Tín dụng chính sách phát huy hiệu quả
Chất lượng tín dụng chính sách xã hội (CSXH) của Quảng Nam nằm trong tốp đầu của cả nước; bởi vậy, làm sao để duy trì tăng trưởng nguồn vốn và dư nợ, tiếp tục đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn của hộ nghèo và đối tượng chính sách là yêu cầu tiếp tục được đặt ra.
Dấu ấn thành công
Năm 2020, vốn tín dụng CSXH giúp 45.000 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và hộ diện chính sách vay vốn; tạo việc làm cho hơn 5.700 lao động; giúp 1.169 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn học tập; xây dựng, cải tạo 10.800 công trình nước sạch vệ sinh; xây dựng 56 nhà ở cho hộ nghèo, 254 nhà ở xã hội; cho vay 292 triệu đồng, giúp 2 doanh nghiệp trả lương ngừng việc đối với người lao động do dịch bệnh Covid-19.
Tính đến ngày 31.12.2020, tổng dư nợ cho vay các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn huyện Nam Trà My đạt 164,4 tỷ đồng với 4.427 hộ vay vốn, dư nợ tăng 12 tỷ đồng so với đầu năm. Các chỉ tiêu được giao của Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH Nam Trà My đều đạt và vượt kế hoạch, tỷ lệ nợ quá hạn chỉ là 0,018%.
Ông Nguyễn Thế Phước - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho biết, tỷ lệ hộ nghèo năm 2020 của huyện giảm từ 37,37% xuống còn 31,06% có sự đóng góp lớn của tín dụng CSXH. “Tín dụng chính sách đã tác động lớn đến công tác giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn. Chúng tôi sẽ bám sát các nghị quyết của tỉnh, huyện, của ngân hàng chính sách để thực hiện tín dụng ưu đãi đạt hiệu quả hơn nữa trong thời gian đến” - ông Phước nói.
Ở huyện Núi Thành, tổng doanh số cho vay trong năm 2020 của Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH đạt 149,1 tỷ đồng với 4.224 hộ vay vốn, tổng doanh số thu nợ đạt 116,1 tỷ đồng, tổng dư nợ là 426,7 tỷ đồng. Ở địa phương này hiện có 17 chương trình tín dụng ưu đãi nhưng nợ quá hạn chỉ còn 85 triệu đồng (tỷ lệ 0,02%), nợ khoanh 235 triệu đồng (tỷ lệ 0,055%).
Ông Ngô Đức An - Phó Chủ tịch UBND huyện Núi Thành chia sẻ, một trong những nguyên nhân khiến tín dụng chính sách đạt chất lượng tốt là triển khai hiệu quả Chỉ thị 40 của Ban Bí thư Trung ương Đảng. Trong năm 2020 và 2021, vốn ngân sách huyện bổ sung đến Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH Núi Thành đều là 1 tỷ đồng, nâng nguồn vốn ủy thác đạt 5,4 tỷ đồng, tăng 4,5 tỷ đồng so với thời điểm chưa có Chỉ thị 40.
Thành công của hoạt động tín dụng CSXH ở các địa phương trong tỉnh có đóng góp lớn từ thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát. Cả 166/166 thành viên Ban đại diện hội đồng quản trị (HĐQT) là lãnh đạo cấp huyện đã kiểm tra, giám sát tại 241/241 xã. Tương tự, tất cả thành viên Ban đại diện HĐQT là lãnh đạo cấp xã đã kiểm tra, giám sát tại 1.058 thôn, 1.972 tổ tiết kiệm và vay vốn, 6.339 hộ vay. Qua kiểm tra cho thấy, tín dụng CSXH góp phần lớn trong ngăn chặn tín dụng đen, giải quyết hiệu quả các vấn đề an sinh xã hội, tạo điều kiện cho hộ nghèo và các trường hợp thuộc diện chính sách phát triển kinh tế, cải thiện cuộc sống, giảm nghèo bền vững..., góp phần xây dựng nông thôn mới.
Phát triển theo chiều sâu
Đến ngày 31.12.2020, tổng nguồn vốn của Ngân hàng CSXH chi nhánh Quảng Nam đạt 5,09 nghìn tỷ đồng (tăng 386,7 tỷ đồng so với năm 2019); tổng dư nợ đạt 5,06 nghìn tỷ đồng (tăng 383,1 tỷ đồng so với năm 2019). Trong năm, Ngân hàng CSXH chi nhánh Quảng Nam cùng các tổ chức hội, đoàn thể đã tập trung triển khai nhiều giải pháp đảm bảo chất lượng tín dụng CSXH được kiểm soát chặt chẽ từ khâu bình xét cho vay, công tác kiểm tra, giám sát trước, trong và sau cho vay; kiểm soát tốt nợ đến hạn, xử lý nợ quá hạn, nợ bỏ nơi cư trú, đến xử lý nợ bị rủi ro. Nhờ vậy, mặc dù ảnh hưởng lớn của dịch Covid-19 và bão lụt nhưng chất lượng tín dụng toàn tỉnh xếp loại tốt, có 18/18 đơn vị xếp loại tốt.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân kiêm Trưởng ban Đại diện HĐQT Ngân hàng CSXH chi nhánh Quảng Nam cho rằng, nằm trong tốp đầu cả nước về chất lượng tín dụng là thành quả lớn và mục tiêu trong năm 2021 là làm sao giữ vững, phát huy hơn nữa chất lượng tín dụng CSXH cũng như những giá trị thiết thực mà tín dụng chính sách mang lại.
Theo đó, yêu cầu Ngân hàng CSXH chi nhánh Quảng Nam thực hiện tốt công tác tham mưu HĐND, UBND các cấp bổ sung vốn để thực hiện cho vay, chủ động huy động vốn trong dân cư, tổ chức cho vay, giải ngân vốn kịp thời đến hộ nghèo, hộ diện chính sách trên địa bàn, quản lý sử dụng vốn an toàn, hiệu quả. Năm 2021 phấn đấu tăng trưởng nguồn vốn và dư nợ tín dụng 10 - 12%; tiếp tục giữ vững chất lượng tín dụng; tất cả phòng giao dịch có chất lượng tín dụng đạt loại tốt; tỷ lệ thu lãi đạt 100%.
“Công tác kiểm tra, giám sát cần được các cấp, ngành thực hiện triệt để vì có tác dụng như ngọn đèn soi sáng, phát hiện các điểm tốt để nhân rộng, soi rọi những khuyết điểm để nhìn nhận sửa chữa, khắc phục. Công tác khen thưởng và tuyên truyền cũng rất quan trọng vì tạo động lực phát triển và lan tỏa những cách làm hay, xuất sắc” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân nói.