Đề nghị hỗ trợ bảo hộ sở hữu trí tuệ thương hiệu sâm Ngọc Linh tại một số thị trường tiềm năng
Cuối tuần qua, UBND tỉnh có công văn đề nghị Bộ KN-CN xem xét hỗ trợ, hướng dẫn Quảng Nam quảng bá thương hiệu sâm Ngọc Linh và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ thương hiệu đối với sâm củ Ngọc Linh và các sản phẩm từ sâm Ngọc Linh ra các thị trường tiềm năng trên thế giới như Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc và châu Âu bằng các hình thức phù hợp.
Theo công văn của UBND tỉnh, sâm Ngọc Linh là loài sâm đặc hữu, quý hiếm, có giá trị kinh tế cao của Việt Nam; là một nguồn gen quý hiếm có giá trị rất cao được xếp ngang hàng với các loại sâm quý trên thế giới; Chính phủ đã thống nhất thông qua đề án bảo tồn và phát triển cây sâm Ngọc Linh (sâm Việt Nam) đến năm 2030.
Những năm qua, Quảng Nam đã đưa ra nhiều chủ trương và ban hành nhiều cơ chế chính sách để bảo tồn, phát triển cây sâm Ngọc Linh. Diện tích quy hoạch vùng bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh khoảng 16.000ha, hiện nay diện tích thực tế trồng được gần 10.000ha và gần 20 doanh nghiệp đã ký hợp đồng thuê môi trường rừng trồng sâm Ngọc Linh.
UBND tỉnh đã đặt hàng, khuyến khích các cơ quan, tổ chức triển khai thực hiện các đề tài, dự án liên quan đến sâm Ngọc Linh để tạo tiền đề cho việc nghiên cứu, ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật trong việc tạo giống, nhân trồng và chế biến để mở rộng phát triển cây dược liệu có giá trị này trong thời gian tới.