Cần chuyên nghiệp trong quản lý an toàn thực phẩm

VIỆT NGUYỄN - LÊ QUÂN 24/04/2021 06:02

Thực phẩm bẩn không chỉ gây mất an toàn cho người tiêu dùng mà còn ảnh hưởng xấu đến sản xuất, kinh doanh, thị trường. Để chấn chỉnh nạn thực phẩm bẩn, rất cần thay đổi hành vi, hướng đến tính chuyên nghiệp, quy củ của người sản xuất, kinh doanh cũng như sự vào cuộc thực sự hiệu quả của các ngành chức năng, các địa phương.

An toàn thực phẩm luôn là yêu cầu quan trọng hàng đầu trong chu trình sản xuất sản phẩm OCOP. Ảnh: XUÂN HIỀN
An toàn thực phẩm luôn là yêu cầu quan trọng hàng đầu trong chu trình sản xuất sản phẩm OCOP. Ảnh: XUÂN HIỀN

ĐE DỌA TỪ THỰC PHẨM BẨN

Thị trường nội địa đang là điểm tựa cho sản xuất, kinh doanh trong nước khi dịch bệnh Covid-19 chưa thể kiểm soát hoàn toàn. Vì vậy, thực phẩm bẩn là mối đe dọa lớn của thị trường này.

Hồi chuông báo động 

Ngay giữa trung tâm thị trấn Tiên Kỳ (Tiên Phước), lò bánh mỳ Bảo Thiên (39 Huỳnh Thúc Kháng) lại mắc rất nhiều sai phạm trong sản xuất, kinh doanh các loại bánh mỳ, bánh mặn, bánh ngọt, bánh kem.

Ngày 19.4, khi đoàn thanh tra liên ngành về an toàn thực phẩm (ATTP) do Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản (Sở NN&PTNT) chủ trì đến kiểm tra thì phát hiện cơ sở trên bán các loại bánh đang ôi thiu, thậm chí dòi bọ lổn ngổn. 

Khi đi vào bên trong lò bành mỳ Bảo Thiên, cảnh tượng bày ra hết sức nhếch nhác. Các loại nguyên liệu làm bánh như kem, xúc xích, bột, phụ gia, men, mè, mứt, dăm bông không được che đậy, bày biện lộn xộn trên nền gạch dơ bẩn.

Đáng nói hơn, nguyên liệu không có tem nhãn, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có hạn sử dụng. Không gian sản xuất các loại bánh nằm sát ngay khu vực vệ sinh, thậm chí các loại thiết bị, dụng cụ làm bánh nằm lăn lóc trong nhà vệ sinh.

Đáng báo động về điều kiện thực hành sản xuất của lò bánh mỳ Bảo Thiên khi nền nhà có nhiều rác rưởi, giẻ lau, tường nhà ẩm mốc, các loại máy sấy bột, vỉ, khay đựng bánh bị hoen rỉ lâu ngày.

Thực phẩm bẩn đang là nỗi nhức nhối hiện nay. Ảnh: VIỆT NGUYỄN
Thực phẩm bẩn đang là nỗi nhức nhối hiện nay. Ảnh: VIỆT NGUYỄN

Khi ngành chức năng đề nghị xuất trình các giấy tờ, chủ cơ sở chỉ có giấy đăng ký kinh doanh, không có giấy khám sức khỏe định kỳ, không có giấy cam kết đảm bảo ATTP.

Ngay cả bảo hộ lao động cũng không có, chủ cơ sở cho biết vì trời nắng nóng oi bức nên... cởi trần khi làm bánh. Nguồn nước dùng để chế biến thực phẩm của lò bánh mỳ trên chưa hề được lấu mẫu xét nghiệm.

Với hàng loạt sai phạm nói trên, ngành chức năng buộc chủ lò bánh mỳ Bảo Thiên phải tiêu hủy các sản phẩm bẩn và đình chỉ hoạt động cho đến khi khắc phục xong các sai phạm.

Khảo sát của chúng tôi ở chợ Tam Kỳ, chợ Nam Phước (Duy Xuyên), rất dễ nhận thấy các loại thịt, nội tạng bày bán tràn lan mà không đảm bảo các quy định ATTP.

