Chuẩn bị nguồn hàng thị trường cuối năm

VIỆT NGUYỄN 15/10/2020 10:20

Nguồn hàng hóa thị trường cuối năm dự báo sẽ dồi dào, đa dạng khi các doanh nghiệp tập trung sản xuất, còn ngành chức năng chú trọng tổ chức hội chợ, phiên chợ, kết nối cung cầu, quảng bá sản phẩm...

Cơ sở sản xuất Hoàng Oanh tham gia hội chợ để quảng bá, mở rộng thị trường. Ảnh: VIỆT NGUYỄN
Cơ sở sản xuất Hoàng Oanh tham gia hội chợ để quảng bá, mở rộng thị trường. Ảnh: VIỆT NGUYỄN

Tập trung sản xuất

Sau khi tham gia hội chợ giới thiệu sản phẩm nông nghiệp được Hội Nông dân tỉnh tổ chức tại Trung tâm Văn hóa tỉnh, Cơ sở sản xuất Hoàng Oanh (thị trấn Prao, Đông Giang) tất bật với công đoạn sản xuất các loại rượu đặc sản và sản phẩm nông, lâm sản đặc trưng.

Chị Nguyễn Thị Hoàng Oanh - chủ cơ sở cho biết, các thỏa thuận giao hàng dịp cuối năm và tết dày đặc nên phải tập trung sản xuất để đảm bảo nguồn cung. Lượng hàng tăng thêm 20% so với cùng kỳ năm trước nên phải đặt mua nguồn nguyên liệu chu đáo. Giá cả đầu vào có tăng so với đầu năm nhưng chúng tôi vẫn giữ nguyên giá bán sản phẩm để tạo thêm niềm tin yêu ở khách hàng. Các sản phẩm đã khẳng định vị thế, thương hiệu của Cơ sở sản xuất Hoàng Oanh là các loại nấm lim xanh, nấm linh chi, mật ong rừng, ớt Ariêu, măng rừng và các loại rượu ba kích, đinh lăng, ka kun.

Bột ngũ cốc “cô Một” có mặt trên thị trường chưa lâu nhưng được người tiêu dùng đón nhận khá nồng nhiệt nhờ vào chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, giá cả phải chăng. Chủ cơ sở - bà Nguyễn Thị Tiến (thôn Đồng Dương, xã Bình Định Bắc, Thăng Bình) cho biết, cuối năm và dịp tết là đợt sản xuất chính nên cơ sở phải nắm bắt cơ hội. Cơ sở chỉ sử dụng các nguyên liệu được sản xuất tại địa phương, sạch, thơm ngon, giàu chất dinh dưỡng để chế biến bột ngũ cốc. Ngoài các lao động chính, để đáp ứng đơn hàng, bà Tiến đã huy động thêm nhiều lao động trên địa bàn xã để sản xuất theo mùa vụ với phương châm là nhanh, sạch, chất lượng, bắt mắt. Bột ngũ cốc “cô Một” được làm từ đậu đen, xanh, đỏ, trắng, đậu nành, gạo lứt, hạt mắc ca, hạt óc chó...

“Ngoài các đơn hàng cung cấp cho Big C Đà Nẵng, Co.opMart Tam Kỳ, chúng tôi còn bán sỉ, lẻ cho người dân trong và ngoài tỉnh. Dịp cuối năm và tết, quy mô sản xuất của chúng tôi tăng gấp đôi. Rất may là tiếng lành đồn xa nên sản phẩm ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng” - bà Tiến nói.

Ở thôn Vinh Đông (xã Bình Trị, Thăng Bình), làng nghề sản xuất bánh đa nem vẫn “giữ lửa” để phục vụ thị trường cuối năm. Bà Lê Thị Mỹ Trang - chủ cơ sở sản xuất bánh đa nem ở thôn Vinh Đông chia sẻ: Nhằm chuẩn bị hàng hóa cho thị trường cuối năm, các thành viên trong gia đình cùng dậy sớm để chia nhau từng công đoạn sản xuất bánh. Dịp này, mỗi ngày, gia đình bà Trang cung ứng cho thị trường gần 1 nghìn bánh đa nem.

Đáp ứng nhu cầu thị trường

Ông Đoàn Ngọc Sơn - quyền Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Quảng Nam cho biết, sẽ đẩy mạnh kiểm tra, kiểm soát thị trường cuối năm. Theo đó, tập trung vào an toàn thực phẩm, kiểm tra các chợ đầu mối, siêu thị, kho chứa hàng đông lạnh; kiểm tra xử lý các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá trái pháp luật, vận chuyển, buôn bán hàng nhập lậu, hàng cấm, vật liệu nổ, hàng giả, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ...

Dịch bệnh Covid-19 cơ bản được kiểm soát, cộng với dịp cuối năm và tết đang đến gần, các ngành chức năng dự báo nhu cầu hàng hóa sẽ tăng cao, do đó, các địa phương đã lên kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng. Ông Phạm Phú Hòe, Trưởng phòng Kinh tế - hạ tầng huyện Thăng Bình cho biết, từ nay đến cuối năm, sẽ đẩy mạnh hoạt động giao thương, kết nối cung cầu, xúc tiến thương mại, hỗ trợ các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp bán được nhiều hàng hóa, đồng thời phục vụ tốt nhu cầu mua sắm của người dân.

“Rút kinh nghiệm năm vừa rồi, hội chợ được tổ chức vào dịp cuối năm, hàng hóa bán rất chạy, năm nay, chúng tôi dự kiến mở rộng quy mô hội chợ, quy tụ nhiều cơ sở, làng nghề, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tham dự. Hội chợ dự kiến thu hút hàng trăm mặt hàng, nhất là đặc sản của 18 địa phương toàn tỉnh, tạo cơ hội kết nối cung cầu hiệu quả, góp phần đẩy mạnh thương mại cho huyện, tỉnh” - ông Hòe nói.

Sở Công Thương cho biết đã xây dựng kế hoạch kích cầu tiêu dùng cuối năm trên cơ sở bám sát tình hình thị trường để hỗ trợ doanh nghiệp, làng nghề, cơ sở sản xuất tiêu thụ hàng hóa cuối năm, dịp tết. Quảng Nam phối hợp với các tỉnh, thành để kích cầu mạnh mẽ tiêu dùng của người dân. Những chương trình kích cầu tiêu dùng nội địa với các hình thức khuyến mại tập trung, hội chợ kết nối cung cầu gắn với Cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, bán hàng lưu động, phiên chợ hàng Việt, hội chợ đặc sản vùng miền về cơ bản không chỉ đáp ứng đầy đủ nguồn cung hàng hóa những tháng cuối năm mà còn khơi thông thị trường, tạo thuận lợi cho việc mua sắm của người dân.

Với nhu cầu tiêu dùng cao trên địa bàn tỉnh, các sự kiện xúc tiến thương mại sẽ tạo sự luân chuyển hàng hóa tốt, hỗ trợ các địa phương toàn tỉnh tiêu thụ hàng hóa.

VIỆT NGUYỄN