Kiểm soát chặt tín dụng bất động sản

NGUYỄN QUANG 25/05/2021 06:29

Sau thời gian dài đóng băng, thị trường nhà đất đang nóng lên, tuy nhiên nguồn vốn vay cho lĩnh vực này đang được siết chặt quản lý do lo ngại nguy cơ rủi ro.

BIDV chi nhánh Quảng Nam đang tập trung các giải pháp để hạn chế dòng tiền đổ vào bất động sản. Ảnh: VIỆT NGUYỄN
BIDV chi nhánh Quảng Nam đang tập trung các giải pháp để hạn chế dòng tiền đổ vào bất động sản. Ảnh: VIỆT NGUYỄN

Không mặn mà cho vay

Mặc dù ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 nhưng nhiều trang mạng xã hội, các dự án mua bán đất đai vẫn nhộn nhịp ở khắp các địa phương như thị xã Điện Bàn, TP.Hội An, Duy Xuyên, Thăng Bình, TP.Tam Kỳ, Núi Thành, nhất là các dự án ven sông Cổ Cò hay tiếp giáp vịnh An Hòa.

Theo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Nam, năm nay, Ngân hàng Nhà nước phân bổ chỉ tiêu tín dụng trên cơ sở ưu tiên các tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay, tham gia hỗ trợ khách hàng. Trong quá trình điều hành, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục xem xét điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đối với các ngân hàng trên cơ sở đánh giá tình hình hoạt động, năng lực quản trị, khả năng tăng trưởng tín dụng lành mạnh…

Bà Vũ Thị Tố Nga - Phó Giám đốc BIDV chi nhánh Quảng Nam cho biết, tín dụng bất động sản của ngân hàng thương mại chỉ mới ở mức 5% tổng dư nợ. Trong đó, chủ yếu là các dự án vay vốn xây mới hoặc sửa chữa nhà ở. Ngân hàng không mặn mà cho vay lĩnh vực bất động sản như khu nghỉ dưỡng, khách sạn vì tiềm ẩn rủi ro.

“Dù là cho vay cá nhân hay tổ chức, chúng tôi ưu tiên tính toán độ an toàn trên hết, hạn chế nợ xấu nên không mặn mà cho vay lĩnh vực bất động sản. Đối với các dựa án nhà ở, để vay được vốn, khách hàng phải có tài sản đảm bảo và dự lường trả nợ qua lương, thu nhập nói chung, dễ kiểm soát” - bà Nga cho biết.

Ông Phạm Trọng - Phó Giám đốc phụ trách Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Nam cho biết, tính đến cuối tháng 4, dư nợ cho vay của các tổ chức tín dụng trên địa bàn đạt 79.650 tỷ đồng (tăng 1,92% so với tháng trước, tăng 1,71% so với đầu năm).

Lĩnh vực bất động sản chỉ có dư nợ 10%, trong số đó, tập trung chủ yếu vào địa hạt nhà ở. Tín dụng bất động sản chưa thể đáng lo vì đang được Ngân hàng Nhà nước cũng như các ngân hàng thương mại kiểm soát chặt chẽ, loại bỏ các dấu hiệu tăng trưởng nóng dù cho bất động sản đang nóng lên.

Tuy vậy, tín dụng bất động sản tại Quảng Nam đang gặp khó do các dự án cho vay đầu tư khách sạn, khu nghỉ dưỡng, homestay... trước đây. Kể từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát 4 đợt đến nay, các hoạt động du lịch, dịch vụ hoạt động cầm chừng nên hầu hết khách hàng không có đủ nguồn thu để trả nợ ngân hàng khi đến hạn.

Bởi vậy, không ít ngân hàng thương mại có chi nhánh hay phòng giao dịch ở TP.Hội An, thị xã Điện Bàn... lâm vào cảnh nợ xấu tăng lên. Nhiều ngân hàng thương mại đang triển khai Thông tư 03 của Ngân hàng Nhà nước để khoanh nợ, giãn nợ, cơ cấu lại nợ vay, giảm lãi suất cho vay đối với nhóm khách hàng nói trên.

Siết chặt quản lý

Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Nam yêu cầu các tổ chức tín dụng hạn chế tập trung tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản xây dựng; thường xuyên rà soát, đánh giá và theo dõi tiến độ của các dự án bất động sản, năng lực tài chính của khách hàng, khoản tín dụng và tài sản đảm bảo để có biện pháp xử lý thích hợp.

Thực hiện nội dung này, các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh cho biết, tín dụng bất động sản tiềm ẩn không ít rủi ro nên đang chú trọng kiểm soát chặt theo các quy trình, quy định của hệ thống, nhất là đánh giá kỹ hồ sơ pháp lý, các điều kiện tín dụng, không thực hiện cho vay đầu cơ kinh doanh đất đai.

Bà Vũ Thị Tố Nga cho rằng, bài học bong bóng bất động sản tại Quảng Nam nói riêng, cả nước nói chung còn đó nên không thể không ưu tiên các giải pháp đảm bảo an toàn tín dụng, hạn chế nợ quá hạn, nợ xấu bằng cảnh giác cao độ với tín dụng bất động sản.

Ông Phạm Trọng cho biết, về điều hành tín dụng thời gian tới, sẽ bám sát diễn biến các ngành kinh tế, tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh, nhất là chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước. Tín dụng sẽ tăng trưởng theo hướng mở rộng, tập trung cho vay đối với các  lĩnh vực ưu tiên như xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp vừa và nhỏ, nông nghiệp, nông thôn. Cùng với đó là ưu tiên bơm vốn ra thị trường để đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế.

Hiện tại, nhu cầu nhà ở trên địa bàn tỉnh rất cao. Bởi vậy, các ngân hàng cần tập trung nguồn vốn tín dụng đầu tư vào các dự án nhà ở xã hội, các dự án nhà ở thương mại, kỳ vọng sẽ đem lại hiệu quả cao, đáp ứng tốt nhu cầu thiết thực của người dân.

NGUYỄN QUANG