Thực phẩm tươi sống bày bán la liệt mà không có tủ bảo quản. Tình trạng thực phẩm đã nấu chín bày bán cạnh thực phẩm tươi sống phổ biến với nhiều quầy hàng. Thực phẩm nhiều chủng loại nhưng không kiểm soát về nguồn gốc, chất lượng, nhiều mặt hàng thực phẩm nông sản tươi sống không có bao bì, tem nhãn.

Theo ông Trần Bốn - Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do sự thiếu hiểu biết các quy định về ATTP của ban quản lý chợ và các hộ kinh doanh. Thói quen tiêu dùng dễ dãi của người dân cũng đã vô tình tiếp tay cho kinh doanh thực phẩm không an toàn.

Bất cập quản lý

Mỗi năm, các ngành chức năng phối hợp với các địa phương trên địa bàn tỉnh triển khai 3 đợt thanh tra, kiểm tra ATTP là dịp tết Nguyên đán và mùa lễ hội, Tháng hành động vì ATTP và dịp tết trung thu. Không ít lần, việc thanh tra, kiểm tra được thực hiện theo kiểu đến hẹn lại lên, nhiều khi đoàn kiểm tra yêu cầu cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm tiêu hủy thực phẩm bẩn nhưng lại không giám sát.

Không ít lần trong biên bản làm việc, cơ quan chức năng bỏ qua các lỗi như không có nhãn phụ khi kinh doanh thực phẩm nhập khẩu; bán thực phẩm không có bao bì, nhãn mác hay hạn sử dụng. Tuy nhiên có những trường hợp cơ quan chức năng cho rằng vì cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm quá nhỏ, manh mún không đủ tiền nộp phạt nên đã không lấy mẫu xét nghiệm vì khi có kết quả bắt buộc phải phạt nặng, lên đến hơn 70 triệu đồng.

Nhiều ý kiến cho rằng, sự nương nhẹ của ngành chức năng đã vô hình trung khiến cho đích đến chuyên nghiệp hóa ngành sản xuất, kinh doanh thực phẩm tại Quảng Nam còn quá xa.

Ở phạm vi cấp huyện, thị xã, thành phố, không có thanh tra chuyên ngành ATTP nên việc kiểm tra, thanh tra, xử lý các sai phạm phụ thuộc vào các ngành chức năng của tỉnh là Sở Y tế, Sở Công Thương và Sở NN&PTNT. Trong khi đó, ở cấp xã, cán bộ phần lớn chưa được đào tạo về chuyên môn, khó khăn cho công tác theo dõi, quản lý ATTP. Việc kiểm tra, xử lý các vi phạm về ATTP ở các xã, thị trấn chỉ mới dừng lại ở nhắc nhở, không có xử lý vi phạm hành chính nên tính răn đe chưa cao.

Theo Ban chỉ đạo liên ngành ATTP huyện Tiên Phước, hầu hết cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn nhỏ lẻ, hộ gia đình nên rất khó đầu tư cơ sở vật chất đạt chuẩn để được chứng nhận đủ điều kiện ATTP. Doanh thu của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm đạt thấp nên chủ cơ sở ít quan tâm đến việc thẩm định, xét nghiệm mẫu nước.

Việc ký cam kết đảm bảo ATTP đối với cơ sở nhỏ lẻ do cấp xã quản lý triển khai còn chậm, công tác bồi dưỡng, tập huấn cho lực lượng làm công tác này còn thiếu và yếu, điều kiện về trang bị kỹ thuật, cơ sở vật chất phân tích, xét nghiệm để phục vụ công tác quản lý chưa có.

Ông Phùng Văn Huy - Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước đề xuất các cơ quan chức năng của tỉnh hỗ trợ địa phương đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ thanh tra, kiểm tra ATTP cũng như hỗ trợ các bộ test và thường xuyên tổ chức tập huấn hướng dẫn cho cán bộ xét nghiệm của huyện thực hiện chính xác các test nhanh xét nghiệm về ATTP.

ĐÁP ỨNG XU HƯỚNG TIÊU DÙNG SẠCH

Càng ngày người tiêu dùng càng có xu hướng sử dụng sản phẩm sạch. Vì vậy nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh đã rất chú trọng đảm bảo các tiêu chuẩn về ATTP.

