Tổng lực khắc phục sự cố điện và viễn thông

TRUNG LỘ - VINH ANH 01/11/2020 07:09

Bão số 9 gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hạ tầng lưới điện, hạ tầng viễn thông, gây mất điện trên diện rộng cũng như mất liên lạc cục bộ tại Quảng Nam. Các đơn vị liên quan đang nỗ lực khắc phục sự cố, nhanh chóng cung cấp điện, khôi phục hệ thống thông tin liên lạc, nhất là khu vực tìm kiếm cứu nạn vụ sạt lở tại huyện Nam Trà My.

Tính đến 10h ngày 29/10, PC Quảng Nam đã khôi phục cấp điện trở lại cho 15 xã/phường/thị trấn với hơn 54.000 khách hàng.
Tính đến 10h ngày 29/10, PC Quảng Nam đã khôi phục cấp điện trở lại cho 15 xã/phường/thị trấn với hơn 54.000 khách hàng.

Ông Võ Anh Hùng - Phó Giám đốc PC Quảng Nam: PC Quảng Nam huy động toàn lực khắc phục sự cố

Do ảnh hưởng của bão số 9, theo thống kê ban đầu, toàn bộ lưới điện trên địa bàn tỉnh đều bị ảnh hưởng nặng, gây mất điện 439.000 khách hàng và hàng trăm trạm biến áp, cột điện gãy, đổ. Ước tính ban đầu thiệt hại 10 tỷ đồng, với gần 80% khách hàng bị mất điện. Đây là thiệt hại nặng nhất của ngành điện trong hơn 10 năm qua, tính từ cơn bão năm 2009.

Ngay sau khi bão số 9 suy yếu, PC Quảng Nam đã đánh giá cụ thể về thiệt hại do bão, huy động toàn bộ nhân lực, vật lực nhanh chóng tiếp cận hiện trường các điểm sự cố và triển khai các giải pháp xử lý nhằm khôi phục cấp điện sau bão. Ưu tiên cấp điện cho các phụ tải quan trọng trong thành phố và các thị xã, huyện trên địa bàn tỉnh.

Tính đến 19h00 tối 28.10, PC Quảng Nam đã triển khai xử lý sự cố, khôi phục cấp điện cho một số xuất tuyến ưu tiên tại trung tâm hành chính của tỉnh và khôi phục điện cho các phụ tải quan trọng tại UBND các địa phương: Tam Kỳ, Hội An, Đại Lộc, Thăng Bình. Cùng với đó, phối hợp với Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh cung cấp điện dự phòng cho các phụ tải quan trọng khi mất nguồn điện lưới.

Tính đến 10 giờ ngày 29.10, PC Quảng Nam đã khôi phục cấp điện trở lại cho 15 xã/phường/thị trấn với hơn 54.000 khách hàng trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, do thiệt hại quá lớn trên diện rộng, trong khi đó nhân lực và phương tiện của PC Quảng Nam quá mỏng, cho nên việc khắc phục, xử lý sự cố gặp nhiều khó khăn.

PV:Ông có thể cho biết phương án cấp điện đảm bảo công tác tìm kiếm cứu nạn tại các địa phương bị sạt lở nghiêm trọng, nhất là huyện Nam Trà My?

Ông Võ Anh Hùng: Tại UBND huyện Bắc Trà My, tạm thời PC Quảng Nam đã cấp điện từ máy phát của điện lực cho Sở chỉ huy tìm kiếm cứu nạn của tỉnh. Còn tại huyện Nam Trà My nơi xảy ra vụ sạt lở vùi lấp người dân, lưới điện độc đạo 35kV Tam Kỳ - Trà My bị ảnh hưởng bởi bão, tuy nhiên ngay từ 7 giờ sáng 29.10, PC Quảng Nam đã huy động 1 máy phát điện diesel đặt tại UBND huyện Nam Trà My để điều hành công tác cứu hộ.

