Định danh thương hiệu sản phẩm bản địa - Bài 2: Khởi nghiệp từ quê nhà
Không phải ngẫu nhiên, Quảng Nam định vị slogan “Quảng Nam - vùng đất mở cho khởi nghiệp sáng tạo”. Về lịch sử, nếu tính từ khi danh xưng Quảng Nam đến nay, vùng đất này trải qua 550 năm, với nhiều lần thay đổi địa giới, giá trị vùng đất mở, canh tân là giá trị nổi bật. Quá trình ấy, nói theo ngôn ngữ khởi nghiệp, chúng ta đã có STARTUP THANH CHIÊM - HỘI AN, STARTUP DUY TÂN, STARTUP CHU LAI… Từ Hội An xưa đến Khu kinh tế mở Chu Lai là chặng đường dài hàng thế kỷ, nhưng đó là sự tiếp nối của tư duy đổi mới sáng tạo.
Con đường mới
Phát huy tinh thần khởi nghiệp sáng tạo của “vùng đất mở”, về mặt thương hiệu sản phẩm, là làm sao nâng tầm sản phẩm địa phương trong thế giới giao thương rộng mở ngày nay.
PGS-TS.Trần Văn Ơn - Cố vấn Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) Việt Nam đánh giá: “Quảng Nam có nhiều sản vật đa dạng, các chương trình nông thôn mới được triển khai tích cực cùng với chương trình phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, phong trào khởi nghiệp phát triển tốt, tạo sự kết nối cộng đồng, tạo cơ hội, môi trường thuận lợi cho OCOP”.
Điểm nhấn để mở ra con đường mới cho nền kinh tế hàng hóa xứ Quảng là Chương trình OCOP, Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu. Với chương trình này, Quảng Nam hướng đến bảo tồn, khôi phục, cải tiến, đổi mới sản phẩm truyền thống, sáng tạo sản phẩm mới thích ứng với đời sống đương đại, để nâng tầm và hội nhập sản phẩm địa phương.
Mục tiêu của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là xây dựng và phát triển sản phẩm địa phương dựa trên tài sản trí tuệ, đổi mới công nghệ với mô hình kinh doanh mới. Và đó là con đường phát triển sản phẩm OCOP.
Chia sẻ về việc xây dựng thương hiệu sản phẩm, khởi nghiệp và sáng tạo, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh từng khẳng định: “Quảng Nam rất quan tâm đến hệ sinh thái khởi nghiệp, ban hành nhiều chính sách cũng như động viên các bạn trẻ khởi nghiệp gắn với sản phẩm OCOP trên địa bàn”.
Giai đoạn 2018 - 2020, Quảng Nam huy động gần 281,5 tỷ đồng thực hiện OCOP, chủ yếu hỗ trợ chủ thể. Nhờ vậy, toàn tỉnh có 206 sản phẩm các loại thuộc nhiều nhóm ngành hàng của 171 chủ thể (gồm 60 hợp tác xã, 26 doanh nghiệp vừa và nhỏ, 6 tổ hợp tác, 79 hộ cá thể) được công nhận OCOP cấp tỉnh. Trong số đó có 1 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 26 sản phẩm 4 sao, 179 sản phẩm 3 sao.
Xét theo nhóm, ngành thực phẩm có 155 sản phẩm, chiếm hơn 75%, là một thực tế, bởi sản vật dưới biển trên nguồn Quảng Nam đa dạng, phong phú để phát triển sản phẩm.
Song điều đó cũng phản ảnh sự khôi phục và phát triển của đất trăm nghề là rất hạn chế, nếu chỉ tính truyền thống mỹ nghệ, tơ lụa có 22 sản phẩm, chiếm gần 11%; tỉnh chủ trương đẩy mạnh phát triển dược liệu và du lịch nông thôn, nhưng chưa như kỳ vọng khi chỉ có 17 sản phẩm, chiếm hơn 8%.
Về phân hạng sao, từ 4 sao trở lên có 27 sản phẩm, chiếm 13% là thấp; sản phẩm chưa nâng tầm; nhất là về chất lượng, khả năng xâm nhập thị trường và năng lực, công nghệ sản xuất.
