Đa dạng hoạt động thương mại

VĨNH LỘC 06/07/2021 09:16

Giữ vai trò quan trọng trong GRDP, thương mại dịch vụ là một trong những yếu tố then chốt thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đặc biệt trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

Bên cạnh các kênh thương mại bán hàng truyền thống, cần đa dạng hóa các kênh thương mại nhằm phát huy hiệu quả vai trò của ngành thương mại dịch vụ. Ảnh: V.LỘC
Bên cạnh các kênh thương mại bán hàng truyền thống, cần đa dạng hóa các kênh thương mại nhằm phát huy hiệu quả vai trò của ngành thương mại dịch vụ. Ảnh: V.LỘC

Thế mạnh thương mại điện tử

Gần 6 năm qua, hầu hết giao dịch hàng hóa của Công ty TNHH Sản xuất TMDV Phương Nga (thị trấn Tân Bình, Hiệp Đức) được thực hiện bằng hình thức trực tuyến. Với các dòng sản phẩm chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp làm từ gạo lức và tinh bột nghệ núi, bình quân mỗi tháng doanh thu công ty đạt khoảng 1 tỷ đồng, hơn 80% đến từ hoạt động kinh doanh trực tuyến.

Bà Võ Thị Minh Nga – Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất TMDV Phương Nga cho biết: “Từ năm 2015, chúng tôi đã xác định sản phẩm của mình sẽ đi theo kênh online, bởi kinh doanh trực tuyến giúp tiết giảm nhiều chi phí, nhất là không tốn phí mặt bằng, kể cả quảng bá nếu so với kênh phân phối theo kiểu truyền thống”.

Bên cạnh các kênh bán hàng truyền thống như siêu thị, cửa hàng, chợ…, kinh doanh trực tuyến đang dần đóng vai trò quan trọng trong giao dịch thương mại.

Theo ông Trần Hữu Phương – Giám đốc Công ty TNHH Lụa Mã Châu (thị trấn Nam Phước, Duy Xuyên), từ khi dịch Covid-19 bùng phát, điều kiện đi lại hạn chế, thị trường và phương thức tiêu dùng cũng phải thay đổi. Việc “bùng nổ” các thiết bị, điện thoại thông minh cũng đã góp phần thay đổi tâm lý mua sắm của khách hàng, nhất là khách hàng trẻ tuổi, đòi hỏi doanh nghiệp cũng phải điều chỉnh lại hoạt động thương mại của mình.

“Công ty TNHH Lụa Mã Châu trước đây kinh doanh trực tuyến chỉ chiếm 50% giao dịch thì gần 2 năm qua, hình thức này chiếm hầu như toàn bộ doanh thu. Bán lẻ trên mạng, doanh số có thể không bằng cách phân phối truyền thống, nhưng bù lại lợi nhuận cao hơn do tiết giảm được nhiều chi phí” - ông Phương phân tích.

Thống kê 6 tháng đầu năm nay, tổng doanh thu đơn vị đạt hơn 4,5 tỷ đồng, phần lớn từ kinh doanh online. Ngoài thị trường Việt Nam, công ty cũng kết nối, phân phối hàng đến hơn 10 nước có người Việt sinh sống trên thế giới.

Trong vài năm trở lại đây thương mại điện tử đã không còn xa lạ với nhiều doanh nghiệp và người tiêu dùng. Theo số liệu từ Sở Công Thương, năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trên địa bàn tỉnh ước đạt hơn 58 nghìn tỷ đồng, dự kiến đạt hơn 106 nghìn tỷ đồng vào năm 2025, thu hút 55% dân số tham gia mua sắm trực tuyến với 50% giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt trong thương mại điện tử.

Cần phát triển hạ tầng thương mại

Mới đây, UBND tỉnh đã công bố báo cáo về thực trạng và giải pháp pháp phát triển thương mại, dịch vụ Quảng Nam đến năm 2025, tầm nhìn 2030, trong đó nhấn mạnh, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của tỉnh có mức tăng trưởng nhanh. Riêng giai đoạn 2015 – 2020, mức tăng trưởng bình quân là 9,6% và đạt 52.792 tỷ đồng vào năm 2020.

Dù vậy, quá trình phát triển thương mại dịch vụ vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế, thể hiện ở công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, triển khai quy hoạch, xây dựng cơ sở hạ tầng thương mại chưa đáp ứng yêu cầu, chưa tương xứng, chưa đồng bộ với phát triển kinh tế.

Quy mô ngành thương mại dịch vụ còn nhỏ, chưa thành lập được mối liên kết bền vững giữa sản xuất và lưu thông, chưa tạo ra vùng nguyên liệu phục vụ sản xuất hàng hóa tập trung. Bên cạnh đó, hệ thống phân phối tuy được thiết lập nhưng chưa đồng bộ, thiếu bền vững, liên kết chuỗi còn lỏng lẻo và chậm phát triển, văn hóa, văn minh thương mại chưa được chú trọng xây dựng.

Công tác xúc tiến thương mại chưa có chương trình, kế hoạch cụ thể, thiếu dự báo thị trường, tác động của quản lý nhà nước về gia nhập thị trường còn hạn chế, cơ sở vật chất phục vụ chưa được quan tâm đùng mức...

Theo ông Đặng Bá Dự - Giám đốc Sở Công Thương, để xây dựng và phát triển thương mại dịch vụ hiện đại, tăng trưởng bền vững, thời gian đến tỉnh cần tập trung phát triển một số ngành, sản phẩm có hàm lượng tri thức và công nghệ cao, có lợi thế cạnh tranh; tập trung huy động các nguồn vốn đầu tư từ các thành phần kinh tế trong và ngoài nước nhằm xây dựng phát triển hạ tầng, trang bị kỹ thuật hiện đại.

Đặc biệt, xúc tiến thương mại cần xác định thị trường trọng điểm, tiềm năng, bên cạnh các hình thức truyền thống cần phát triển thương mại điện tử, kết nối cung cầu, phân phối phi tiếp xúc. Xây dựng sản phẩm thương hiệu Quảng Nam nói riêng và thương hiệu Việt Nam nói chung.

Bên cạnh đó, cần chú trọng phát triển hạ tầng thương mại; đa dạng các loại hình thương mại, dịch vụ logistics và vận tải; phát triển thị trường tại các địa phương như siêu thị, cửa hàng, chợ truyền thống… Phấn đấu giai đoạn 2025 – 2030 tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt hơn 236 nghìn tỷ đồng vào năm 2030; thu hút 75% dân số tham gia mua sắm trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt trong thương mại điện tử đạt 70%.

VĨNH LỘC