Hiện nay, PC Quảng Nam cũng đang tìm cách đưa máy phát điện lên hiện trường xã Trà Leng (Nam Trà My) để phục vụ cứu hộ các nạn nhân bị sạt lở đất vùi lấp tại khu vực này. Đồng thời huy động lực lượng triển khai phương châm 4 tại chỗ (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, vật tư, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ), huy động nhân lực, phương tiện, trang thiết bị, vật tư để ứng phó, sẽ sớm khắc phục và cấp điện trở lại cho người dân ở 2 huyện miền núi Bắc Trà My và Nam Trà My trong thời gian sớm nhất.  

PV:Ngành điện sẽ có phương án gì để cấp điện cho khách hàng trong thời gian sớm nhất, thưa ông?

Ông Võ Anh Hùng: Trong ngày 29.10, theo sự điều động của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, các Công ty Điện lực: Đăk Lăk, Gia Lai, Đà Nẵng (thuộc Tổng Công ty Điện lực miền Trung), Công ty Điện lực Lâm Đồng (thuộc Tổng Công ty Điện lực miền Nam) đã huy động hàng trăm kỹ sư, công nhân viên và phương tiện có mặt tại Quảng Nam để hỗ trợ PC Quảng Nam khắc phục, xử lý sự cố các nơi bị thiệt hại.

Bên cạnh đó, PC Quảng Nam cũng đã huy động 8 doanh nghiệp xây lắp điện trong và ngoài tỉnh huy động lực lượng, cùng với ngành điện khẩn trương ra quân khôi phục hệ thống lưới điện nhanh nhất, cung cấp điện trở lại phục vụ sinh hoạt và sản xuất cho người dân.

Ngoài ra, PC Quảng Nam sẽ cử lực lượng kỹ thuật đến những vùng bị thiệt hại nặng để phối hợp, hỗ trợ người dân kiểm tra dây sau công tơ và các thiết bị điện trong gia đình; tăng cường tư vấn, khuyến cáo cách sử dụng điện an toàn, tiết kiệm giúp người dân yên tâm sử dụng trong mùa mưa bão này.

Bà Phạm Thị Ngọc Quyên - Phó Giám đốc Sở TT-TT: Nỗ lực khôi phục thông tin liên lạc trong thời gian sớm nhất

Bão số 9 đã gây hậu quả nặng nề với ngành viễn thông, khiến cho thông tin liên lạc nhiều khu vực bị gián đoạn. VNPT Quảng Nam bị gãy 1 trụ ăng ten tại đồi Tiên Lãnh (huyện Tiên Phước) do sạt lở núi làm đứt mố neo. Viettel bị đứt 250 tuyến cáp, nhiều khu vực chỉ đảm bảo sóng 2G, 3G… Mạng Vinaphone, MobiFone bị mất liên lạc tại huyện Phước Sơn, Nông Sơn và một số khu vực do đứt cáp quang.

Ngoài viễn thông, mạng bưu chính cũng bị ảnh hưởng do bão số 9. Các hoạt động sản xuất bị dừng trên toàn tỉnh đến hết ngày 28.10 và dừng hoạt động ngày 29.10 đối với đơn vị có nguy cơ sạt lở cao là Nam Trà My…

Ngay sau khi bão tan, các doanh nghiệp viễn thông đã tập trung lực lượng triển khai công tác ứng cứu thông tin liên lạc trên toàn hệ thống. Công tác ứng cứu ưu tiên đảm bảo thông tin liên lạc tại các khu vực trọng yếu, trung tâm các huyện, thị xã, thành phố; thực hiện lắp lại thiết bị tại các trạm hạ tải trước bão để đảm bảo thông tin liên lạc. Đồng thời tập trung công tác khắc phục, đảm bảo thông tin liên lạc tại các huyện miền núi cao như Nam Trà My, Phước Sơn, Tây Giang, Đông Giang và Nông Sơn phục vụ công tác cứu nạn cứu hộ, khắc phục sau bão.

