An toàn vệ sinh thực phẩm: Bảo vệ người tiêu dùng trong Tết Trung thu

LÊ QUÂN (thực hiện) 13/09/2021 08:02

Đoàn kiểm tra liên ngành do Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) chủ trì đã bắt đầu thanh tra, kiểm tra các cơ sở kinh doanh, sản xuất bánh trung thu. Trao đổi với phóng viên Báo Quảng Nam xung quanh vấn đề an toàn thực phẩm (ATTP) dịp Tết Trung Thu, bà Lê Thị Hồng Cẩm - Phó Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP cho biết, đoàn liên ngành sẽ xử lý nghiêm vi phạm để bảo vệ quyền lợi, sức khỏe người tiêu dùng.

Quản lý chặt việc sản xuất và kinh doanh bánh trung thu để đảm bảo an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng. Ảnh: Q.V
Quản lý chặt việc sản xuất và kinh doanh bánh trung thu để đảm bảo an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng. Ảnh: Q.V

* Chi cục ATVSTP tỉnh đã có những kế hoạch, giải pháp gì để bảo vệ quyền lợi và sức khỏe người tiêu dùng trong dịp Tết Trung thu, thưa bà?

Bà Lê Thị Hồng Cẩm - Phó Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm. Ảnh: D.D
Bà Lê Thị Hồng Cẩm - Phó Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm. Ảnh: D.D

Bà Lê Thị Hồng Cẩm: Đối với các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội, chúng tôi yêu cầu chủ động phối hợp với cơ quan truyền thông tăng cường công tác tuyên truyền bảo đảm ATTP trong dịp Tết Trung thu, lồng ghép với tuyên truyền phòng chống dịch Covid-19. Nội dung tuyên truyền phù hợp cho từng nhóm như cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm; người tiêu dùng.

Ở các địa phương không thực hiện giãn cách xã hội, bên cạnh tuyên truyền, cần triển khai công tác kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về ATTP của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn, nhất là các chợ đầu mối để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm. Bên cạnh đó, tuyến tỉnh cũng thành lập đoàn kiểm tra liên ngành do Chi cục ATVSTP chủ trì, phối hợp với các ngành có liên quan để kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm bánh trung thu, siêu thị, chợ đầu mối… tại một số địa phương.

* Hiện nay một bộ phận người tiêu dùng có xu hướng lựa chọn bánh làm thủ công, bà chia sẻ gì về điều này?

Bà Lê Thị Hồng Cẩm: Hiện nay thị trường có nhiều loại bánh làm thủ công thường được giới thiệu là dùng nguyên liệu tự nhiên và không chất bảo quản, không sử dụng phẩm màu độc hại và đảm bảo ATVSTP. Xét về tâm lý, xu hướng lựa chọn bánh làm thủ công được ưa chuộng hơn bởi quan điểm của người dùng là bánh làm thủ công mang lại sự tươi ngon, không chất bảo quản, ít ngọt hơn, người làm bánh có thể cân đo đong đếm lượng đường, chất béo nên có ưu thế về dinh dưỡng, đáp ứng được phân khúc đối tượng khách hàng hơn, kể cả người ăn chay, người bệnh tiểu đường, béo phì...

Tuy nhiên, nhược điểm của cơ sở sản xuất bánh làm thủ công là có nguy cơ nhiễm khuẩn, từ khâu lựa chọn nguyên liệu đến chế biến, nếu không đảm bảo vệ sinh, có thể gây ngộ độc thực phẩm. Một số yếu tố khác như khói bụi, dụng cụ và tay người làm bánh, điều kiện vệ sinh khu vực làm bánh cũng sẽ ảnh hưởng đến chất lượng vệ sinh. Bánh sản xuất thủ công thường có hạn sử dụng ngắn, khoảng một tuần từ ngày sản xuất do không sử dụng các chất bảo quản như bánh sản xuất tại cơ sở quy mô lớn.

Vì được làm với quy mô nhỏ và không đăng ký với cơ quan chức năng, chủ yếu bán qua mạng nên rất khó kiểm soát về chất lượng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ không đảm bảo ATVSTP. Trong khi đó, bánh trung thu dễ bị ô xy hóa vì trong bánh có nhiều loại chất béo và nguyên liệu tươi, do đó nếu người dùng bảo quản không tốt, bánh dễ bị nấm mốc, nhiễm khuẩn gây ngộ độc hệ tiêu hóa. Mức độ rủi ro về ATTP khi sử dụng các sản phẩm này là khá cao.

*  Bà có lời khuyên gì cho người tiêu dùng?

Bà Lê Thị Hồng Cẩm: Trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp như hiện nay, việc mua hàng online hoặc mua qua giới thiệu, giao hàng tại nhà rất phổ biến, do đó việc lựa chọn các loại bánh đảm bảo an toàn phải được chú trọng. Khi truy cập trang bán hàng, người tiêu dùng cần tham khảo các đánh giá của người mua trước, tìm hiểu kỹ thông tin về người bán, xem xét nguồn gốc rõ ràng, và nhất là cơ sở đó đã được cơ quan quản lý kiểm tra, cấp giấy chứng nhận ATVSTP.

* Cảm ơn bà về cuộc trao đổi này!

Tổ chức đoàn kiểm tra liên ngành các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm

UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch triển khai công tác bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) trong dịp Tết Trung thu năm 2021. Kế hoạch này nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm và người tiêu dùng trong công tác đảm bảo ATTP; đồng thời lồng ghép tuyên truyền về công tác phòng chống dịch Covid-19.

Bên cạnh đó, đánh giá thực trạng việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo đảm ATTP của các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn, tập trung ưu tiên các cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh kẹo, nước giải khát, sản phẩm truyền thống sản xuất tại các làng nghề, cơ sở nhỏ lẻ.

Thông qua hoạt động kiểm tra, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm về ATTP, hạn chế các vụ ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm, góp phần làm tốt công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Ban Chỉ đạo liên ngành về ATTP thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm, dịch vụ ăn uống trên địa bàn tỉnh, tập trung ưu tiên các cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh kẹo, nước giải khát, sản phẩm truyền thống sản xuất tại các làng nghề, cơ sở nhỏ lẻ. Theo đó, đoàn tổ chức kiểm tra tại 3 địa phương là Tam Kỳ, Thăng Bình và huyện Duy Xuyên từ ngày 10.9 - 25.9. (X.H)

LÊ QUÂN (thực hiện)