Chuẩn bị phương án cung ứng hàng hóa

VĨNH LỘC 31/08/2021 06:01

UBND tỉnh vừa ban hành phương án cung ứng, phân phối các mặt hàng thiết yếu ứng phó dịch Covid-19 theo nhiều cấp độ trên địa bàn tỉnh. Đây là sự chuẩn bị, dự lường trước các tình huống có thể xảy ra khi dịch Covid -19 vẫn còn diễn biến phức tạp.

Hàng hóa thiết yếu đang được các siêu thị, chợ truyền thống chuẩn bị, đảm bảo cung ứng trong trường hợp dịch diễn biến phức tạp. Ảnh: V.LỘC
Hàng hóa thiết yếu đang được các siêu thị, chợ truyền thống chuẩn bị, đảm bảo cung ứng trong trường hợp dịch diễn biến phức tạp. Ảnh: V.LỘC

Vận chuyển khó khăn

Gần 3 tuần qua siêu thị Pikamart (phường Vĩnh Điện, Điện Bàn) lâm vào tình trạng thiếu hụt hàng hóa do xe vận chuyển từ TP.Đà Nẵng không vào được. Trên những tủ, kệ bày bán thực phẩm, gia vị… hầu hết đều trống hàng.

Từ ngày 16.8, khi Điện Bàn thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 và Đà Nẵng siết chặt hạn chế đi lại, hàng hóa cung ứng vào siêu thị Pikamart hầu như đứt gãy hoàn toàn.

Bộ Công Thương vừa có công văn hỏa tốc gửi sở công thương các tỉnh, thành phố, cho biết Tổng Cục đường bộ (Bộ GTVT) đã công bố đường dây nóng (0886016640) tiếp nhận thông tin và hướng dẫn giải đáp các nội dung liên quan đến hoạt động vận tải hàng hóa bằng xe ô tô. Vì vậy, Sở Công Thương các tỉnh, thành phố khi nhận được phản ảnh của doanh nghiệp về khó khăn trong quá trình vận chuyển hàng hóa (nhất là qua các chốt kiểm soát) có thể hướng dẫn liên hệ qua đường giây nóng của Tổng Cục đường bộ để được hỗ trợ kịp thời.

Ông Nguyễn Hoàng Vỹ – Giám đốc Siêu thị Pikamart chi nhánh Điện Bàn cho biết, hiện tại lượng hàng trong siêu thị sụt giảm khoảng 70%, rất nhiều loại đã hết từ nhiều ngày trước nhưng không thể bổ sung.

“Pikamart chủ yếu bán tạp hóa, hầu hết mặt hàng mình nhập từ Đà Nẵng nên khi thành phố này phong tỏa cứng, xe chở hàng không vào dẫn đến thiếu hàng. Bây giờ chúng tôi xác định có gì bán bấy trong khi chờ Đà Nẵng nới lỏng phong tỏa và chờ hàng phía Nam ra nhưng cũng khó lắm” - ông Vỹ nói.

Qua tìm hiểu một vài quầy tạp hóa, nhà thuốc, chợ truyền thống trên địa bàn huyện Đại Lộc, Điện Bàn, Hội An… dễ dàng nhận thấy, nếu các mặt hàng nông, thủy sản tươi sống tương đối phong phú, thậm chí rẻ do nguồn cung tại chỗ dồi dào thì ngược lại, những mặt hàng sinh hoạt hàng ngày như gia vị, sữa, đường, đặc biệt một số loại thuốc đề kháng thông thường tương đối thiếu.

Theo đại diện nhà thuốc Parmacies Huy Hoàng (TP.Hội An), nhiều loại thuốc đã hết hoặc không đủ bán, nhất là các loại thuốc thông thường như sốt, C sủi, vitamin… do hạn chế nguồn cung.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Thế Hùng – Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An cho rằng, đây chỉ là những trường hợp đơn lẻ, còn lại đa số hàng hóa đủ đáp ứng do nguồn cung từ Tam Kỳ hoặc các tỉnh phía Nam ra. Qua theo dõi nắm tình hình ở các chợ, tạp hóa, siêu thị mini… thì tình hình ở Hội An vẫn ổn, không có sự mất cân đối lớn, kể cả các loại hàng hóa thiết yếu.

