Lụa Mã Châu trong cuộc hồi sinh
(Xuân Tân Sửu) - Đi cùng nỗ lực níu giữ nghề dệt lụa của cha ông, những người con xứ lụa Mã Châu (Duy Xuyên) hoàn thiện về mẫu mã, chất lượng, đưa sản phẩm lụa Mã Châu truyền thống đạt chuẩn 4 sao OCOP, khẳng định thương hiệu, uy tín sản phẩm lụa xứ Quảng.
Hình thành từ thế kỷ 15, bên cạnh kinh đô Trà Kiệu, làng Mã Châu chuyên dệt lụa cung cấp cho giới quý tộc, quan lại trong các vương triều. Thời hưng thịnh, “thủ phủ dâu tằm” này có những biền dâu bạt ngàn ven sông Thu Bồn. Lụa Mã Châu mấy trăm năm trước theo thương thuyền xuống Hội Phố rồi theo con đường tơ lụa trên biển đi khắp thế giới. Những năm cuối thế kỷ 20, không chỉ Mã Châu mà nhiều làng dệt lụa nổi tiếng trên cả nước, yếu tố truyền thống lu mờ dần và lụa truyền thống chết ngạt trước sự cạnh tranh khốc liệt của các sản phẩm lụa công nghiệp có sự pha trộn sợi cotton giá rẻ.
Bao giấc mơ hồi sinh nghề ươm tơ dệt lụa truyền thống Mã Châu đã từng rơi vào bế tắc. Trong nỗ lực đó, HTX Tơ lụa Mã Châu và sau này là Công ty TNHH Lụa Mã Châu do ông Trần Kỳ Phương và những người con sáng lập đã không ngừng vực dậy thương hiệu lụa Mã Châu. Dẫu rằng, con đường xuất khẩu tơ lụa còn gian nan, sức tiêu thụ lụa cao cấp chỉ ở mức cầm chừng. Song, những tín hiệu lạc quan đã mở ra trong cuộc hồi sinh của lụa. Cơ sở này giải quyết việc làm thường xuyên cho 5 - 7 lao động.
Năm 2019, lụa Mã Châu trở thành sản phẩm OCOP cấp tỉnh, tạo cơ hội thuận lợi trong sản xuất, kinh doanh và tiếp cận thị trường. Từ chương trình OCOP, Công ty TNHH Lụa Mã Châu được hỗ trợ nâng cấp thiết bị sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến mẫu mã, thương hiệu, xây dựng mã vạch truy xuất nguồn gốc. Bình quân mỗi ngày, cơ sở sản xuất khoảng 30m lụa các loại và nỗ lực xây dựng chuỗi kênh bán lẻ sản phẩm, tích cực tham gia xúc tiến thương mại, hội chợ trưng bày, triển lãm, quảng bá sản phẩm qua mạng xã hội…
Từ thành công bước đầu, năm 2020, đơn vị tiếp tục được huyện Duy Xuyên và Sở KH&CN tạo điều kiện tiếp nhận chuyển giao công nghệ từ Hàn Quốc. Máy nhuộm lụa từ nguyên liệu tự nhiên do Hàn Quốc hỗ trợ đã góp phần tạo ra những thước lụa đẹp màu tự nhiên, giá trị cao, lại giảm thiểu nhiều công đoạn nhọc nhằn so với cách làm thủ công trước đó. Cơ sở cũng đã nỗ lực cải thiện sản phẩm máy dệt lụa trơn do Hàn Quốc hỗ trợ đợt 1 năm 2018 thành máy dệt lụa hoa văn toàn khổ. Mỗi chiếc khăn lụa là một câu chuyện kể về giá trị văn hóa khi dệt lên mình các biểu tượng di sản Quảng Nam nói riêng và Việt Nam nói chung.
Với những nỗ lực không ngừng, sản phẩm khăn choàng lụa Mã Châu được vinh danh 3 sao OCOP cấp tỉnh cuối năm 2019 và được nâng hạng 4 sao OCOP vào cuối năm 2020. Đây là cơ hội thuận lợi giúp lụa truyền thống Mã Châu nâng cao uy tín thương hiệu, đưa sản phẩm vươn ra thị trường. Và, ông Trần Kỳ Phương vẫn nung nấu ý tưởng xây dựng một bảo tàng sống về nghề trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa xứ Quảng, làm hồi sinh bến đò tơ lụa trên đất Mã Châu xưa...