Số lượng sản phẩm 3 sao nhiều và cũng lắm trường hợp “sao non”. Về địa bàn, huyện Tiên Phước có số lượng nhiều nhất với 28 sản phẩm, cách khá xa các địa phương thứ hai là huyện Thăng Bình và Phú Ninh cùng có 17 sản phẩm...
Quảng Nam đã có những thành tựu trong triển khai chương trình OCOP, nhưng nhìn chung vẫn còn nhiều hạn chế, đặc biệt là sự kế tục của sản phẩm làng nghề truyền thống có nguy cơ bị đứt gãy do thiếu nguồn nhân lực.
Như ThS.Trần Văn An (Hội An) cho rằng: “Sự phát triển của nghề là sự tiếp nối, kế thừa kỹ năng, kỹ xảo giữa các thế hệ thợ, nghệ nhân. Một thực tế cho thấy, do nhiều nguyên nhân, sự kế thừa này càng về sau càng yếu dần do lực lượng thợ trẻ không còn mặn mà với nghề cũ của cha ông chứ không phải do sự bí mật về nghề nghiệp”.
Tín hiệu đáng mừng
Mừng là các startups dấn thân khởi nghiệp, phát triển sản phẩm làng nghề, nghề truyền thống ngày càng nhiều, như đèn lồng Hội An Dé Lantana; cao lầu Tô Văn Bình; bánh tráng Đại Lộc; nước mắm Hà Quảng, Cửa Khe, Trung Phường, Tam Thanh; chổi đốt Nhất Tuấn; khăn lụa Mã Châu…
Nhiều sản phẩm khởi nghiệp biết khai thác lợi thế bản địa, tạo sản phẩm mới và phát triển khá nhanh và xuất khẩu, như phở sắn Caromi, đèn Led Phú Hiển; nhiều sản phẩm đạt giải cao khu vực trong xét chọn sản phẩm khởi nghiệp - OCOP - công nghiệp nông thôn tiêu biểu, như bánh chưng Bà Ba Hội, đèn gỗ Hội An, tinh bột nghệ xứ Tiên FUKIA…
Nhiều sản phẩm nâng tầm từ lợi thế địa phương, như Sống Sạch, Sợi Ngọc xứ Quảng, cao chè vằng, rượu cần, rượu lòn bon Tiên Phước, rượu lúa rẫy, rượu KaKun, cam giấy, thanh trà, dầu tràm, gạo Thằng Bờm, nếp bầu, gạo lứt Bh’nong, bánh đậu xanh, tương ớt mè Daichi, dầu phụng Đất Quảng, gạo Phong Thử, tiêu Tiên Phước, tinh dầu quế, trà thảo mộc Lá Sen, trà túi lọc dược liệu Hà Vy, trà ngũ cốc Hương Bột, trà Cà Gai Leo, chè Bancha An Bằng, chè dây RaZéh, cao đảng sâm, cao ba kích, du lịch sinh thái nông nghiệp Tràng Tràm, du lịch trải nghiệm cộng đồng Trà Nhiêu, du lịch làng lụa Mã Châu, khăn lụa Mã Châu, The Cham Village, Lò Gạch Cũ Farmstay, vườn cam bản địa Tây Giang.
Gần đây, khi tham gia xây dựng Từ điển làng nghề Quảng Nam, PGS-TS.Phạm Văn Hảo (Hà Nội) đánh giá: “Quảng Nam là tỉnh quyết tâm rất mạnh mẽ và cụ thể về giữ gìn và phát triển nghề và làng nghề; đã có cơ chế hỗ trợ phát triển làng nghề một cách rất cụ thể và đồng bộ”.
Từ sản phẩm làng nghề đến sản phẩm khởi nghiệp - OCOP - công nghiệp nông thôn tiêu biểu là cả hành trình tiếp nối, kế thừa, sáng tạo. Đã có nhiều sản phẩm mới cơ bản đáp ứng yêu cầu chất lượng và kiểu dáng, mẫu mã bao bì; ứng dụng thiết bị máy móc hiện đại trong duy trì và cải tiến công nghệ truyền thống; xây dựng Quảng Nam có số lượng sản phẩm khởi nghiệp - OCOP - công nghiệp nông thôn tiêu biểu tốp đầu cả nước.
----------------------
Bài cuối: Mở cánh cửa giao thương