Báo động thực phẩm không an toàn
Rất nhiều vụ ngộ độc thực phẩm đã xảy ra trên địa bàn tỉnh nên các cơ quan chức năng đang triển khai, áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp để đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP).
Cảnh báo
Năm 2020, Đoàn thanh tra, kiểm tra chuyên ngành và liên ngành do Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản & thủy sản (Sở NN&PTNT) đã làm việc với 39 cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Theo đó, đã xử phạt 1 cơ sở kinh doanh chả có chất bảo quản Natribenzoat, 3 cơ sở kinh doanh nước uống đóng chai bị nhiễm vi sinh vượt quá giới hạn, đình chỉ hoạt động 1 cơ sở sản xuất chả chay, 1 cơ sở sản xuất bánh mì; đồng thời phát hiện, tiêu hủy 98kg bánh kẹo, thực phẩm không có nguồn gốc xuất xứ. Cũng thuộc Sở NN&PTNT, Chi cục Chăn nuôi & thú y đã tổ chức 2 đợt thanh tra, kiểm tra tại 118 cơ sở, xử phạt 10 trường hợp vi phạm, thu nộp ngân sách 59 triệu đồng.
Ngoài ra, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm đã tham gia giải quyết 6 vụ ngộ độc thực phẩm với 77 người mắc. Cụ thể, đó là các vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra tại bếp ăn tập thể của Công ty TNHH MTV Sedo Vinako (thôn Đông Yên, xã Duy Trinh, Duy Xuyên) với 25 người mắc; ngộ độc thực phẩm Pate Minh Chay xảy ra tại thôn Hà My Trung (phường Điện Dương, thị xã Điện Bàn) với 3 người mắc; ngộ độc thực phẩm xảy ra tại thôn 2 (xã Phước Đức, Phước Sơn) với 9 người mắc và các vụ tương tự xảy ra ở Trường Tiểu học Quế Xuân I (Quế Sơn), thị trấn Núi Thành (Núi Thành) và xã Tam Nghĩa (Núi Thành).
Phòng Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường (Công an tỉnh) cũng đã tổ chức kiểm tra 13 cơ sở sản xuất, kinh doanh, xử phạt hơn 264 triệu đồng, đồng thời tịch thu và tiêu hủy nhiều hàng hóa thực phẩm nhập lậu gồm 125 hộp sữa bột, 12 hộp sữa dạng lỏng, 4 hộp hạnh nhân, 16 hộp thức ăn dặm cho trẻ em, 4 chai dầu ăn, 5 thùng thịt đông lạnh nhập khẩu, hơn 1.000kg thịt, xương, nội tạng gia súc...
Ông Phan Quang Dũng - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản & thủy sản cho biết, nhiều hành vi sai phạm quy định về ATTP của các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh trở nên phổ biến. Tiêu biểu như người tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm mà không đội mũ, đeo khẩu trang; tường, trần, nền khu vực sản xuất bị thấm nước, ẩm mốc; kinh doanh hàng hóa thực phẩm nhập lậu...
Ngoài ra, vẫn còn tình trạng đưa nước vào động vật trước khi giết mổ, không có giấy chứng nhận kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật; không có giấy chứng nhận vệ sinh thú y hay vận chuyển sản phẩm động vật bằng phương tiện không đảm bảo yêu cầu vệ sinh; giết mổ động vật tại địa điểm không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.
Cần phối hợp đồng bộ
Ông Trần Bốn - Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông - lâm - thủy sản cho rằng, nhận thức, ý thức chấp hành quy định của pháp luật về ATTP của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh còn rất hạn chế. Đối với các dịch vụ nấu ăn lưu động hay kinh doanh thức ăn đường phố, rày đây mai đó, không có địa chỉ cụ thể nên các cơ quan khó xử lý. Về sản xuất rượu thủ công hay bún, mỳ, phở khô của các hộ gia đình do quy mô quá nhỏ lẻ nên khi phát hiện sai phạm, ngành chức năng nhắc nhở rồi đâu lại vào đấy, sai phạm tiếp diễn, gây nguy cơ cao cho ngộ độc thực phẩm.
Ở cấp huyện, xã, đội ngũ quản lý ATTP kiêm nhiệm, thiếu kiến thức chuyên môn nên quản lý ATTP rời rạc, theo kiểu đến hẹn lại lên ở các đợt cao điểm, không đi vào chiều sâu. Trong khi đó, do đặc thù công việc nên trong một số đợt thanh tra, kiểm tra liên ngành, các đơn vị phối hợp chưa xuyên suốt. Công tác trao đổi thông tin, kết quả thanh tra, kiểm tra liên ngành giữa các đơn vị có lúc, có nơi chưa kịp thời. Đến nay, vẫn chưa có mạng internet chia sẻ dữ liệu nội bộ giữa các đơn vị phối hợp.
Ông Phan Quang Dũng cho rằng, trong năm 2021, quản lý ATTP dự báo gặp nhiều khó khăn. Bởi vậy, sẽ tăng cường nắm tình hình, tiến hành khảo sát, lập danh sách các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm không đảm bảo ATTP, tập trung thanh tra, kiểm tra, phát hiện, xử phạt. Các cơ quan, đơn vị cần thường xuyên trao đổi thông tin, nghiệp vụ và kinh nghiệm trong chống các hành vi vi phạm về ATTP, thực hiện tốt các chế độ thông tin báo cáo và duy trì tổ chức hội nghị giao ban theo quy chế. Ở cấp huyện, thị xã, thành phố, cần thực hiện tốt công tác đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực quản lý ATTP.
“Chúng tôi sẽ tham mưu Sở NN&PTNT đề xuất UBND tỉnh hoàn thiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ xây dựng, phát triển các chuỗi cung ứng sản phẩm an toàn trên địa bàn tỉnh để nâng cao một bước về sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm an toàn” - ông Phan Quang Dũng nói.