Cơ sở sản xuất phù chúc Trần Bảo Thắng. Ảnh: VIỆT NGUYỄN
Cơ sở sản xuất phù chúc Trần Bảo Thắng. Ảnh: VIỆT NGUYỄN

Mỗi tháng, Cơ sở sản xuất phù chúc Trần Bảo Thắng (thôn Phú Vinh, xã Tiên Hà, Tiên Phước) cung cấp ra thị trường hơn 2 tấn thực phẩm chay. Để được thị trường Quảng Nam, Đà Nẵng, các tỉnh lân cận đón nhận, anh Thắng đã chú trọng sản xuất phù chúc sạch.

Theo đó, quy trình sản xuất sạch được triển khai đồng bộ nhiều bước. Đậu nành sạch được ngâm, tách vỏ, xay rồi vắt tinh chất, sau đó tinh chất được nấu chín thành sữa và cho vào chảo qua hệ thống làm nóng để đóng váng rồi đem phơi thành phù chúc, xong đóng gói, bảo quản. Phù chúc được anh Thắng bán ra thị trường với giá 80 nghìn đồng/kg.

“Tôi học nghề ở TP.Đà Nẵng, đầu tư từng bước để làm phù chúc. Thành quả lớn nhất đến nay là tạo việc làm cho hơn 5 lao động địa phương. Tôi dự định sẽ tập hợp thêm các thanh niên khởi nghiệp trên địa bàn để thành lập hợp tác xã kiểu mới, mở rộng quy mô sản xuất phù chúc. Tôi tìm cách xây dựng vùng trồng đậu nành để vừa chủ động nguồn nguyên liệu vừa tạo mô hình canh tác nông nghiệp sạch cho quê hương” - anh Thắng nói. 

Ngoài chế biến thực phẩm sạch, trên địa bàn tỉnh đã có nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp sạch, nhất là canh tác rau quả hữu cơ, VietGAP ở Hội An, Thăng Bình... Bà Hoàng Thị Hoa (khối phố Thanh Đông, phường Cẩm Châu, TP.Hội An) cho biết, các loại rau hữu cơ gồm dền, muống, rau lang, cải bẹ, hành, ngò, dưa leo, xà lách, diếp cá... đem lại năng suất, sản lượng không cao nhưng bù lại bán được giá vì khách hàng chuộng thực phẩm sạch.

“Sau khi chọn giống rau quả chất lượng, chúng tôi canh tác đúng quy trình kỹ thuật. Bón phân hữu cơ vi sinh khiến đất tơi xốp, cây sinh trưởng tốt, lớn nhanh, rút ngắn thời gian thu hoạch, thu được lại lợi nhuận khá cao” - bà Hoa nói.

Do yêu cầu của thị trường ngày càng khắt khe nên để tồn tại, các hợp tác xã trên địa bàn tỉnh đã chú trọng tạo thực phẩm sạch, từng bước truy xuất nguồn gốc xuất xứ.

Theo ông Phạm Viết Tích - Giám đốc Sở NN&PTNT, con đường tốt để tạo ra thực phẩm sạch là xây dựng chuỗi liên kết, khép kín các khâu từ sản xuất, bảo quản, chế biến, đưa ra thị trường tiêu thụ. Thành quả mang lại là giảm chi phí, tiết kiệm công sức, ổn định đầu ra, nhất là mang lại giá trị kinh tế cao, lan tỏa thực phẩm sạch. 

AN TOÀN CHO SẢN PHẨM OCOP

Trong chu trình sản xuất sản phẩm OCOP - chương trình mỗi xã một sản phẩm, ATTP luôn là yêu cầu quan trọng hàng đầu. 

CHỊ Võ Thị Minh Nga - Giám đốc Công ty TNHH Phương Nga (thị trấn Tân An, Hiệp Đức) với sản phẩm tinh bột nghệ đạt 3 sao OCOP cấp tỉnh chia sẻ, từ nguyên liệu đầu vào, khâu sơ chế, xử lý ban đầu cho đến quá trình sản xuất phải luôn đảm bảo nghiêm ngặt các tiêu chí ATTP.

