Quảng Nam thúc đẩy mạnh thương mại điện tử

VĨNH LỘC 22/06/2021 16:58

(QNO) - Kinh doanh trực tuyến đang trở thành xu hướng của nhiều doanh nghiệp Quảng Nam hiện nay, qua đó giúp thay đổi cách thức tiếp cận đối tác, mở rộng hoạt động thương mại để trở thành kênh giao dịch chủ đạo trong thời đại công nghệ số.

Tiêu thụ sản phẩm Ngũ cốc dinh dưỡng Mẹ Tép chủ yếu thông qua giao dịch trực tuyến
Tiêu thụ sản phẩm Ngũ cốc dinh dưỡng Mẹ Tép chủ yếu thông qua giao dịch trực tuyến

Tiết giảm chi phí

Bà Trần Thị Hồng Vâng – chủ cơ sở Ngũ cốc dinh dưỡng Mẹ Tép (Hội An) sắp xếp những chai lọ vào thùng, chờ người công ty chuyển phát đến mang đi giao cho khách. Với các mặt hàng như bột dinh dưỡng, ăn kiêng… gần 2 năm qua, hầu hết giao dịch của bà Vâng chủ yếu qua các mạng xã hội như facebook, zalo… “Tôi đăng sản phẩm lên mạng để khách lựa chọn, sau khi thống nhất, khách có thể chuyển khoản hoặc trả tiền mặt cho nhân viên giao hàng khi nhận được sản phẩm” - bà Vâng nói. Cách làm này đã giúp bà Vâng tiết kiệm nhiều chi phí như thuê mặt bằng trưng bày sản phẩm, nhân viên, vận chuyển, giao hàng…

Những năm gần đây, kinh doanh trực tuyến đã không còn xa lạ với nhiều cơ sở, doanh nghiệp Quảng Nam. Thương mại điện tử (TMĐT) phát triển gắn liền với sự bùng nổ của các thiết bị công nghệ như máy tính, điện thoại thông minh, đặc biệt thói quen mua sắm trực tuyến của người tiêu dùng cũng ngày nhiều hơn, nhất là nhóm khách hàng trẻ. Chính điều này đã giúp nhiều doanh nghiệp kinh doanh trực tuyến duy trì sự tăng trưởng.

Nhiều doanh nghiệp đã đẩy nhanh chuyển đổi số, mở thêm kênh bán hàng trực tuyến như bán lẻ hàng hóa trực tuyến, gọi đồ ăn, giải trí, tiếp thị trực tuyến, thanh toán trực tuyến, kể cả đào tạo trực tuyến, đưa hàng hóa lên các sàn thương mại điện tử... nhằm tăng doanh thu bán hàng trên nền tảng số.

Tại Quảng Nam, chỉ riêng lĩnh vực du lịch dịch vụ, trước dịch Covid-19, thương mại điện tử chiếm khoảng 75% các giao dịch đặt tour, đặt phòng, đặt vé máy bay của các nhóm khách lẻ, gia đình…
Tâm lý tiêu dùng của khách hàng đang có sự thay đổi từ giao dịch truyền thống sang trực tuyến
Tâm lý tiêu dùng của khách hàng đang có sự thay đổi từ giao dịch truyền thống sang trực tuyến

Thương mại điện tử đã đem lại lợi ích rất lớn cho doanh nghiệp, người tiêu dùng và toàn xã hội, đồng thời tạo điều kiện để sớm tiếp cận nền kinh tế số hóa.

Thống kê của Sở Công Thương Quảng Nam cho thấy, từ năm 2015 đến nay hơn 220 sản phẩm đã đăng ký tham gia vào Sàn thương mại điện tử Quảng Nam (quangnamtrade.com.vn), thu hút gần 194 nghìn lượt truy cập, giao dịch. Qua đó khẳng định nhu cầu và xu thế tất yếu trong hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp Quảng Nam.

Nâng cấp sàn thương mại điện tử

Có thể khẳng định, trong bối cảnh hiện nay phát triển TMĐT là nhu cầu cần thiết và cấp bách để các cơ sở sản xuất và doanh nghiệp Quảng Nam hội nhập, phát triển, nâng cao sức cạnh tranh.

Năm 2020, ước tính thương mại điện tử Việt Nam tăng trưởng khoảng 15% và đạt quy mô khoảng 13,2 tỷ đô la Mỹ.

Theo ông Nguyễn Quang Lâm – Trưởng phòng Quản lý thương mại (Sở Công Thương), trước tình hình dịch bệnh Covid-19 kéo dài gây ảnh hưởng đến hoạt động xúc tiến thương mại truyền thống thì việc tăng cường thúc đẩy thương mại điện tử, nhất là kinh doanh trực tuyến trên sàn TMĐT đóng vai trò quan trọng.

“TMĐT sẽ giúp doanh nghiệp nắm được thông tin phong phú về thị trường và đối tác, giúp tiết kiệm chi phí sản xuất, chi phí bán hàng và tiếp thị. Thông qua internet TMĐT còn giúp cho người tiêu dùng và các doanh nghiệp giảm đáng kể thời gian và chi phí giao dịch; người tiêu dùng được cung cấp đầy đủ về thông tin sản phẩm, thuận lợi cho việc lựa chọn hàng hóa, dịch vụ và nhà cung cấp” - ông Lâm phân tích.

Một trong những yếu tố tạo nên sự thuận lợi của TMĐT chính là sàn TMĐT, đây sẽ nơi đóng vai trò cầu nối cung – cầu giữa doanh nghiệp, hộ sản xuất các sản phẩm OCOP Quảng Nam, cơ sở làng nghề, sản phẩm công nghiệp tiêu biểu của tỉnh, đồng thời là phương tiện truyền thông hiệu quả đưa thương hiệu sản phẩm đến gần hơn với người tiêu dùng.

Sàn thương mại điện tử Quảng Nam sẽ là nơi giới thiêu hàng hóa Quảng Nam như sản phẩm OCOP, cơ sở làng nghề, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu...
Sàn thương mại điện tử Quảng Nam sẽ là nơi giới thiêu hàng hóa Quảng Nam như sản phẩm OCOP, cơ sở làng nghề, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu...

Hiện tại, Sở Công Thương đã xây dựng đề án nâng cấp, vận hành sàn thương mại điện tử Quảng Nam và đã được UBND tỉnh thống nhất chủ trương cho phép triển khai thực hiện.

Ông Đặng Bá Dự - Giám đốc Sở Công Thương Quảng Nam khẳng định, phát triển thương mại điện tử là yêu cầu tất yếu trong nền kinh tế số. Để làm được điều này chuyển đổi nhận thức và thói quen tiêu dùng rất quan trọng, dù vậy thời gian qua việc tuyên truyền, thay đổi nhận thức trong dân chưa nhiều.

“Tại một số nước, bây giờ người dân ra đường chỉ sợ điện thoại hết pin chứ không phải sợ hết tiền, vì hầu hết giao dịch thương mại của họ đều trực tuyến, qua đó để thấy rằng TMĐT đã là xu hướng mà chúng ta phải tính tới trong hoạt động kinh doanh và xúc tiến thương mại” - ông Dự nói.  

VĨNH LỘC