Linh hoạt điều hành tín dụng

NGUYỄN QUANG 14/06/2021 05:59

Trước tác động xấu của dịch bệnh Covid-19, một mặt ngành ngân hàng trên địa bàn tỉnh nỗ lực đưa vốn vào nền kinh tế, mặt khác linh hoạt, thận trọng trong quản lý, điều hành tín dụng.

Vietcombank chi nhánh Quảng Nam hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vay vốn với lãi suất khá thấp. Ảnh: VIỆT NGUYỄN
Vietcombank chi nhánh Quảng Nam hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vay vốn với lãi suất khá thấp. Ảnh: VIỆT NGUYỄN

Kích cầu tín dụng

Đến nay, lãi suất huy động được điều chỉnh giảm tại hầu hết ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh, tuy nhiên nguồn vốn huy động trong tháng 5 tăng trưởng tương đối tốt. Cụ thể, nguồn vốn huy động đạt gần 63.961 tỷ đồng, tăng 1,83% so với tháng trước và tăng 1,56% so với đầu năm. Ngành ngân hàng Quảng Nam tiếp tục đồng hành, hỗ trợ khách hàng khắc phục khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Đến nay, các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho 7.267 khách hàng với hơn 12.389 tỷ đồng, doanh số cho vay mới phát sinh từ ngày 23.1.2020 đạt hơn 36.241 tỷ đồng, trong đó doanh số cho vay doanh nghiệp chiếm 73,13%, doanh số cho vay cá nhân chiếm 26,78%.

Các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đang tích cực thực hiện các giải pháp kích cầu tín dụng, triển khai nhiều gói tín dụng ưu đãi để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tiếp cận vốn vay phục hồi sản xuất kinh doanh.

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Nam, đến cuối tháng 5, dư nợ cho vay trên địa bàn đạt gần 78.112 tỷ đồng, tăng 0,79% so với tháng trước.

Trong đó, tín dụng ngắn hạn tăng 1,05% so với tháng trước, chiếm tỷ trọng 47,75% tổng dư nợ; tín dụng trung, dài hạn tăng 0,56% so với tháng trước, chiếm 52,25% trong tổng dư nợ.

Ông Võ Văn Đức - Giám đốc Vietcombank chi nhánh Quảng Nam cho biết, ngân hàng vẫn tập trung vào phân khúc khách hàng sản xuất, kinh doanh ô tô, xây dựng, may mặc... Giải pháp của ngân hàng thương mại là tiếp tục đẩy mạnh triển khai các chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp trên địa bàn với nhiều giải pháp hỗ trợ trực tiếp như tăng cường cho vay mới, cơ cấu lại nợ vay, giảm lãi suất cho vay, đa dạng hóa các sản phẩm tín dụng, xây dựng các chương trình tín dụng cụ thể hỗ trợ doanh nghiệp với lãi suất hợp lý; quy trình, thủ tục thuận tiện, minh bạch. Đây là một trong những ngân hàng đi đầu trong tập trung vào chuyển đổi số hóa toàn diện mọi hoạt động từ kinh doanh, vận hành, quản trị.

Trong khi đó, HDBank chi nhánh Quảng Nam đang tập trung cho vay khách hàng ở các lĩnh vực tài chính, bán lẻ, bảo hiểm... Theo ông Huỳnh Kim Phố - Giám đốc HDBank chi nhánh Quảng Nam, ngân hàng kích cầu tín dụng, đồng thời hỗ trợ khách hàng theo các thông tư của Ngân hàng Nhà nước, đang triển khai hàng loạt giải pháp miễn, giảm phí, lãi suất…

Bên cạnh đó là các gói ưu đãi tín dụng có tổng giá trị hàng chục nghìn tỷ đồng, đồng hành cho nhiều mục đích vay phục vụ khách hàng doanh nghiệp, doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ, hộ kinh doanh cá thể, khách hàng cá nhân; tiếp sức doanh nghiệp, người dân khắc phục thiệt hại do dịch bệnh và tiếp tục ổn định tình hình sản xuất, kinh doanh. Mới nhất, HDBank đã dành 34.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi, thực hiện cơ cấu nợ, giãn nợ nhằm hỗ trợ khách hàng tái sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế.

Linh hoạt, thận trọng

Đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh có 2 tổ chức tín dụng có tỷ lệ nợ xấu/ dư nợ ở mức quá 3%. Kích cầu tín dụng để tăng trưởng dư nợ, các ngân hàng vừa linh hoạt vừa thận trọng trong xét duyệt khách hàng được vay vốn.

Ông Võ Văn Đức cho biết, đơn vị tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ, kiểm soát rủi ro chặt chẽ, khai thác sâu các khách hàng. Một mặt, ngân hàng giảm lãi suất cho vay, mặt khác lại lựa chọn kỹ khách hàng, ưu tiên những phương án vay vốn làm ăn bài bản của khách hàng. Nhờ vậy, đến nay, Vietcombank chi nhánh Quảng Nam có tỷ lệ nợ xấu thấp, quản trị rủi ro tốt.

Trong bối cảnh làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 đang bùng phát tại nhiều địa phương, không ít ý kiến đề nghị nên nới lỏng thêm chính sách tiền tệ để hỗ trợ tăng trưởng cho khách hàng là doanh nghiệp, người dân.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia ngành tài chính, việc nới lỏng chính sách tiền tệ rất khó thực hiện trong bối cảnh áp lực lạm phát đang ngày càng lớn khi mà giá nhiều mặt hàng nguyên vật liệu như xăng dầu, sắt thép, thức ăn chăn nuôi… liên tục tăng trong thời gian gần đây.

Ông Phạm Trọng - Phó Giám đốc phụ trách Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Nam cho biết, cùng với tăng dư nợ tín dụng thì giảm thiểu rủi ro cho vay, hạn chế nợ xấu là ưu tiên hàng đầu trong chỉ đạo, điều hành của hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh.

Theo ông Phạm Trọng, hiện nay nhiều ngân hàng giảm lãi suất cho vay nhưng doanh nghiệp, nền kinh tế nói chung có hấp thụ được dòng vốn giá rẻ hay không còn phụ thuộc vào sự hồi phục của nền kinh tế, hồi phục chuỗi cung ứng hàng hóa trong và ngoài nước.

Cũng phải kể đến tốc độ triển khai tiêm chủng vắc xin phòng dịch bệnh Covid-19. Từ trung ương đến địa phương, chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước và thực hiện của các chi nhánh ngân hàng thương mại đều rất thận trọng trong nới lỏng chính sách tiền tệ trong thời gian tới.

NGUYỄN QUANG