Riêng tại Nam Trà My được trang bị thiết bị liên lạc vệ tinh Vinaphone - S để đảm bảo thông tin liên lạc phục vụ công tác ứng cứu, tìm kiếm cứu nạn. Hiện nay, do tình trạng đứt cáp quang tại nhiều điểm trên địa bàn tỉnh và hệ thống lưới điện lực bị mất trên diện rộng nên ảnh hưởng một phần đến công tác ứng cứu thông tin và chất lượng sóng tại các khu vực. Trong các ngày tới, các doanh nghiệp tiếp tục triển khai khôi phục thông tin liên lạc trên toàn tỉnh.

Hỗ trợ công tác cứu nạn ở Nam Trà My

Ông Nguyễn Viết Hà - Giám đốc VNPT Quảng Nam: Khẩn trương khôi phục mạng lưới thông tin liên lạc phục vụ công tác cứu nạn

Hiện tại khu vực huyện Nam Trà My đã khôi phục 70% số trạm phát sóng Vinaphone. Tại xã Trà Leng – nơi xảy ra vụ sạt lở núi vùi lấp nhiều người dân địa phương, thông tin liên lạc tại đây cũng đang bị tắc nghẽn. Do sạt lở gây đứt cáp quang, chưa thể khôi phục được nên khu vực này vẫn chưa có sóng di động. Chúng tôi đang chỉ đạo nhân viên kỹ thuật cố gắng nhanh chóng khắc phục sự cố trong toàn tỉnh, đặc biệt ưu tiên cho khu vực xã Trà Leng, Nam Trà My. Tuy nhiên, hiện nay do địa hình bị sạt lở, việc tiếp cận trạm BTS ở Trà Leng hết sức khó khăn. Nhân viên kỹ thuật của chúng tôi đã cố gắng bằng mọi cách sớm kết nối mạng tại khu vực Trà Leng nhằm phục vụ công tác thông tin, tìm kiếm cứu nạn các nạn nhân bị sạt lở núi. Trước mắt, VNPT Quảng Nam hỗ trợ tạm thời 2 điện thoại vệ tinh Inmarsat để phục vụ cho lãnh đạo tỉnh chỉ đạo trong quá trình tìm kiếm cứu nạn tại địa phương này.

Ông Đồng Xuân Minh - Giám đốc Viettel Quảng Nam: Nỗ lực khôi phục thông tin liên lạc trên toàn tỉnh

Đối với Viettel, mặc dù đã chuẩn bị ứng phó tốt nhưng cũng gặp những thiệt hại đáng kể. Hạ tầng truyền dẫn, nhất là địa bàn miền núi gặp khá nhiều sự cố dẫn đến mất tín hiệu cục bộ. Từ 15 giờ chiều 28.10, khi bão số 9 giảm cường độ, đơn vị đã huy động lực lượng tiến hành ứng cứu, khắc phục sự cố. Cùng với lực lượng sẵn có khoảng 250 cán bộ, công nhân kỹ thuật, chúng tôi còn được tăng cường lực lượng từ các tỉnh thành khác. Riêng tại Nam Trà My, Viettel đã cử 10 đội ứng cứu làm việc liên tục. Hiện trên toàn tỉnh, mạng viettel đã khôi phục được khoảng hơn 80%. Trước tình trạng sạt lở núi ở nhiều nơi trên địa bàn tỉnh gây mất sóng, Viettel Quảng Nam đã phối hợp với Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh hỗ trợ công tác thông tin liên lạc trong quá trình ứng cứu. Đơn vị đã bố trí 2 xe phát sóng lưu động đi cùng các đoàn tìm kiếm cứu nạn tại các điểm sạt lở để phục vụ công tác thông tin, liên lạc. Viettel Quảng Nam quyết tâm khôi phục liên lạc cơ bản thông suốt trong vòng 3 ngày sau bão.

TRUNG LỘ - VINH ANH