Sơ kết 3 năm thực hiện Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm": Nhiều thành quả, lắm hạn chế

NGUYỄN SỰ 28/12/2020 07:02

Hôm nay 28.12, UBND tỉnh tổ chức hội nghị sơ kết 3 năm (2018 - 2020) thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” - OCOP trên phạm vi toàn tỉnh. Đây là dịp để nhìn lại những kết quả cũng như hạn chế tồn tại qua 3 năm triển khai chương trình này trên địa bàn tỉnh.

Thời gian tới cần tích cực hỗ trợ các chủ thể trong khâu xúc tiến thương mại, quảng bá giới thiệu sản phẩm OCOP. Ảnh: VĂN SỰ
Thời gian tới cần tích cực hỗ trợ các chủ thể trong khâu xúc tiến thương mại, quảng bá giới thiệu sản phẩm OCOP. Ảnh: VĂN SỰ

Thành quả đáng ghi nhận

Ông Mai Minh Nguyệt - Trưởng phòng NN&PTNT Tiên Phước cho biết, ngay sau khi có chủ trương của cấp trên, UBND huyện khẩn trương tổ chức thực hiện Chương trình OCOP, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên ban điều hành và tổ giúp việc. Đặc biệt, giao các đơn vị liên quan phụ trách từng nội dung trong bộ tiêu chí OCOP của tỉnh để hướng dẫn, tư vấn cho các chủ thể sản xuất đăng ký tham gia chương trình. Từ nhiều nguồn kinh phí huy động, 3 năm qua các cấp, ngành ở Tiên Phước đã hỗ trợ khoảng 8 tỷ đồng cho 4 doanh nghiệp, 12 hợp tác xã, 3 tổ hợp tác, 1 hộ cá thể để có điều kiện đầu tư xây mới, nâng cấp cơ sở sản xuất - kinh doanh, mua sắm trang thiết bị máy móc, thiết lập bao bì, nhãn mác và đăng ký thương hiệu, tem truy xuất nguồn gốc, công bố chất lượng sản phẩm theo quy định...

“Trong 2 năm 2018 - 2019, Tiên Phước có 18 sản phẩm đạt chuẩn OCOP cấp tỉnh, gồm 9 sản phẩm 3 sao và 9 sản phẩm 4 sao. Năm 2020 này, huyện có thêm 11 sản phẩm đủ điều kiện tham gia xếp hạng sao cấp tỉnh và đợt 1 vừa qua đã có 2 sản phẩm được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao, 9 sản phẩm đang chờ quyết định công nhận đợt 2” - ông Nguyệt nói.

Ngày 22.5.2018, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1599/ QĐ-UBND phê duyệt đề án Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” - OCOP giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến năm 2030. Nhằm tổ chức thực hiện hiệu quả, từ cấp tỉnh đến cấp huyện đều thành lập ban chỉ đạo, cơ quan tham mưu giúp việc chuyên trách; còn ở cấp xã, giao nhiệm vụ tham mưu cho cán bộ nông nghiệp hoặc cán bộ nông thôn mới kiêm nhiệm.

Ông Mai Đình Lợi - Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn cho biết, căn cứ mục tiêu đề án đặt ra, hằng năm Sở NN&PTNT chủ động phối hợp với các ngành liên quan và chính quyền các địa phương tham mưu UBND tỉnh thiết lập kế hoạch một cách bài bản, cụ thể để triển khai chương trình.

Theo thống kê, giai đoạn 2018 - 2020 Quảng Nam huy động gần 281,5 tỷ đồng thực hiện Chương trình OCOP, chủ yếu là hỗ trợ các chủ thể. Nhờ vậy, 3 năm qua toàn tỉnh có 210 sản phẩm các loại thuộc nhiều nhóm ngành hàng của 189 chủ thể (gồm 65 hợp tác xã, 30 doanh nghiệp vừa và nhỏ, 6 tổ hợp tác, 88 hộ cá thể) được công nhận đạt chuẩn OCOP cấp tỉnh. Trong đó, có 1 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 23 sản phẩm 4 sao, 186 sản phẩm 3 sao.

