Thăng Bình khuyến khích phát triển sản phẩm OCOP
Huyện Thăng Bình hiện có 1 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn vùng nguyên liệu VietGAP và 6 sản phẩm có liên kết trong sản xuất, cùng 8 sản phẩm có đăng ký bảo hộ nhãn hiệu và 3 sản phẩm đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp.
Các sản phẩm này đều có truy xuất nguồn gốc, đa dạng loại hình sản phẩm nông sản, nông sản chế biến, thủ công mỹ nghệ… Ông Ngô Văn Toàn - cán bộ phụ trách chương trình OCOP Phòng NN&PTNT huyện Thăng Bình cho biết, chương trình đã tác động mạnh đến các chủ thể, giúp họ nhận thức rõ tầm quan trọng của việc nâng cao chất lượng sản phẩm.
Bà Đặng Thị Hương - chủ cơ sở sản xuất phở khô Hương Huệ (thôn Vinh Đông, xã Bình Trị) cho biết, khi tham gia chương trình OCOP bà khá lúng túng trong xây dựng sản phẩm, triển khai phương án kinh doanh.
Nhờ nỗ lực của bản thân và sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng, đến nay sản phẩm đã được người tiêu dùng đón nhận, có mặt ở các siêu thị Co.opMart Tam Kỳ, Big C Đà Nẵng. Để sản phẩm có được chỗ đứng trên thị trường, bà Hương cũng như các chủ thể OCOP khác của Thăng Bình đã chú trọng xúc tiến thương mại, kết nối thị trường, quảng bá sản phẩm, khẳng định thương hiệu, vị thế của sản phẩm.
Huyện Thăng Bình đang đặt ra nhiều mục tiêu để phát triển chương trình OCOP, trong đó củng cố, phát triển sản phẩm đã có như yến sào Đất Quảng, tinh bột nghệ Tabitha, dầu tràm Linh Vũ, tinh dầu sả Hoàng Kim, nước mắm Cửa Khe.
Huyện phấn đấu đến cuối năm 2025 có ít nhất 50 sản phẩm đạt 3 sao trở lên, trong đó khoảng 16 sản phẩm 4 sao, 4 sản phẩm đạt 5 sao vươn ra thị trường ngoài nước. Thăng Bình đang mời gọi các doanh nghiệp tham gia chương trình OCOP để tận dụng nguồn lực, năng lực, tạo cạnh tranh lành mạnh, lan tỏa xu thế chiếm lĩnh thị trường bằng chất lượng sản phẩm.
Theo Ban điều hành Chương trình OCOP huyện Thăng Bình, ưu tiên trong thời gian đến là hướng dẫn, hỗ trợ các chủ thể sản xuất, chế biến sản phẩm hữu cơ và các tiêu chuẩn GMP, HACCP, ISO... Huyện đã ban hành nhiều cơ chế khuyến khích, hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP như liên kết sản xuất theo chuỗi, truy xuất nguồn gốc, công bố chất lượng sản phẩm, kiểm nghiệm chỉ tiêu an toàn thực phẩm, thiết kế bao bì, nhãn mác, nhất là xây dựng “câu chuyện sản phẩm” để tạo niềm tin từ người tiêu dùng.