Phát triển thương mại miền núi, hải đảo còn gặp khó

VIỆT NGUYỄN 13/01/2021 04:58

Đầu tư hạ tầng thương mại ở các khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo trên địa bàn tỉnh tuy bước đầu đem lại hiệu quả, song vẫn còn nhiều khó khăn, nên cần có giải pháp thiết thực để thúc đẩy phát triển trong thời gian đến.

Hạ tầng thương mại ở các khu vực miền núi của tỉnh còn sơ sài, thiếu đồng bộ, không thuận lợi cho giao thương hàng hóa. Ảnh: VIỆT NGUYỄN
Hạ tầng thương mại ở các khu vực miền núi của tỉnh còn sơ sài, thiếu đồng bộ, không thuận lợi cho giao thương hàng hóa. Ảnh: VIỆT NGUYỄN

Đầu tư, phát triển chợ

Chợ Tân Hiệp ở thôn Bãi Làng, xã đảo Tân Hiệp, TP.Hội An, được sửa chữa, nâng cấp đưa vào hoạt động từ tháng 9.2020 với 20 tiểu thương đăng ký kinh doanh, buôn bán các mặt hàng thiết yếu, lương thực, thực phẩm, hàng hóa tiêu dùng, phục vụ nhu cầu mua sắm, sử dụng của người dân.

Ông Nguyễn Văn An - Bí thư Đảng ủy xã đảo Tân Hiệp cho biết, chợ có quy mô lớn nên tiếp tục thu hút tiểu thương vào kinh doanh, tạo thêm sức bật thương mại trên địa bàn. Tuy nhiên trên đảo còn 2 thôn Bãi Ông và Bãi Hương chưa có chợ thương mại lại cách xa trung tâm xã, đường núi đi lại khó khăn nên người dân chưa được đáp ứng nhu cầu tiêu dùng. Tết Tân Sửu 2021 đang đến gần nhưng do thời tiết bất thường, biển động dài ngày khiến tàu thuyền ra đảo không được nên nhiều mặt hàng tết chưa về với Tân Hiệp cũng là thiệt thòi của người dân.

Ở huyện miền núi Bắc Trà My, chợ Bắc Trà My (thị trấn Trà My) được đầu tư xây dựng, đưa vào hoạt động từ năm 2016. Có diện tích 2.400m2, là chợ loại 2 khá khang trang nên cơ bản đáp ứng nhu cầu giao thương, buôn bán, tiêu dùng của người dân. Tuy vậy, điểm yếu của chợ Bắc Trà My là thương mại hàng hóa nội địa, số người kinh doanh buôn bán, dịch vụ có tăng lên nhưng hoạt động mang tính tự phát, quy mô nhỏ.

Không chỉ vậy, mua bán qua nhiều nấc trung gian, chưa thiết lập được mối liên kết lâu dài giữa sản xuất và lưu thông, giữa bán buôn và bán lẻ nên về cơ bản chợ Bắc Trà My vẫn còn phân tán, thiếu chuyên nghiệp. Do vậy, UBND huyện Bắc Trà My đã kêu gọi doanh nghiệp đầu tư thêm dự án Khu thương mại, dịch vụ Bắc Trà My ở thị trấn Trà My với diện tích dự kiến hơn 1.800m2, kinh phí đầu tư khoảng 15 tỷ đồng, theo kế hoạch sẽ thi công trong năm 2021 này.

“Rất cần thiết đầu tư dự án mới để phát triển mạnh hạ tầng thương mại phục vụ mua sắm hàng hóa của người dân ở Bắc Trà My nói riêng, các huyện miền núi lân cận nói chung” - ông Thái Hoàng Vũ, Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My nói.

Theo quan sát của chúng tôi, ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa của huyện Tây Giang, Nam Trà My, mạng lưới chợ tuy được đầu tư nhưng tập trung chủ yếu tại trung tâm huyện và chỉ thiên về chức năng bán lẻ, có quy mô quá nhỏ. Ở các xã vùng sâu, vùng xa, chợ có cơ sở vật chất - kỹ thuật sơ sài, lạc hậu nên chức năng thu gom, phân phối luồng hàng hóa còn khiêm tốn, chưa đáp ứng đủ nhu cầu sản xuất và phục vụ sinh hoạt của nhân dân.

Cần cú hích mới

Trong năm 2020, ngành công thương chỉ mới tổ chức được vài hội chợ, phiên chợ đưa hàng Việt về miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo do bị cắt giảm kinh phí bởi hụt thu ngân sách. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp cung ứng hàng hóa không mặn mà tham gia các hội chợ, phiên chợ này do e ngại tác động xấu của dịch Covid-19 và bão lũ hoành hành trong thời gian qua khiến thu nhập của người dân không đảm bảo, sức mua yếu, hàng hóa ế ẩm, sẽ thua lỗ do kinh phí vận chuyển, bảo quản hàng hóa lớn.

Ông Nguyễn Quang Lâm - Trưởng phòng Quản lý thương mại Sở Công Thương cho biết, những năm qua, nguồn vốn ngân sách Nhà nước đầu tư cho phát triển hạ tầng chợ ở miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo còn hạn chế. Trong khi đó, việc kêu gọi nguồn vốn đầu tư phát triển chợ từ doanh nghiệp gặp khó khăn do dân số tại đây thưa thớt, phân tán, giao thông lại không thuận tiện, nhu cầu mua bán ít nên dự kiến việc đầu tư, kinh doanh khó hiệu quả. Hoạt động sản xuất của người dân ở các khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo còn mang tính thủ công, nhỏ lẻ, phân tán nên khó khăn trong việc xây dựng, phát triển thương hiệu sản phẩm. Một số chợ miền núi hoạt động không hiệu quả do vị trí xây dựng chợ chưa hợp lý, xa khu dân cư, sức mua của người dân thấp nên không thu hút tiểu thương tham gia buôn bán.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, triển khai Quyết định số 964 của Thủ tướng Chính phủ về chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo giai đoạn 2015 - 2020 còn gặp nhiều khó khăn tại Quảng Nam. Chính sách này được quy định, thông qua bởi nhiều văn bản quy phạm pháp luật, thuộc phạm vi quản lý của nhiều ngành chức năng khác nhau nên chồng chéo.

Ông Nguyễn Thanh Quang - Phó Giám đốc Sở Công Thương cho rằng, Bộ Công Thương cần tiếp tục quan tâm cấp kinh phí cho các chương trình xúc tiến thương mại quốc gia, đặc biệt là các đề án phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Cùng với đó, xây dựng cơ chế, chính sách mới tạo thuận tiện hơn trong thu hút doanh nghiệp đầu tư hạ tầng thương mại cũng như giúp doanh nghiệp tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại. Đó là cú hích mới nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh, thương mại tại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo.

VIỆT NGUYỄN