Tồn tại nhiều hạn chế

Cùng với kết quả đạt được, lãnh đạo Sở NN&PTNT nhìn nhận, OCOP là chương trình mới, do vậy việc thực hiện bước đầu còn khá lúng túng, đội ngũ cán bộ quản lý và cán bộ OCOP các cấp còn thiếu kinh nghiệm. Nhận thức về chương trình ở các cơ quan, ban ngành, địa phương và chủ thể sản xuất ở một số nơi chưa đầy đủ. Đặc biệt, vai trò và trách nhiệm của chính quyền cấp xã trong triển khai chương trình tại địa phương chưa thể hiện rõ. Việc hướng dẫn và lập hồ sơ tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP của không ít địa phương còn hạn chế. Công tác đánh giá, phân hạng sản phẩm ở một số hội đồng cấp huyện chưa chặt chẽ.

Theo ông Mai Đình Lợi, 3 năm qua, số lượng chủ thể là hộ sản xuất - kinh doanh đăng ký tham gia Chương trình OCOP chiếm tỷ lệ tương đối cao (hơn 40%), trong khi năng lực sản xuất nhỏ lẻ và trình độ, kiến thức quản trị còn nhiều hạn chế, khó thích ứng với cơ chế thị trường. Bên cạnh đó, nhóm sản phẩm tươi sống, thô, sơ chế tham gia chương trình vẫn còn nhiều, chiếm khoảng 20%. Đây là nhóm sản phẩm chương trình không khuyến khích vì thuộc dạng sản phẩm chưa được chế biến sâu, giá trị gia tăng thấp.

Thực tế cũng cho thấy, việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất sản phẩm còn rất hạn chế, phương thức sản xuất bán thủ công và thủ công khá phổ biến. Nhiều sản phẩm chưa quy hoạch xây dựng vùng nguyên liệu để đảm bảo chủ động phục vụ sản xuất hàng hóa. Đáng chú ý, rất nhiều chủ thể đăng ký tham gia chương trình cùng một loại sản phẩm như dầu phụng, dầu mè, nước mắm, gạo nếp... với chất lượng, bao bì mẫu mã tương tự nhau, làm cho sản phẩm OCOP trở nên đơn điệu, không mang ý tưởng mới, thiếu tính sáng tạo.

Trong khi đó, hầu hết địa phương còn nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển sản phẩm OCOP nhưng chưa tập trung khai thác hiệu quả. Theo lãnh đạo ngành nông nghiệp các địa phương, hiện nay nhu cầu cần được tư vấn nâng cấp, hoàn thiện sản phẩm tham gia Chương trình OCOP của chủ thể là rất lớn. Tuy nhiên, số đơn vị tư vấn trên địa bàn tỉnh không nhiều, trong khi việc kết nối với các đối tác ngoài tỉnh để hỗ trợ các chủ thể còn gặp nhiều khó khăn.

Qua đánh giá tại cấp tỉnh, có hơn 80% sản phẩm OCOP 3 sao đạt từ 50 đến dưới 60 điểm, gọi là 3 sao “non”. Do vậy, thời gian tới các sản phẩm này cần phải tiếp tục nâng cấp, hoàn thiện hơn. Cạnh đó, mẫu mã bao bì của một số sản phẩm chưa thật ấn tượng; nhiều sản phẩm chưa được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, logo; việc phân lô sản xuất để theo dõi, quản lý chất lượng sản phẩm chưa được chú trọng. Đặc biệt, hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm OCOP chưa thực sự mạnh...

