Khơi thông đầu ra cho sản phẩm OCOP
(QNO) - Sáng nay 27.11, tại TP.Tam Kỳ, Sở Công Thương tổ chức hội nghị kết nối sản phẩm OCOP Quảng Nam - Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” nhằm tạo sự gắn kết giữa chủ thể sản xuất với doanh nghiệp, nhà phân phối để khơi thông đầu ra cho sản phẩm.
Xây dựng thương hiệu sản phẩm
Sau khi tạo dựng được những vườn cây ăn quả sản xuất theo phương thức hữu cơ với 3ha cam sành và 1ha cam giấy, năm ngoái 7 hộ nông dân ở xã Trà Dương của huyện miền núi Bắc Trà My quyết định thành lập Hợp tác xã Nông nghiệp Trà Dương nhằm thuận lợi trong việc canh tác, thu hoạch, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm.
Trao đổi với phóng viên Báo Quảng Nam online bên lề hội nghị, ông Nguyễn Quảng Hiệp - Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Trà Dương cho hay, năm 2019 đơn vị chính thức bắt tay vào việc thu hoạch lứa đầu đối với 3ha cam sành và từ giữa tháng 8.2020 đến nay tiến hành thu hái lứa thứ 2. Bình quân mỗi vụ, 3ha cam sành cho tổng sản lượng khoảng 10 tấn quả tươi. Do chưa kết nối được thị trường tiêu thụ nên hầu hết sản lượng cam sành thu hái, hợp tác xã chủ yếu bán cho thương lái với mức giá tương đối thấp, khoảng 17 - 18 nghìn đồng/kg.
Ông Nguyễn Quảng Hiệp cho biết thêm, nhận thấy cam sành của đơn vị có chất lượng khá tốt, được người tiêu dùng ưa chuộng nên đầu năm 2020 Hợp tác xã Nông nghiệp Trà Dương đăng ký tham gia thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” - OCOP với mong muốn tạo bước chuyển biến mạnh mẽ. Thời gian qua, nhờ sự hỗ trợ tích cực của các ngành liên quan ở tỉnh và chính quyền huyện Bắc Trà My, hợp tác xã đã đăng ký thành công thương hiệu “Cam sành Trà Dương” cũng như hoàn tất việc thiết lập bao bì, tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Sau khi được UBND huyện Bắc Trà My xếp hạng đạt chuẩn OCOP 3 sao cấp huyện, sản phẩm “Cam sành Trà Dương” tiếp tục tham gia đánh giá, phân hạng OCOP cấp tỉnh.
Ông Nguyễn Phi Hồng - cán bộ chuyên trách lĩnh vực OCOP của Chi cục Phát triển nông thôn Quảng Nam thông tin: “Qua nhiều vòng chấm chọn trong đợt 1 năm 2020, “Cam sành Trà Dương” đã được hội đồng thẩm định của tỉnh tạm thời xếp hạng sản phẩm OCOP đạt chuẩn 3 sao cấp tỉnh và thời gian tới sẽ tham mưu UBND tỉnh quyết định công nhận chính thức”.
Ông Nguyễn Quảng Hiệp cho rằng, khi cam sành của đơn vị được chính thức công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh năm 2020, hy vọng thời gian tới sản phẩm sẽ được kết nối thị trường tiêu thụ rộng lớn hơn và từ đó giá bán cũng sẽ tăng lên khoảng 10 - 20% so với hiện nay.
“Từ 4ha cam sành và cam giấy ban đầu, trong những năm đến hợp tác xã dự tính sẽ mở rộng thêm 10ha đất chuyên canh 4 loại cây gồm cam sành, cam giấy, bưởi da xanh, thanh trà. Để việc sản xuất và tiêu thụ các loại cây ăn quả sạch của đơn vị mang lại thành công lớn, chúng tôi mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm hỗ trợ từ nhiều phía. Theo đó, kiến nghị các ngành, các cấp xem xét hỗ trợ kinh phí đầu tư mua sắm máy phân loại quả theo kích thước, xây dựng kho lạnh bảo quản quả tươi. Đặc biệt, đơn vị mong cấp có thẩm quyền hỗ trợ đẩy mạnh khâu xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, nhất là việc đưa sản phẩm vào bày bán tại các siêu thị và cửa hàng cung ứng trái cây sạch” - ông Hiệp nói thêm.
Khơi thông đầu ra
Ông Trần Thu - Giám đốc Công ty TNHH Gỗ mỹ nghệ Âu Lạc (Điện Phong, Điện Bàn) cho biết, những năm qua các ngành của tỉnh và UBND thị xã Điện Bàn đã hỗ trợ đơn vị 190 triệu đồng để có điều kiện mua sắm các loại máy cưa, máy CNC (tạo phôi) phục vụ việc sản xuất và thiết lập bao bì, đăng ký mã vạch truy xuất nguồn gốc, quảng bá giới thiệu sản phẩm. Trong 2 năm 2018 - 2019, công ty có 2 sản phẩm gỗ mỹ nghệ lần lượt được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh là “đèn Nhật Nguyệt” và “đèn thôn nữ”.
Theo ông Trần Thu, nhằm chủ động tạo đầu ra cho sản phẩm, công ty đã xây dựng nhiều kênh quảng bá trên Facebook, YouTube... và mở một số cửa hàng bày bán sản phẩm tại Đà Nẵng, Hội An, Bắc Giang, TP.Hồ Chí Minh cùng nhiều đại lý trên toàn quốc.
“Hai loại sản phẩm gỗ mỹ nghệ đạt chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh vừa nêu của công ty là mặt hàng lưu niệm bán cho khách du lịch là chủ yếu. Thế nhưng, đạt chuẩn OCOP 3 sao chưa được bao lâu thì dịch Covid-19 xuất hiện nhiều đợt kéo dài. Từ đầu năm 2020 đến nay, khách quốc tế không có, khách nội địa thưa thớt tại nhiều điểm du lịch hấp dẫn khiến việc tiêu thụ 2 loại sản phẩm gỗ mỹ nghệ của công ty gần như bế tắc. Hy vọng, thời gian đến dịch Covid-19 ở nước ta không diễn biến xấu và lĩnh vực du lịch sớm phục hồi để các kênh tiêu thụ sản phẩm gỗ mỹ nghệ của công ty được hâm nóng” - ông Trần Thu nói thêm.
Ông Nguyễn Thanh Quang - Phó Giám đốc phụ trách Sở Công Thương cho biết, trong năm 2020 tình hình kinh tế của cả nước nói chung và Quảng Nam nói riêng bị ảnh hưởng nghiêm trọng do 2 đợt dịch Covid-19 và các đợt bão lũ liên tiếp xảy ra. Tình hình sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do nguồn nguyên liệu thiếu hụt, nguồn lao động không ổn, doanh thu giảm, theo đó nhiều doanh nghiệp đã phải ngừng hoạt động. Để hỗ trợ doanh nghiệp, ngành công thương sẽ triển khai nhiều hoạt động xúc tiến thương mại cho sản phẩm OCOP, hội chợ Xuân - OCOP, khơi thông đầu ra cho các sản phẩm, hàng hóa.
Ông Đoàn Ngọc Sơn - Quyền Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Quảng Nam cho biết, sẽ chú trọng triển khai các chương trình thanh tra, kiểm tra, xử lý nặng tay các vụ việc buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả để ổn định thị trường. “Tạo sự trong sạch, ổn định thị trường là cách hỗ trợ để các sản phẩm OCOP - với ưu thế về chất lượng, mẫu mã sẽ cạnh tranh mạnh mẽ hơn trên thị trường, khơi thông đầu ra” - ông Sơn nói.