196 HV.
Trong năm 2021, trung tâm đã đào tạo được 3.200 HV lái ô tô các hạng, trong đó có 2.700 HV lái ô tô con và 500 HV lái xe tải; tổng số 2.800 HV tốt nghiệp, đạt 88%. Bên cạnh đó, đào tạo và sát hạch bằng phương pháp chấm điểm tự động 20 khóa học tại TP.Tam Kỳ cho hơn 5.000 HV mô tô.
Bước đột phá mới
Bên cạnh công tác đào tạo, lãnh đạo QJC thường xuyên quan tâm, chú trọng công tác xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên cho trung tâm. Từ buổi đầu thành lập, trung tâm chỉ có 18 giảng viên, trong đó 14 người chưa có kinh nghiệm giảng dạy; đến nay trung tâm có 6 giảng viên dạy lý thuyết và 110 giảng viên dạy thực hành, tất cả đạt chuẩn theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp và trình độ chuyên môn.
Trung tâm thường xuyên điều chỉnh, bổ sung chương trình giảng dạy lái xe nhiều nội dung mới như: phòng chống tác hại của việc uống rượu bia khi tham gia giao thông, kỹ thuật lái xe an toàn, kỹ thuật lái ô tô con số tự động. Đồng thời nghiên cứu lắp đặt thiết bị giám sát thời gian và việc học thực hành lái xe trên đường của học viên, sử dụng phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông để đào tạo lái xe và sát hạch lái xe (áp dụng từ ngày 1.6.2022) theo Thông tư 01/2021 của Tổng cục Đường bộ Việt Nam.
Bước đột phá mới của QJC là ngay trong đầu năm 2022 đã hoàn thành xây dựng Trung tâm Đào tạo và sát hạch lái xe (TTSHLX) Quảng Nam mới hiện đại, khang trang tại thôn Thanh Ly 1, xã Bình Nguyên, huyện Thăng Bình.
Ông Huỳnh Anh Dũng - Tổng Giám đốc QJC cho biết, trong hai năm qua mặc dù gặp thách thức do đại dịch Covid -19, thiên tai và vướng nhiều thủ tục liên quan phải từng bước tháo gỡ, nhưng công ty kiên trì theo đúng chiến lược đã vạch ra, tập trung triển khai “cuốn chiếu” và hoàn thành dự án.
TTSHLX mới có diện tích xây dựng hơn 20.000m2, nhà điều hành có tổng diện tích sàn 1.151m2, trung tâm đào tạo lái xe với sân tập lái rộng 24.000m2. Tổng vốn đầu tư dự án gần 34 tỷ đồng (không tính 4,5ha đất), trong đó vốn xây lắp hơn 24 tỷ đồng, trang thiết bị đào tạo và sát hạch lái ô tô khoảng 10 tỷ đồng.
Theo Sở GTVT Quảng Nam, hiện cả tỉnh có 3 TTSHLX loại 2 được công nhận hoạt động. TTSHLX mới thuộc QJC là cơ sở thứ tư, với quy mô 16 xe sát hạch lái ô tô (13 ô tô con và 3 xe tải) khi đi vào hoạt động đầu năm 2022 sẽ đáp ứng được nhu cầu sát hạch cấp GPLX cho ít nhất 4.000 HV/năm, nâng tổng công suất sát hạch lái xe ô tô toàn tỉnh lên hơn 15.000 HV/năm.
Được biết ngày 30.12.2021, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã kiểm tra, nghiệm thu, đánh giá chất lượng TTSHLX Quảng Nam mới thuộc QJC đạt quy chuẩn và sẽ cấp giấy phép hoạt động, đáp ứng kịp thời nguồn nhân lực đào tạo nghề GTVT của ngành, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Nam trong năm 2022 và những năm tiếp theo.