Nông Sơn phát huy giá trị sản phẩm OCOP
Với sự vào cuộc hỗ trợ tích cực của Nhà nước thông qua chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” - OCOP, đến nay huyện Nông Sơn đã có 7 sản phẩm nông nghiệp, thủ công mỹ nghệ được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn 3 sao. Thế nhưng việc nâng tầm sản phẩm gặp khó do điều kiện tự nhiên, đầu ra thiếu ổn định, nhất là dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.
Bước tiến từ OCOP
Từ việc chế biến chỉ phục vụ nhu cầu sử dụng trong gia đình, đến nay các sản phẩm mang thương hiệu bột ngũ cốc Đoàn Thị Thương (thôn Dùi Chiêng, xã Phước Ninh, Nông Sơn) đã được người tiêu dùng trong và ngoài huyện đón nhận. Đầu năm 2020, sản phẩm bột ngũ cốc Đoàn Thị Thương bắt đầu tham gia chương trình OCOP.
Bà Đoàn Thị Thương cho biết, thời gian qua tổng giá trị thực hiện chương trình OCOP của cơ sở là 300 triệu đồng, trong đó kinh phí đóng góp của chủ thể là 156 triệu đồng, phần còn lại do Nhà nước hỗ trợ. “Nhờ tập trung đầu tư phát triển sản phẩm, mở rộng quy mô sản xuất, từ chỗ bán manh mún nhỏ lẻ, đến nay sản lượng tiêu thụ không ngừng tăng lên” - bà Thương nói.
Ở Nông Sơn, Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp, du lịch, dịch vụ Đại Bình (xã Quế Trung) là đơn vị có nhiều sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP nhất. Sau khi sản phẩm bưởi trụ lông Đại Bình được công nhận OCOP 3 sao năm 2018, đến dầu mè nguyên chất Đại Bình 100% và hương trầm Đại Bình Quảng Nam lần lượt được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao vào 2 năm 2019 - 2020.
Ông Nguyễn Thanh Tuyền - Giám đốc HTX Nông nghiệp, du lịch, dịch vụ Đại Bình cho hay, HTX thành lập vào năm 2017, ban đầu chỉ có 7 thành viên và đến nay đã tăng lên 39 thành viên. Bên cạnh chủ động sản xuất các sản phẩm an toàn, đảm bảo lợi ích, sức khỏe cho người tiêu dùng, HTX còn cung ứng giống cây trồng, rau sạch, tạo chuỗi liên kết, cung ứng và phát triển sản phẩm gắn với du lịch sinh thái…
Ông Tuyền nói. “Tham gia chương trình OCOP, chúng tôi nhận được sự tư vấn, hướng dẫn từ Phòng NN&PTNT và giới thiệu tham gia các khóa tập huấn về OCOP. Đồng thời Phòng Kinh tế - hạ tầng hỗ trợ trong xúc tiến thương mại, tham gia nhiều hội chợ triển lãm khởi nghiệp, OCOP…
Nhờ đó, hiện các sản phẩm của HTX đã được thị trường đón nhận rất tốt. Ngoài Đà Nẵng và Quảng Nam, cuối năm 2020 chúng tôi đã đưa sản phẩm dầu mè, hương trầm vào TP.Hồ Chí Minh tiêu thụ. Thời gian đến, HTX tập trung nâng cấp sản phẩm dầu mè nguyên chất Đại Bình 100% lên hạng 4 sao, xây dựng cửa hàng nông sản sạch tại TP.Đà Nẵng và phát triển thêm sản phẩm mới…”.
Phát huy giá trị sản phẩm
Triển khai thực hiện chương trình OCOP từ năm 2018, đến nay huyện Nông Sơn đã có 7 sản phẩm được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao gồm: bưởi trụ lông Đại Bình, dầu mè Đại Bình nguyên chất 100%, hương trầm Đại Bình Quảng Nam của HTX Nông nghiệp, du lịch, dịch vụ Đại Bình; heo đồi Phước Ninh của HTX Nông nghiệp Phước Ninh; vòng trầm hương của cơ sở sản xuất trầm hương mỹ nghệ Tâm An Thịnh Phát; bột ngũ cốc Hạt Thương của cơ sở kinh doanh Đoàn Thị Thương; tượng trầm tâm linh của cơ sở kinh doanh trầm hương Tường Vi.
Năm 2021, Nông Sơn có 3 sản phẩm mới đăng ký tham gia thực hiện chương trình OCOP gồm: hạt sen Tây Viên, rượu bưởi Đại Bình, tranh gỗ “Cha mẹ”. Bên cạnh đó, các đơn vị liên quan của huyện tiếp tục hỗ trợ HTX Nông nghiệp, du lịch, dịch vụ Đại Bình nâng cấp sản phẩm dầu mè Đại Bình nguyên chất 100% từ 3 sao lên 4 sao.
Ông Trần Thiện Thắng - Trưởng phòng NN&PTNT Nông Sơn đánh giá chương trình này là hướng đi đúng, phù hợp với khu vực trung du - miền núi, góp phần xây dựng sản phẩm đặc trưng cho địa phương và nâng cao thu nhập cho người dân. Từ chương trình OCOP, nhiều sản phẩm đã có bước tiến về chất lượng, đa dạng về mẫu mã. Nhiều sản phẩm có giá trị cao được thị trường chấp nhận. Đặc biệt là người dân đã hiểu được giá trị của chương trình, các chủ thể tính lộ trình dài cho sản phẩm trong việc mở rộng diện tích, quy mô sản xuất…
Tuy nhiên, trước ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhiều sản phẩm OCOP trên lĩnh vực thực phẩm đang gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ. Ngoài ra, thời gian qua bão lũ cũng gây hư hỏng nhiều diện tích cây ăn quả, trong đó có cây bưởi, cũng là thách thức không nhỏ để duy trì, phát triển thương hiệu bưởi trụ lông Đại Bình của HTX Nông nghiệp, du lịch, dịch vụ Đại Bình.
Ông Thắng cho rằng, sản phẩm đặc trưng tại Nông Sơn còn ít, sản xuất nhỏ lẻ theo hướng tự cung tự cấp nên việc lựa chọn sản phẩm tham gia chương trình OCOP trong thời gian đến sẽ gặp nhiều khó khăn. Do đó, trước mắt huyện sẽ tiếp tục phối hợp, hỗ trợ để các chủ thể phát huy tốt giá trị các sản phẩm OCOP đã được công nhận. Đồng thời có hướng xây dựng, nâng chuẩn một số sản phẩm có tiềm năng.