Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

QUANG VIỆT 15/03/2021 07:19

Để thực hiện tốt công tác bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, các ngành chức năng của tỉnh cần chú trọng hơn nữa công tác tuyên truyền, nhất là ra quân thanh tra, kiểm tra, ổn định thị trường.

Ngành chức năng kiểm tra, kiểm soát thị trường để bảo vệ người tiêu dùng. Ảnh: VIỆT NGUYỄN
Ngành chức năng kiểm tra, kiểm soát thị trường để bảo vệ người tiêu dùng. Ảnh: VIỆT NGUYỄN

Nhiều khoảng trống

Dù Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ra đời đã hơn 10 năm, các cơ quan của tỉnh tuyên truyền, tổ chức thực hiện đã lâu, nhưng tình trạng người tiêu dùng bị xâm phạm những quyền lợi cơ bản vẫn diễn ra thường xuyên. Có thể thấy, không ít người dân vẫn chưa quan tâm, tìm hiểu để bảo vệ các quyền lợi chính đáng của mình. Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật vẫn chưa tạo hiệu ứng đáng kể. Có thực tế là không ít người tiêu dùng chưa biết phải phản ánh, khiếu nại, tìm kênh giải quyết quyền lợi của mình ở đâu khi mua, sử dụng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, không đảm bảo các quy định về an toàn thực phẩm...

Ông Nguyễn Trọng Văn (phường Cẩm An, TP.Hội An) kể, qua facebook, không ít lần ông đặt mua nhiều sản phẩm là rượu ba kích, đẳng sâm nhưng sản phẩm nhận được khác chủng loại, gần như không có giá trị. “Người giao hàng đã cao chạy xa bay không thể kiếm tìm. Tôi vào lại trang facebook giới thiệu hàng hóa thì đã... sập” - ông Văn nói.

Theo khảo sát của chúng tôi, vẫn còn nhiều người chưa biết đến 8 quyền của người tiêu dùng, trong đó có các quyền cơ bản như quyền được khiếu nại, tố cáo, khởi kiện hoặc đề nghị tổ chức xã hội khởi kiện để bảo vệ quyền lợi của mình theo quy định pháp luật; quyền được tư vấn, hỗ trợ, hướng dẫn kiến thức về tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ.

Quảng Nam đã thành lập Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nhưng các thành viên kiêm nhiệm, ít phối hợp và đầu tư cho công việc chung của hội. Trong khi đó, tại Quảng Nam, rất đông người dân sinh sống ở nông thôn, miền núi, việc tiếp cận thông tin bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng còn hạn chế. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp trong tỉnh còn hoạt động nhỏ lẻ nên chưa chú trọng chăm sóc, bảo vệ người tiêu dùng. Theo quy định, nhà sản xuất phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người tiêu dùng do khuyết tật trong sản phẩm hoặc không đảm bảo mức độ an toàn hợp lý của sản phẩm...

Bảo vệ người tiêu dùng

Ngày quyền của người tiêu dùng năm nay (15.3), Quảng Nam không tổ chức lễ phát động hưởng ứng do dịch bệnh Covid-19, tuy nhiên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Quang đã yêu cầu các cơ quan của tỉnh ưu tiên tăng cường các hoạt động tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, tuyên truyền bằng băng rôn, khẩu hiệu và đẩy mạnh các hoạt động kiểm tra, kiểm soát thị trường hàng hóa.

Theo ông Nguyễn Quang Lâm - Trưởng phòng Quản lý thương mại (Sở Công Thương), năm nay công tác tuyên truyền phổ biến kiến thức pháp luật tiếp tục được triển khai đến nhiều nhóm đối tượng trên địa bàn thông qua các buổi hội thảo, hội nghị tại các huyện, thị xã, thành phố, doanh nghiệp, trường học và phương tiện truyền thông. Kỳ vọng qua tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật, các quy định của Nhà nước về bảo vệ quyền lợi, người tiêu dùng nâng cao ý thức tự bảo vệ khi tiêu dùng.

Công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường hàng hóa đang đặt ra cấp thiết. Ông Đoàn Ngọc Sơn - quyền Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Quảng Nam cho biết, theo dõi, đấu tranh, phát hiện, xử lý hành vi sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng lậu, hàng không đảm bảo chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm là nhiệm vụ xuyên suốt nên các đội quản lý thị trường ở 18 huyện, thị xã, thành phố chú tâm, triển khai gắt gao.

Cùng với đó, tiếp tục rà soát những bất cập trong quy định pháp luật liên quan đến quyền lợi người tiêu dùng và có kiến nghị các cơ quan Trung ương xem xét, sửa đổi cho phù hợp với bối cảnh phát triển kinh tế - xã hội hiện nay, đảm bảo quyền, lợi ích chính đáng của người dân.

Ông Trần Bốn - Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông - lâm - thủy sản (Sở NN&PTNT) cho biết, trong đợt ra quân kiểm soát an toàn thực phẩm trước, trong và sau Tết Nguyên đán vừa qua, đã phát hiện, xử lý nhiều trường hợp sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm không an toàn để răn đe, dần đưa vào nền nếp. Ngành chức năng cũng chú trọng tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, các hợp tác xã xây dựng hiệu quả chuỗi thực phẩm an toàn như rau sạch, thịt heo, nước mắm, thủy sản...

Đồng thời khuyến cáo người tiêu dùng cần cân nhắc trước khi mua hàng hóa, nhất là hàng hóa có giá trị lớn, phải xem xét, so sánh giá cả tại các nơi bán hàng khác nhau để chọn được sản phẩm có chất lượng và giá cả hợp lý; nên mua hàng ở nơi bán có uy tín, tránh bị kẻ xấu lợi dụng để trục lợi.

QUANG VIỆT