Sản xuất, chế biến thực phẩm: Cần thích ứng nhanh

VIỆT NGUYỄN 28/12/2020 07:11

Do tác động của dịch Covid-19, lĩnh vực chế biến thực phẩm gặp nhiều khó khăn, vì vậy các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp cần thích ứng nhanh bằng cách nâng cao chất lượng sản phẩm và tận dụng sự hỗ trợ của ngành chức năng để mở rộng thị trường.

Bà Phan Thị Nhung bên sản phẩm bánh đậu xanh được ưa chuộng. Ảnh: VIỆT NGUYỄN
Bà Phan Thị Nhung bên sản phẩm bánh đậu xanh được ưa chuộng. Ảnh: VIỆT NGUYỄN

Nâng cao chất lượng sản phẩm

Những ngày này, cơ sở sản xuất bánh đậu xanh Hương (xã Tam Đại, Phú Ninh) nhộn nhịp với các công đoạn sản xuất. Bà Phan Thị Nhung - chủ cơ sở cho biết, phải luôn vận động, nâng cao chất lượng sản phẩm để thu hút khách hàng. Thông thường, mỗi ngày, cơ sở chế biến được 600 gói bánh đậu xanh thì những ngày này, sản lượng tăng gấp đôi. Để đáp ứng các đơn hàng ở các tỉnh, thành miền Trung, bà Nhung đã phải thuê thêm 6 lao động, tăng số nhân công lên 12 người.

“Bánh đậu xanh của chúng tôi là sản phẩm OCOP 3 sao. Chúng tôi chọn đậu xanh được trồng tại Phú Ninh để cho nguyên liệu thật sự sạch, thơm ngon, giàu chất dinh dưỡng. Các công đoạn chế biến phải sạch, đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe về an toàn thực phẩm. Bao bì, nhãn mác cũng phải đầu tư thật chỉn chu” - bà Nhung nói.

Sự cạnh tranh của các loại hình thực phẩm trên thị trường ngày càng lớn nên nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất phải thay đổi chiến lược sản xuất, đáp ứng đa dạng hơn nữa về nhu cầu sử dụng các loại thực phẩm của người tiêu dùng. Theo quan sát của chúng tôi, các loại thực phẩm có nguồn gốc tự nhiên, hữu cơ ngày càng có sức cạnh tranh cao ở thị trường. Tiêu biểu như bột ngũ cốc “cô Một”. Sản phẩm này ban đầu hình thành trên cơ sở chế biến ngũ cốc truyền thống với các loại bột như bột đậu xanh, bột gạo lứt, bột gạo tẻ, bột gạo nếp.

Bà Nguyễn Thị Tiến (thôn Đồng Dương, xã Bình Định Bắc, Thăng Bình) cho biết, tiếng lành đồn xa, dần dà nhiều người hỏi mua và cứ thế dần dần hình thành cơ sở chế biến bột ngũ cốc “cô Một”. Từ chỗ chế biến bằng phương pháp bán thủ công, cơ sở đã mở rộng quy mô sản xuất hàng hóa. Đến nay, đã đáp ứng các quy chuẩn, tiêu chuẩn sản xuất sạch, sản phẩm có mặt ở hệ thống siêu thị lớn như Co.opMart Tam Kỳ, Big C Đà Nẵng, chợ Bình Tân (TP.Hồ Chí Minh), Khu công nghiệp Sóng Thần (Bình Dương)... “Tôi chế biến thực phẩm để mở rộng mạng lưới phân phối sản phẩm trên toàn quốc và hướng đến xuất khẩu trong nay mai” - bà Tiến nói.

Hỗ trợ người sản xuất

Chuỗi cung ứng nguyên liệu bị đứt gãy, tiêu thụ trong nước sụt giảm, đơn hàng xuất khẩu bị hủy bỏ là những tác động xấu của dịch bệnh Covid-19 đến ngành chế biến thực phẩm. Giao thông vận tải bị ùn ứ, hàng hóa bị ứ đọng tại kho cũng khiến không ít doanh nghiệp chế biến thực phẩm gặp khó khăn. Và khi dịch bệnh xảy ra, thay vì trực tiếp đi mua thực phẩm, người tiêu dùng đã chọn lựa các sàn giao dịch trực tuyến để đặt mua. Các loại thực phẩm dễ chế biến, dễ sử dụng và có giá cả phải chăng cũng thu hút sự chọn lựa của người dùng.

Theo Phòng Quản lý thương mại (Sở Công Thương), Việt Nam tham gia các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới đã mở ra rất nhiều cơ hội cho doanh nghiệp chế biến thực phẩm phát triển sản phẩm xuất khẩu. Doanh nghiệp cần nắm bắt những cơ hội này qua thay đổi phương thức kinh doanh, tiếp cận khách hàng, sản xuất theo hướng minh bạch hóa, đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm. Chỉ có vậy thì sản phẩm mới được hưởng lợi về thuế quan cũng như đáp ứng các quy tắc xuất xứ theo cam kết của FTA. Để đồng hành với doanh nghiệp, Sở Công Thương sẽ tổ chức các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại qua hội chợ, triển lãm, đặc biệt sẽ đổi mới hoạt động xúc tiến thương mại theo phương thức trực tuyến.

Thời gian qua, ngành công thương đã có nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, phân phối thực phẩm như xây dựng mô hình chuỗi cửa hàng, cơ sở kinh doanh bảo đảm an toàn thực phẩm; áp dụng các phương thức quản lý tiên tiến, truy xuất nguồn gốc xuất xứ; tư vấn hỗ trợ các địa phương và doanh nghiệp xây dựng mô hình thí điểm chợ bảo đảm an toàn thực phẩm... Cùng với đó, kiểm soát, ngăn chặn hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng thực phẩm giả, kém chất lượng, nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ...

VIỆT NGUYỄN