Mở rộng sản xuất sản phẩm OCOP: Tính chuyện đường dài

TRÍ MINH 31/03/2021 08:27

Các sản phẩm của Chương trình Mỗi xã một sản phẩm - OCOP của Quảng Nam ngày càng đa dạng và nhận được nhiều phản hồi tích cực từ người tiêu dùng. Tuy nhiên, nhiều chủ thể còn gặp khó khi muốn mở rộng sản xuất do chưa chủ động xây dựng vùng nguyên liệu.

Sản phẩm OCOP Quảng Nam ngày càng được người tiêu dùng tin tưởng. Ảnh: X.H
Sản phẩm OCOP Quảng Nam ngày càng được người tiêu dùng tin tưởng. Ảnh: X.H

Bấp bênh nguyên liệu

Ông Phan Đình Tuấn - Chủ cơ sở sản xuất bánh dừa Bảo Linh (TP. Tam Kỳ), sản phẩm đã đạt OCOP 4 sao của Quảng Nam cho biết, nguyên liệu sản xuất gần như là điều khiến ông đau đầu nhất. “Có những lúc giá dừa tươi lên rất cao, nhưng chúng tôi không thể nào tăng giá thành sản phẩm, vì vậy đành chấp nhận bù lỗ” - ông Tuấn nói.

Dù Quảng Nam có rất nhiều vùng trồng dừa nhưng để thu mua được dừa tươi đáp ứng tiêu chí làm sản phẩm bánh dừa nướng, ông Tuấn phải vào Bình Định và một số vùng khác để thu mua thêm và hoàn toàn phụ thuộc vào giá thương lái đưa ra.

Chọn lấy ưu thế từ nguồn nguyên liệu địa phương và phát triển nên các sản phẩm có giá trị, mang bản sắc của vùng đất là một trong những thành công của Chương trình OCOP Quảng Nam. Tuy nhiên, trong cuộc gặp gỡ mới đây giữa các chủ thể OCOP và lãnh đạo tỉnh, nhiều doanh nghiệp cho biết, các khó khăn về vốn hay quản trị doanh nghiệp họ có thể vượt qua được, nhưng vùng nguyên liệu sản xuất là điều khó khắc phục nhất hiện nay. 

“Ở các tỉnh bạn đã xây dựng vùng nguyên liệu để hỗ trợ doanh nghiệp OCOP, bởi khi hình thành nên thương hiệu của nguyên liệu sẽ giúp định danh được sản phẩm làm từ vùng nguyên liệu đó. Do đó, chính sách của tỉnh lẫn ngành nông nghiệp tỉnh nếu được nên hình thành vùng nguyên liệu đặc trưng” - một chủ thể OCOP tại Quế Sơn chia sẻ. 

Nông dân công nghiệp

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho biết, trong cơ chế khuyến khích phát triển sản phẩm nông nghiệp, Quảng Nam đã tính toán đến xây dựng vùng nguyên liệu. Khi xác định được vùng nguyên liệu nằm ở đâu, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh gợi ý, chủ thể OCOP nên đề nghị với chính quyền địa phương cho thuê diện tích đất do nhà nước quản lý để mở rộng vùng nguyên liệu hoặc thực hiện theo cơ chế liên kết sản xuất vùng nguyên liệu.

“Tức là doanh nghiệp OCOP sẽ làm việc với bà con nhân dân tại những khu vực phù hợp phát triển vùng nguyên liệu, sau đó xây dựng phương án về liên kết với người dân đang canh tác trên những mảnh đất đó, làm việc với chính quyền để thuê đất của bà con nông dân. Đối với địa phương, nếu sau khi thẩm định doanh nghiệp OCOP đủ điều kiện xây dựng vùng nguyên liệu thì đề nghị người dân giao đất cho doanh nghiệp chủ động mở rộng vùng nguyên liệu. Đào tạo cho người dân làm việc ngay trên mảnh đất của người dân. Quảng Nam muốn biến những nông dân Quảng Nam trở thành nông dân công nghiệp” - Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nói. 

Chuyển đổi diện tích vùng trồng keo, rà soát lại khu vực trồng keo trên địa bàn tỉnh cũng là điều ngành nông nghiệp Quảng Nam đang tính toán. Hiện nay cây keo Quảng Nam đang trồng là cây gỗ nhỏ, chỉ khoảng 4 - 5 năm thì thu hoạch, không có tính bền vững. Do đó Quảng Nam đang rà soát lại các vùng trồng keo và yêu cầu các địa phương thực hiện trồng rừng gỗ lớn gắn với chứng chỉ trồng rừng bền vững.

Ông Lê Trí Thanh cho biết thêm, UBND tỉnh đang nghiên cứu và sắp tới sẽ trình HĐND xem xét ban hành nghị quyết về phát triển kinh tế vườn và kinh tế trang trại, trong đó ưu tiên các loại cây ăn trái, cây dài ngày kết hợp với chăn nuôi để chuyển đổi diện tích trồng keo, tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp cùng tham gia lĩnh vực này.

Trong khi đó, tại miền núi, theo nhận định của Trung tâm Nghiên cứu phát triển lâm sản ngoài gỗ, thực trạng khai thác chế biến và bảo quản các loại lâm sản ngoài gỗ của Quảng Nam còn khá mờ nhạt. Toàn tỉnh hiện chỉ có 10 doanh nghiệp tham gia khâu chế biến nguyên liệu tre trúc; một số ít làng nghề, HTX cùng một số cơ sở chế biến và kinh doanh cây thuốc. Các cơ sở này lại làm việc theo phương pháp thủ công là chủ yếu, quy mô nhỏ, không gắn với vùng nguyên liệu ổn định, công nghệ và thiết bị lạc hậu. Chất lượng sản phẩm thấp, mẫu mã bao bì còn hạn chế nên tính cạnh tranh trên thị trường chưa cao. Đây chính là những điều cần các chủ thể OCOP cải thiện để tiếp tục đi đường dài với chương trình này.

TRÍ MINH