Chuẩn bị nguồn cung

Ngày 24.8, UBND tỉnh ban hành Quyết định 2415 về phương án cung ứng, phân phối các mặt hàng thiết yếu ứng phó dịch Covid-19 theo từng cấp độ trên địa bàn tỉnh. Mục đích, cung ứng kịp thời các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân theo phương châm 4 tại chỗ (chỉ đạo tại chỗ, lực lượng tại chỗ, hệ thống phân phối tại chỗ, hàng hóa tại chỗ).

Phương án cũng yêu cầu các đơn vị, doanh nghiệp liên quan xác định được nguồn cung hàng hóa thiết yếu trong và ngoài tỉnh, kể cả đơn vị cung ứng, năng lực và phương thức vận chuyển hàng hóa thiết yếu khi thực hiện giãn cách xã hội. Đặc biệt, các đơn vị sản xuất, kinh doanh cần tăng cường dự trữ hàng hóa thiết yếu, đảm bảo nguồn cung ứng kịp thời khi dịch bệnh lây lan nhanh trên địa bàn tỉnh; tránh đứt, gãy chuỗi cung ứng…

Theo tính toán, nhu cầu tiêu thụ lương thực thực phẩm trên địa bàn tỉnh trong 7 ngày ước khoảng 3.465 tấn gạo; 2.250 nghìn gói mỳ ăn liền; 210 nghìn lít nước mắm; 3.493 lít dầu ăn; 4.465 nghìn quả trứng gà; 693 tấn thịt heo; 693 tấn thịt gà; 499 tấn hải sản và 3.150 tấn rau quả các loại.

Do đó, các đơn vị tham gia cung ứng sẽ bao gồm siêu thị Co.opmart Tam Kỳ, siêu thị Go! Tam Kỳ, Bưu điện tỉnh, Công ty Thực phẩm Năm Mục Tiêu, doanh nghiệp tư nhân gạo Lộc Phượng; chuỗi các cửa hàng tiện lợi, các nhà phân phối hàng hóa khác. Cùng với đó là 159 chợ truyền thống cùng các đơn vị, doanh nghiệp sản xuất, cửa hàng phân phối khác.

Bà Trần Thị Như Lai – Giám đốc Siêu thị Coopmart Tam Kỳ khẳng định, lượng hàng hóa siêu thị luôn đảm bảo cung ứng trong khoảng 3 tuần, riêng mỳ tôm hiện siêu thị cũng đã trữ gần 3.000 thùng, kể cả một số mặt hàng gia vị, thực phẩm thiết yếu như sữa tươi… đều đảm bảo nguồn hàng cố định cho người dân tại Tam Kỳ và các vùng lân cận.

Theo ông Nguyễn Quang Lâm – Trưởng phòng Quản lý thương mại (Sở Công Thương), hiện tại hàng hóa trên địa bàn tỉnh rất dồi dào, thậm chí một số nông, thủy sản của các địa phương phải nhờ sở hỗ trợ tiêu thụ. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay chính là khâu vận chuyển.

“Khó đầu tiên chính là việc quy định lái xe ra Đà Nẵng khi quay về phải cách ly 3 ngày (Công văn 5101) dẫn đến hạn chế số lượng tài xế. Chưa kể, giá cước vận tải hiện nay quá cao dẫn đến một số mặt hàng cung ứng thiếu hụt tạm thời. Do đó, chỉ cần xử lý tốt vận tải thì cung ứng hàng hóa sẽ đảm bảo” - ông Lâm phân tích.

Ông Lâm thông tin thời gian qua Sở Công Thương đã thành lập tổ công tác theo dõi, nắm bắt tình hình cung ứng, kể cả nhiều lần gửi văn bản đến UBND tỉnh và các sở ngành liên quan để nhanh chóng tháo gỡ vấn đề tồn tại, vướng mắc trong khâu vận chuyển, đảm bảo không làm đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa đến và đi trên địa bàn tỉnh.

VĨNH LỘC