Mở 35 lớp tập huấn về OCOP

Ông Nguyễn Phi Hồng - cán bộ chuyên trách lĩnh vực OCOP của Chi cục Phát triển nông thôn cho biết, thời gian qua, việc đào tạo, tập huấn cho cán bộ, chủ thể tham gia thực hiện Chương trình OCOP luôn được chú trọng. Trong 3 năm qua, cấp tỉnh tổ chức 10 lớp tập huấn về kỹ năng tuyên truyền, nâng cao năng lực quản lý điều hành; xây dựng, triển khai phương án kinh doanh hoặc dự án sản xuất - kinh doanh, phát triển sản phẩm; đánh giá và xếp hạng sản phẩm; củng cố và phát triển các tổ chức kinh tế tham gia OCOP. Đồng thời tập huấn các chuyên đề về tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, tiêu chuẩn cơ sở; đăng ký và xây dựng thương hiệu, ghi nhãn mác hàng hóa; quản lý chất lượng sản phẩm và an toàn vệ sinh thực phẩm; truy xuất nguồn gốc sản phẩm; bảo vệ môi trường trong quá trình sản xuất; bán hàng qua mạng... với 1.237 lượt người tham gia. Trong khi đó, các huyện, thị xã, thành phố cũng tổ chức 25 khóa tập huấn về những vấn đề liên quan đến Chương trình OCOP cho 2.409 người là cán bộ chuyên trách và những chủ thể. (VĂN SỰ)

Nhiều hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện chương trình OCOP

Chi cục Phát triển nông thôn cho biết, những năm qua đơn vị xây dựng, in ấn và cấp cho các sở ban ngành, địa phương 1.365 cuốn sổ tay, 7.000 tờ rơi tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện Chương trình OCOP. Đơn vị thường xuyên cập nhật các văn bản, tài liệu liên quan đến chương trình đăng tải trên Cổng thông tin điện tử nông thôn mới của tỉnh (nongthonmoi.net) và Cổng thông tin điện tử OCOP Quảng Nam (ocop.quangnam.gov.vn) để cán bộ các cấp, những chủ thể tra cứu, triển khai thực hiện. Cạnh đó, tổ chức tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng như Báo Quảng Nam, Đài Phát thanh - truyền hình Quảng Nam, Báo Nông thôn ngày nay.

Ngoài ra, Sở Thông tin - truyền thông tổ chức tập huấn thông tin, tuyên truyền về Chương trình OCOP cho 500 cán bộ Ủy ban MTTQ Việt Nam, Hội Nông dân, Hội LHPN, Tỉnh đoàn và cán bộ thông tin cơ sở. (NHÃ PHƯƠNG)

Tổ chức 2 hội nghị kết nối đối tác OCOP

Giai đoạn 2018 - 2020, Sở NN&PTNT và Sở Công Thương đã tổ chức 2 hội nghị kết nối đối tác OCOP với khoảng 150 đơn vị tham gia gồm các sở ban ngành, các địa phương, các chủ thể OCOP và các đối tác OCOP là những doanh nghiệp, đơn vị tư vấn, các trường, viện, tổ chức tín dụng... đến từ nhiều nơi trên cả nước.

Những hội nghị này nhằm kết nối các tổ chức, cơ sở kinh tế tham gia OCOP với các đối tác tiềm năng trong và ngoài tỉnh, đảm bảo cung ứng các dịch vụ về thiết kế, cung cấp bao bì, xây dựng nhãn hiệu hàng hóa; cung ứng máy móc, thiết bị công nghệ; đào tạo nâng cao năng lực kinh doanh - quản trị; xây dựng tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm; kiểm định chất lượng sản phẩm; cung cấp dịch vụ tín dụng; cung cấp nguyên liệu, phụ liệu phục vụ sản xuất; xây dựng website; xây dựng và đăng ký thương hiệu; truy xuất nguồn gốc sản phẩm; xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ, truyền thông, quảng bá... Từ đó, thúc đẩy sự phát triển của các tổ chức kinh tế tham gia OCOP, nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng hợp tác liên kết để tiêu thụ sản phẩm OCOP. (MAI LINH)

NGUYỄN SỰ