Mục tiêu của OCOP là phát triển sản phẩm chế biến sâu từ nguyên liệu bản địa, do đó, cơ sở chị đặc biệt lựa chọn vùng nguyên liệu sạch.  Đây cũng chính là các chỉ số được yêu cầu khi thực hiện bộ hồ sơ xếp hạng sản phẩm OCOP đối với các cá nhân, doanh nghiệp

Ở nhóm đồ uống có cồn, các chủ thể OCOP muốn sản phẩm được lưu hành thị trường buộc phải qua khâu kiểm định, chứng nhận. Chủ cơ sở sản xuất kinh doanh rượu đẳng sâm Đức Huy (Tây Giang) cho biết, doanh nghiệp phải đến Cục An toàn vệ sinh thực phẩm để làm thủ tục kiểm định chất lượng sản phẩm, trong đó, khâu ATTP là điều phải đảm bảo đầu tiên.

Tương tự, các chủ thể sản xuất sản phẩm của nhóm ngành thực phẩm đều phải đạt các tiêu chí về ATTP mới được công bố hoặc tự công bố chất lượng sản phẩm đảm bảo quy định pháp luật, đăng ký chứng nhận và bảo hộ, phát triển thương hiệu…

“Hiện nay, Quảng Nam đã tổ chức nhiều lớp tập huấn về các chỉ tiêu ATTP đối với từng nhóm ngành. Trong đó, riêng với nhóm ngành thực phẩm, hầu hết chủ thể OCOP phải nắm được sản phẩm của họ cần phân tích bao nhiêu chỉ tiêu ATTP mới đảm bảo quy định, giới hạn cho phép đối với các chỉ tiêu này là bao nhiêu...” - ông Nguyễn Phi Hồng - Chi cục Phát triển Nông thôn tỉnh nói.

Ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PNT cho biết, ngành nông nghiệp đặc biệt tổ chức các đợt thanh tra, giám sát việc sử dụng chất cấm trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, giảm thiểu ô nhiễm sinh học, tạp chất và tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, hóa chất, kháng sinh trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm đáp ứng yêu cầu bảo đảm ATTP cho tiêu dùng trong tỉnh.

Để đảm bảo tính quy củ và hướng đến mục tiêu phát triển bền vững cho các sản phẩm OCOP, tỉnh đã xây dựng bộ nhận diện nhãn hiệu OCOP Quảng Nam, ban hành chu trình chuẩn OCOP và Bộ tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP Quảng Nam. Riêng với sản phẩm thực phẩm, đồ uống, thảo dược, các mặt hàng nông, lâm, thuỷ sản phải chấp hành các quy định của Luật ATTP, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hoá và đáp ứng các tiêu chuẩn chung đối với phụ gia thực phẩm... 

Nhiều chính sách hỗ trợ phát triển ATTP trong sản xuất ban đầu được chủ thể OCOP tiếp cận như hỗ trợ sản xuất tập trung, xây dựng nhà màng, nhà lưới, nhà kính, các trang thiết bị bảo quản nông sản, mua tem truy xuất nguồn gốc…

VÀO CUỘC ĐỒNG BỘ

ATTP không chỉ liên quan đến sức khỏe người dân, chất lượng cuộc sống mà còn là thước đo phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Bởi vậy, các ngành chức năng của tỉnh đang vào cuộc đồng bộ để ngăn chặn thực phẩm không an toàn.

Các ngành chức năng chung tay vào cuộc, hành động vì ATTP. Ảnh: VIỆT NGUYỄN
Các ngành chức năng chung tay vào cuộc, hành động vì ATTP. Ảnh: VIỆT NGUYỄN

Chuyển biến nhưng đáng lo

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân cho rằng, công tác bảo đảm ATTP trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua đã nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cả hệ thống chính trị, tạo được sự chuyển biến rõ rệt, tích cực, đạt được những thành tích quan trọng. Công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về ATTP được tăng cường ở tất cả các tuyến.

Công tác thông tin, tuyên truyền được đẩy mạnh góp phần nâng cao nhận thức, chuyển biến hành động trong cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân, thúc đẩy sản xuất thực phẩm sạch, an toàn. 

