Cần kiểm soát chặt phụ gia thực phẩm

LÊ QUÂN - TAM AN 06/10/2021 08:06

Sử dụng phụ gia thực phẩm, chất bảo quản không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không đúng liều lượng sẽ gây ra nhiều nguy hại với sức khỏe, thậm chí có thể tử vong.

Người tiêu dùng nên lựa chọn các loại thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.Ảnh: L.Q
Người tiêu dùng nên lựa chọn các loại thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.Ảnh: L.Q

Dễ dàng mua bán

Hiện nay phụ gia thực phẩm, chất bảo quản không rõ nguồn gốc, xuất xứ được bày bán rộng rãi trên thị trường, đặc biệt là hình thức kinh doanh trực tuyến ngày càng gia tăng. Người dân có thể dễ dàng mua được các loại phụ gia, chất bảo quản khác nhau và chúng được đóng gói với số lượng nhiều hay ít tùy theo nhu cầu của khách hàng.

Tại chợ Tam Kỳ, người dân có thể dễ dàng mua được rất nhiều loại phụ gia ở một số chợ đầu mối hay các cửa hàng đồ khô, trong đó có nhiều sản phẩm được đóng gói thủ công, không nhãn mác, nguồn gốc và không hướng dẫn sử dụng.

Các loại phụ gia phổ biến nhất như mỳ chính (bột ngọt), đường hóa học, chất làm nhừ, gia vị lẩu, phẩm màu công nghiệp…, đến những loại phụ gia có rất nhiều cảnh báo gây hại khi sử dụng.

Các chất phụ gia chuyên dùng để làm bánh trung thu, thạch, nước cam, rượu, tương ớt… phẩm màu để quay thịt heo, vịt, làm thịt bò khô… cũng dễ dàng được tìm thấy tại chợ.

Điểm chung của các sản phẩm này là không hề có nhãn mác in ấn rõ ràng về nguồn gốc xuất xứ, ngày sản xuất, hạn sử dụng. Chỉ từ 20 nghìn đồng, người tiêu dùng đã có thể mua được một gói phụ gia để làm ra những loại đồ ăn, thức uống bắt mắt, vừa lòng khách hàng.

Chị Hà tại TP.Tam Kỳ kinh doanh bánh và chả các loại theo kiểu nhà làm để bán online chia sẻ, việc làm bánh và chế biến các loại chả trở nên dễ dàng khi hơn năm nay chị tham gia những group chuyên về nguyên liệu, phụ gia thực phẩm. Chị cho biết, tại các nhóm này, có rất nhiều loại phụ gia được giới thiệu mua bán với mẫu mã và xuất xứ khác nhau, giá cả phải chăng và được giao hàng tận nơi.

Tình trạng phụ gia trôi nổi, nhập lậu trên thị trường Việt Nam đang là nỗi lo ngại trong cuộc chiến chống thực phẩm bẩn. Bên cạnh đó, việc sử dụng phụ gia thực phẩm không đúng liều lượng, chủng loại, nhất là các phụ gia nằm ngoài danh mục cho phép sẽ gây những hậu quả lớn cho sức khỏe.

Cần kiểm soát chặt

Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm cho biết, sử dụng phụ gia thực phẩm, chất bảo quản không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không đúng liều lượng tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, do đó việc buôn bán phụ gia thực phẩm, hóa chất cần phải được kiểm soát chặt chẽ.

Bộ Y tế mới đây đã ban hành Thông tư số 24 quy định về quản lý và sử dụng phụ gia thực phẩm. Thông tư này quy định danh mục phụ gia thực phẩm; việc sử dụng, quản lý phụ gia thực phẩm và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Danh mục gồm 400 loại phụ gia được sử dụng trong thực phẩm và quy định cụ thể liều lượng phụ gia đối với từng loại thực phẩm. Ví dụ đồ uống từ sữa dạng lỏng có hương vị được sử dụng tối đa 105mg curcumin/kg, đối với viên súp và nước thịt có mức tối đa 50mg/kg; Erythrosin được sử dụng tối đa 200mg/kg quả ướp đường, mức sử dụng tối đa chất này đối với rau củ quả lên men và sản phẩm rong biển lên men là 30mg/kg...

Hằng năm, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm đều có kế hoạch giám sát mối nguy ô nhiễm thực phẩm trên địa bàn tỉnh. Trong tháng 8 vừa qua, chi cục thực hiện lấy một số mẫu chả, thịt trên địa bàn gửi Trung tâm Kiểm nghiệm, thực hiện test nhanh một số mẫu như: test nhanh hàn the trong chả cá quế tại Cửa hàng Five star (189 Huỳnh Thúc Kháng, Tam Kỳ, Quảng Nam), test nhanh phẩm màu các loại nước sốt và độ tươi của thịt tại cửa hàng thức ăn nhanh Lotteria và tất cả các mẫu sản phẩm đều có kết quả âm tính.

Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm khuyến cáo, trước thực trạng chất phụ gia mất an toàn như hiện nay, người tiêu dùng nên sử dụng các chất màu tự nhiên như gấc, cà chua, ớt, dâm bụt, nghệ…, hạn chế dùng sản phẩm có màu sắc lòe loẹt, nhất là thực phẩm cho trẻ em. Nếu sử dụng phẩm màu công nghiệp, chỉ mua sản phẩm của doanh nghiệp có chứng nhận an toàn thực phẩm.

LÊ QUÂN - TAM AN