Hộ vay vốn rời khỏi nơi cư trú: Nguy cơ thất thoát nguồn vốn chính sách
Nhiều hộ vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) chi nhánh Quảng Nam đã “bặt vô âm tín” khiến nguồn vốn chính sách có nguy cơ bị thất thoát.
Thống kê đến hết tháng 7.2021, trên địa bàn tỉnh còn 84 hộ vay vốn của ngân hàng chính sách với số tiền 1,773 tỷ đồng nhưng đã bỏ đi khỏi nơi cư trú. Trong đó, có thông tin địa chỉ cụ thể là 11 hộ với 240 triệu đồng, có thông tin địa chỉ không cụ thể là 21 hộ với 455 triệu đồng và 52 hộ không có thông tin gì với 1,178 tỷ đồng.
Khó thu nợ
Trên địa bàn TP.Tam Kỳ hiện có 7 hộ vay vốn tín dụng chính sách bỏ đi khỏi nơi cư trú với nguy cơ thất thoát 145 triệu đồng. Theo ông Nguyễn Văn Mười - Chủ tịch Hội Nông dân xã Tam Thăng (TP.Tam Kỳ) - đơn vị nhận ủy thác vốn của Ngân hàng CSXH chi nhánh Quảng Nam, quy trình xét duyệt cho vay rất chặt chẽ, từ tổ, thôn đến xã nhưng có một hộ không thực hiện đúng cam kết khi vay vốn.
Cụ thể, hộ bà Nguyễn Thị Th. vay 50 triệu đồng để trồng hoa, cây cảnh vào năm 2015. Liên tục các năm liền, bà Th. đều trả nợ đúng hạn rồi lại vay vốn tiếp tục sản xuất. Đến năm 2018, hoa, cây cảnh bị hư hại, không thể trả nợ ngân hàng, bà Th. cùng gia đình đã bỏ đi khỏi nơi cư trú. “Toàn xã có 343 hộ vay vốn chính sách với dư nợ hơn 16 tỷ đồng, trong đó Hội Nông dân xã ủy thác cho vay 8 tỷ đồng” - ông Mười nói.
Ở xã Tam Dân (huyện Phú Ninh) hiện có 2 hộ vay vốn chính sách xã hội còn dư nợ nhưng đã bỏ đi khỏi nơi cư trú khiến ngành chức năng chưa thể thu hồi nợ. Bà Đặng Thị T. (thôn Đàn Trung) thông qua Hội LHPN xã vay 12 triệu đồng của Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Phú Ninh để đầu tư công trình nước sạch, vệ sinh môi trường nhưng đã rời khỏi địa phương nhiều năm nay. Khi chúng tôi tìm đến ngôi nhà của bà T., ông Đặng Văn Bộ (anh ruột của bà T.) cho biết, gia đình rất nghèo nên không thể thay thế em gái trả nợ ngân hàng.
“Em gái tôi thỉnh thoảng có về nhà rồi vội vã đi khỏi. Mỗi lần như thế tôi đều dặn dò em tôi cần tích lũy để trả nợ ngân hàng” - ông Bộ nói.
Tìm giải pháp
Ông Trần Văn Quang - Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Nam Trà My cho biết, trên địa bàn hiện có 6 hộ vay vốn nhưng đã bỏ đi khỏi nơi cư trú với số tiền vay 216 triệu đồng. Trước đây, địa phương có nhiều hộ vay vốn nhưng với tâm lý ỷ lại, không lo làm ăn để trả nợ đúng hạn, đã bỏ đi khỏi nơi cư trú.
Để khắc phục thực trạng này, Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện phối hợp với các cơ quan, ban ngành của huyện thực hiện cách thức “3 cán bộ công chức, viên chức giúp 1 hộ nghèo”. Theo đó, sau khi xét duyệt kỹ càng để cho vay vốn tín dụng chính sách thì hỗ trợ họ sử dụng vốn vay hiệu quả bằng các mô hình kinh tế cụ thể như buôn bán, trồng cây dược liệu, chăn nuôi...
“Khi được kèm cặp, người dân biết cách làm ăn hiệu quả, trả nợ đúng hạn và gửi tiết kiệm để tăng thêm nguồn vốn chính sách” - ông Quang nói.
Còn theo bà Nguyễn Thị Trang - Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Phú Ninh, để hạn chế thực trạng nêu trên chính quyền địa phương nắm bắt địa chỉ hộ vay vốn, phối hợp với ngân hàng thu hồi vốn vay. Ngoài ra, chú trọng công tác kiểm tra, giám sát, vận động hộ vay vốn, xử lý kịp thời trước khi họ bỏ trốn khỏi địa phương.
Ông Lê Hùng Lam - Phó Giám đốc phụ trách Ngân hàng CSXH chi nhánh Quảng Nam cho biết, để xử lý nợ của các hộ vay vốn bỏ đi khỏi nơi cư trú, mới đây đã ký kết quy chế phối hợp với Công an tỉnh.
Theo đó, có quy chế bảo đảm an ninh trật tự, an toàn hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn. Công an tỉnh đang hỗ trợ ngân hàng chính sách xác minh nơi ở của khách hàng rời khỏi địa phương, cung cấp các thông tin, hỗ trợ xử lý nợ xấu. Mặt khác, cán bộ ngân hàng chính sách, tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn cần nắm bắt sâu sát thông tin từ người dân, cộng đồng.
“Một hộ vay vốn chính sách đi khỏi nơi cư trú thì hàng xóm, họ hàng, người thân sẽ biết các thông tin liên quan, nhất là nơi ở mới, cán bộ ngân hàng chính sách sẽ tiếp cận, thu nợ” - ông Lam nói.