Tuy nhiên, nguy cơ mất ATTP vẫn còn hiện hữu. Việc kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm, đặc biệt là các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ trong khu dân cư vẫn tồn tại. Tỷ lệ mẫu thịt gia súc, gia cầm tại cơ sở giết mổ và kinh doanh nhiễm vi sinh vật vẫn ở mức khá cao.

Tình hình ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm, đặc biệt là ở các bếp ăn tập thể tại các khu công nghiệp, trường học vẫn còn nguy cơ cao. Việc kinh doanh, quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe vi phạm pháp luật, đặc biệt là trên mạng xã hội diễn biến phức tạp, khó quản lý, ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng, gây bức xúc dư luận xã hội.

Trong khi đó, dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, cần nâng cao cảnh giác, đồng thời, phải đảm bảo phát triển sản xuất, kinh doanh thực phẩm sạch trên địa bàn tỉnh.

“Để tăng cường hơn nữa vai trò, trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh, quảng cáo thực phẩm và nâng cao nhận thức, kiến thức của người tiêu dùng về bảo đảm ATTP, các cơ quan cần đẩy mạnh  thanh tra, kiểm tra về ATTP, tăng cường giám sát, hậu kiểm tại các địa phương. Cùng với đó, coi trọng thông tin, truyền thông chính xác, kịp thời, toàn diện các vấn đề liên quan đến ATTP nhằm đề cao vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong việc thực thi pháp luật về an toàn thực phẩm” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân nói.

Ông Phan Quang Dũng - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản cho rằng, để chấn chỉnh ATTP, trước mắt cần đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, hạ tầng, trang thiết bị tại các chợ, phục vụ tốt cho các hộ kinh doanh.

Cùng với đó, bố trí kinh phí cho việc tuyên truyền, mua sắm các trang thiết bị phục vụ cho việc kiểm tra, phân tích mẫu thực phẩm. Ngoài ra, cần xử phạt mạnh tay để răn đe, nâng cao trách nhiệm của người kinh doanh thực phẩm, ngăn chặn các mối nguy hiểm của thực phẩm không an toàn, bảo vệ sức khỏe cho người dân, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.

Giám sát ATTP

Ông Nguyễn Văn Văn - Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, thực trạng chung là các sản phẩm thực phẩm kém chất lượng, giả, nhái thường dễ sản xuất, chế biến và đem lại lợi nhuận cao nên dù đã tăng cường kiểm tra, xử lý nhưng nhiều cơ sở, doanh nghiệp vẫn tái diễn hoặc phát sinh vi phạm mới và chắc chắn không thể chấm dứt hoàn toàn vi phạm.

Bên cạnh đó, quy mô của các cơ sở, doanh nghiệp chế biến thực phẩm trên địa bàn tỉnh chủ yếu là nhỏ và vừa, hạn chế về thiết bị, công nghệ, kinh nghiệm, trình độ, chưa nắm bắt đầy đủ, chặt chẽ các quy định pháp luật về đảm bảo vệ sinh ATTP. 

Để xử lý bất cập trên, các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh phối hợp, kiểm soát công tác đảm bảo vệ sinh ATTP ngay từ khâu sản xuất nhằm hướng tới mục tiêu phát hiện và ngăn chặn kịp thời tình trạng vi phạm về ATTP.

Ban Chỉ đạo ATTP cấp tỉnh phải liên tục tổ chức các đợt thanh tra, kiểm tra định kỳ và đột xuất, kiểm nghiệm, giám sát hậu kiểm việc thực hiện các quy định của pháp luật về ATTP đối với các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm, kiên quyết xử lý hành vi vi phạm. 

Đối với chủ thể OCOP, ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, Quảng Nam đang tiếp tục tập trung cao các nguồn lực để xây dựng và tổ chức vùng sản xuất nông nghiệp tập trung.

Việc liên kết chuỗi giá trị, gắn với ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, hỗ trợ đầu tư sản xuất và áp dụng quy trình, tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt như (VietGAP, VietGAHP, GlobalGAP) và hệ thống quản lý chất lượng sản phẩm tiên tiến (GMP, ISO 22000, HACCP...) được áp dụng ban đầu nhằm tạo điều kiện xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm.

VIỆT NGUYỄN - LÊ QUÂN