Đòn bẩy giảm nghèo, an sinh xã hội

VIỆT NGUYỄN 29/12/2021 10:30

Quảng Nam đã vận dụng hiệu quả Chỉ thị 40 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách, đem lại những kết quả to lớn trong giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh. Riêng năm 2021, Quảng Nam nằm trong số ít tỉnh thành có tín dụng chính sách lên đến 5.569 tỷ đồng, dư nợ 5.550 tỷ đồng, 46.000 khách hàng tiếp cận vốn vay ưu đãi, chất lượng tín dụng giữ vững.

Chị Trần Thị Thu Nguyên trao đổi với cán bộ Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH Phú Ninh về cách làm kinh tế hiệu quả từ vốn chính sách. Ảnh: VIỆT NGUYỄN
Chị Trần Thị Thu Nguyên trao đổi với cán bộ Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH Phú Ninh về cách làm kinh tế hiệu quả từ vốn chính sách. Ảnh: VIỆT NGUYỄN

Thiết thực giảm nghèo

Nhận biết nhu cầu tiếp cận vốn chính sách của gia đình chị Trần Thị Thu Nguyên (thôn Trường Thành, Tam Thành, Phú Ninh), năm 2018 Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) Phú Ninh nhanh chóng đánh giá phương án sử dụng vốn vay và ký kết hợp đồng, giải ngân 100 triệu đồng.

Nguồn lực từ ngân hàng cộng với các nguồn vốn khác, chị Nguyên cùng gia đình thành lập Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Trường Thành với diện tích 15.000m2 sản xuất các loại rau quả hữu cơ, và đến nay sản phẩm rau bó xôi của hợp tác xã đã được công nhận hạng 3 sao OCOP.

Với sản lượng thu hoạch trung bình 80kg rau quả/ngày, hơn 10 thành viên hợp tác xã và 4 lao động địa phương có nguồn thu nhập ổn định.

Tại huyện Nam Trà My, gia đình anh Hồ Văn Quyết (ở nóc Ông Non, thôn 1, Trà Mai) là điểm sáng trong thoát nghèo nhờ vốn chính sách. Năm 2017, từ 30 triệu đồng vay của Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH Nam Trà My, vợ chồng anh Quyết đầu tư trồng 3ha quế Trà My.

“Sau khi có thu nhập từ quế, chúng tôi đầu tư trồng cỏ, chăn nuôi bò. Đàn bò phát triển tốt, chúng tôi xoay vòng nguồn vốn, đồng thời dành tiền xây dựng căn nhà” - anh Quyết nói.

Nhiều gia đình ở các xã Trà Vân, Trà Leng... của huyện Nam Trà My cũng đã sang trang mới nhờ làm kinh tế hiệu quả từ vốn vay chính sách. Ông Trần Văn Quang - Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH Nam Trà My cho biết, đến nay tổng dư nợ cho vay của đơn vị đạt hơn 179,1 tỷ đồng với 4.590 khách hàng. Ngân hàng đang cho vay 12 chương trình tín dụng ưu đãi, tập trung thực hiện tăng trưởng các nguồn vốn lãi suất thấp, ưu tiên cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số.

Tiếp thêm động lực

Ông Nguyễn Thế Phước - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My khẳng định, Chỉ thị 40 đã giúp hoạt động tín dụng chính sách đóng góp tích cực trong giảm nghèo, phát triển kinh tế, an sinh xã hội tại địa phương.

Tín dụng chính sách đã thật sự phát huy hiệu quả khi đi vào đời sống, nhất là chương trình cho vay với lãi suất ưu đãi bằng 50% lãi suất cho vay hộ nghèo (3,3%/năm), thời hạn cho vay dài, mức cho vay lên đến 100 triệu đồng. Nhiều hộ gia đình đã mạnh dạn vay vốn trồng cây dược liệu như quế, sâm Ngọc Linh mang lại hiệu quả kinh tế cao, thoát nghèo, vươn lên làm giàu.

Ông Lê Hùng Lam - Giám đốc Ngân hàng CSXH Quảng Nam cho biết, thực hiện Chỉ thị 40, cấp ủy, chính quyền đã tổ chức hiệu quả các chương trình tín dụng ưu đãi. Quy mô, chất lượng tín dụng chính sách ngày càng tăng, tỷ lệ nợ quá hạn luôn ở mức thấp 0,04%.

Đến nay, nguồn vốn tín dụng chính sách đã tạo điều kiện cho nhiều hộ nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn làm ăn, thoát nghèo. Nhiều học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn đi học; lao động nghèo tham gia xuất khẩu lao động ở nước ngoài. Đồng thời xây dựng, cải tạo nhiều công trình nước sạch vệ sinh, nhà ở cho hộ nghèo, đối tượng chính sách và góp phần xây dựng nông thôn mới.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn - Trưởng Ban đại diện HĐQT Ngân hàng CSXH Quảng Nam cho biết, giai đoạn 2021 - 2025 tỉnh tiếp tục dành nguồn vốn ngân sách địa phương mỗi năm 100 - 150 tỷ đồng để cùng với nguồn vốn ngân sách Trung ương đáp ứng kịp thời nhu cầu của hộ nghèo, gia đình chính sách.

“Ngân hàng và cấp ủy đảng, chính quyền địa phương cần tiếp tục nâng cao trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo trong củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách. Công tác điều tra, xác định hộ vay vốn cần chính xác, giúp người dân xây dựng mô hình kinh tế hiệu quả” - ông Tuấn nói.

VIỆT NGUYỄN