Kích cầu tín dụng cuối năm
Tín hiệu vui về tăng trưởng tín dụng trên địa bàn tỉnh vào thời điểm này là các doanh nghiệp (DN), cá nhân đã tiếp cận vốn vay tốt hơn. Hiện tại, hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh chú trọng kích cầu, khơi thông tín dụng, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội những tháng cuối năm.
Tổng dư nợ của Phòng giao dịch Ngân hàng HDBank chi nhánh Quảng Nam tại TP.Tam Kỳ đến thời điểm này là 120 tỷ đồng. Trong số đó, chỉ riêng trong quý III.2020, tổ chức tín dụng này đã giải ngân 30 tỷ đồng.
Ông Đỗ Văn Bảng - Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng giao dịch Ngân hàng HDBank chi nhánh Quảng Nam tại TP.Tam Kỳ cho biết, trong quý I và quý II, do tác động xấu của dịch Covid-19, tăng trưởng tín dụng đạt rất thấp khi DN và người dân vì khó phát triển kinh tế nên không dám tiếp cận vốn vay để đầu tư làm ăn. Kể từ khi dịch Covid-19 được cơ bản khống chế đến nay, thị trường tiêu dùng khơi thông trở lại đã “đặt hàng” các cá nhân, DN vay vốn của ngân hàng để phát triển kinh tế. “Khách hàng của chúng tôi chủ yếu là tiểu thương, tư thương, DN sản xuất, kinh doanh. Chúng tôi đặt mục tiêu trong quý IV sẽ giải ngân được 50 tỷ đồng. Đây là thời điểm làm ăn lớn của cá nhân, DN khi vụ tết đang đến gần” - ông Đỗ Văn Bảng nói.
Theo ông Phạm Trọng - Phó Giám đốc phụ trách Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Nam, tín dụng cuối năm dự báo sẽ khởi sắc hơn nữa. Đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã 3 lần điều chỉnh giảm lãi suất cho vay. Hiện lãi suất huy động bằng Việt Nam đồng (VNĐ) phổ biến ở mức 0,1 - 0,2%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 3,7 - 4,1%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 4,4 - 6,4%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng và mức 6 - 7,1%/năm với kỳ hạn từ 12 tháng trở lên. Khi lãi suất huy động giảm thì lãi suất cho vay của các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh cũng giảm theo. Cụ thể, lãi suất cho vay bằng VND phổ biến ở mức 6 - 9%/năm đối với ngắn hạn; 9 - 11%/năm đối với trung và dài hạn; 5%/năm đối với cho vay ngắn hạn trong một số ngành, lĩnh vực khác. Nhờ đó, cá nhân, DN tăng khả năng hấp thụ vốn, tạo động lực cho tăng trưởng tín dụng những tháng cuối năm.
Tiếp tục kích cầu
Chỉ còn hơn 2 tháng nữa là kết thúc năm tài khóa, nhiều ngân hàng đã tung ra các chương trình cho vay với lãi suất ưu đãi. Vietcombank chi nhánh Quảng Nam giảm lãi suất cho vay sản xuất, kinh doanh, mua nhà, mua ô tô… đối với khách hàng cá nhân, DN nhỏ và vừa. Theo đó, với DN nhỏ và vừa, Vietcombank áp dụng mức lãi suất cho vay kinh doanh chỉ từ 5,9%/năm cho các khoản vay mới từ ngày 13.10. Agribank chi nhánh Quảng Nam triển khai gói tín dụng quy mô đến 30 nghìn tỷ đồng cho khách hàng thuộc đối tượng được ưu đãi theo Nghị định 39 của Chính phủ về hỗ trợ DN nhỏ và vừa. Ngân hàng này áp dụng mức lãi suất cho vay ngắn hạn là 4,8%/năm; trung và dài hạn là 7,5%/năm. Còn BIDV chi nhánh Quảng Nam giảm thêm 0,5%/năm lãi suất đối với khách hàng chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19; lãi suất vay 6 - 11 tháng ở mức 5,7%/năm, kỳ hạn 12 tháng từ 6%/năm.
Ông Phạm Trọng cho biết, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Nam đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn thực hiện nhiều giải pháp để tập trung đẩy mạnh vốn ra thị trường, tạo thuận lợi cho DN và người dân tiếp cận, sử dụng tốt các dịch vụ ngân hàng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Cùng với đó, chất lượng tín dụng là quan tâm hàng đầu, vì là sống còn để ngân hàng duy trì hoạt động ổn định, an toàn và hiệu quả. Do vậy, cá nhân, DN khi vay vốn lớn để đầu tư mạnh cuối năm cần khảo sát, dự lường thị trường thật chặt chẽ, giải bài toán sản xuất, kinh doanh, cung, cầu thật hiệu quả. Các tổ chức tín dụng cần đánh giá đúng khả năng vay vốn của cá nhân, DN, kiểm tra, giám sát chặt quá trình sử dụng vốn vay, đề phòng rủi ro tín dụng.
Ngân hàng Nhà nước dự báo năm nay tăng trưởng tín dụng có thể đạt mức 8 - 10%, mặc dù tăng trưởng tín dụng đến cuối tháng 9.2020 mới đạt khoảng 6,1%. Có thể thấy, các ngân hàng trên địa bàn tỉnh đang nỗ lực đẩy vốn ra thị trường với kỳ vọng hoàn thành mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm.