Hành trình phát triển hệ thống lưới điện
Cách đây tròn 45 năm, ngày 7.10.1975, Tổng Công ty Điện lực miền Trung (tiền thân là Công ty Điện lực 3) được Bộ trưởng Bộ Điện và than ký quyết định thành lập. Từ đó đến nay, đơn vị đã vượt qua rất nhiều khó khăn thách thức, không ngừng nỗ lực cấp điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng và đời sống nhân dân trên địa bàn 13 tỉnh, thành khu vực miền Trung - Tây Nguyên.
Điện khí hóa nông thôn
Một trong những dấu ấn quan trọng nhất của Tổng Công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC) là triển khai và thực hiện thành công chương trình điện khí hóa nông thôn, đưa điện đến các vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân và thúc đẩy kinh tế - xã hội ở địa phương.
Giữa thập niên 90 của thế kỷ 20, ngành điện miền Trung bắt tay thực hiện chương trình điện khí hóa nông thôn với hàng loạt dự án, công trình đưa điện đến các xã, thôn, buôn làng ở 13 tỉnh thành khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Chính thức khởi động từ năm 1995, đơn vị chọn xã Gio Hải (huyện Gio Linh, Quảng Trị) triển khai chương trình điện khí hóa nông thôn thí điểm và gặt hái nhiều thành công; tiếp đến đầu tư đồng loạt đưa điện về trung tâm 120 xã trên địa bàn các tỉnh, thành khu vực miền Trung, với nguồn vốn gần 200 tỷ đồng.
Đặc biệt, từ năm 2000 đến nay là giai đoạn đầu tư phát triển mạnh mẽ của hệ thống lưới điện miền Trung và Tây Nguyên. Nhiều dự án điện được triển khai như: Dự án năng lượng nông thôn RE I, RE I mở rộng, RE II (vốn vay Ngân hàng Thế giới); các dự án mở rộng lưới điện các xã nông thôn, miền núi; dự án thành phần lưới điện phân phối nông thôn RD... Gần đây, EVNCPC triển khai dự án cấp điện cho 852 thôn, bản của 62.646 hộ đồng bào tại 4 tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Đăk Lăk, Đăk Nông, với tổng nguồn đầu tư 1.122 tỷ đồng. Nhờ đó, đến nay cả khu vực đạt 100% số xã và 99,65% số hộ dân được sử dụng điện.
Trong 5 năm gần đây, sản lượng điện thương phẩm của đơn vị tăng trưởng bình quân đạt hơn 9%/năm, cao hơn nhiều so với mức tăng trưởng của nền kinh tế khu vực. Sản lượng điện thương phẩm thực hiện năm 2020 ước đạt hơn 20,8 tỷ kWh, công suất điện cung cấp đạt 3.172MW. Đây là con số ấn tượng mà EVNCPC đã đạt được trong công cuộc điện khí hóa nông thôn.
Bên cạnh đó, EVNCPC đã thực hiện nhiều dự án cải tạo lưới điện các thành phố, thị xã bằng nguồn vốn vay của các tổ chức tín dụng quốc tế như WB, ADB, Sida, KfW... Đối với cấp điện cho các khu công nghiệp, khu kinh tế tập trung, EVNCPC đã đầu tư cả hệ thống lưới điện phân phối để bán điện trực tiếp cho các nhà máy, vừa giảm nhẹ gánh nặng của khách hàng, góp phần thu hút đầu tư vừa mang lại hiệu quả trực tiếp cho đơn vị.
Riêng với Quảng Nam, chỉ tính trong 5 năm (2015 - 2020), EVNCPC đã đầu tư hơn 1.200 tỷ đồng cho 12 công trình trạm và lưới điện 110kV, đã hoàn thành và đưa vào vận hành, góp phần cung cấp điện an toàn, ổn định. Trên lĩnh vực du lịch - dịch vụ, EVNCPC đã đầu tư hơn 300 tỷ đồng để cải tạo lưới điện cho TP.Tam Kỳ (dự án ADB) và Hội An (dự án JBIC). Hai di sản văn hóa thế giới là Hội An và Mỹ Sơn cùng nhiều khu du lịch ven biển cũng như các lễ hội được tổ chức trên địa bàn tỉnh đã được cấp điện đầy đủ, góp phần đáng kể vào sự tăng trưởng và phát triển của ngành du lịch - dịch vụ.
Số hóa doanh nghiệp
Trong 45 năm qua, EVNCPC đã nhận được nhiều phần thưởng và danh hiệu cao quý của Đảng và Nhà nước trao tặng. Cụ thể, 4 tập thể và cá nhân của EVNCPC được phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động; 11 Huân chương Độc lập hạng nhì, hạng ba và hàng trăm Huân chương Lao động các hạng nhất, nhì, ba; nhiều Cờ thi đua xuất sắc, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, của các bộ ngành Trung ương, của EVN, của UBND 13 tỉnh, thành khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Trong năm 2020, 1 tập thể và 2 cá nhân của EVNCPC được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng nhất (lần 2) và Huân chương Lao động hạng ba.
Ông Ngô Tấn Cứ - Tổng Giám đốc EVNCPC cho biết, cùng với việc bảo đảm cung cấp điện ổn định, liên tục phục vụ cho hơn 4,2 triệu khách hàng tại 13 tỉnh miền Trung - Tây Nguyên, EVNCPC không ngừng đầu tư nâng cấp hệ thống điện, áp dụng khoa học công nghệ vào quản lý, vận hành, sản xuất kinh doanh nhằm nâng cao độ tin cậy cấp điện, giảm tổn thất điện năng thông qua việc triển khai xây dựng hệ thống điện thông minh.
Về vận hành hệ thống lưới điện, hiện nay 128/128 TBA 110kV đã chuyển qua hoạt động mô hình không người trực; hơn 3.000 thiết bị đóng cắt trên lưới được thu thập và điều khiển từ xa; hơn 3,9 triệu công tơ điện tử đã được lắp đặt cho khách hàng, chiếm 91,22% công tơ bán điện; trong đó có hơn 3,3 triệu công tơ điện tử được thu thập dữ liệu tự động bằng hệ thống RF Spider là công nghệ do EVNCPC nghiên cứu và sản xuất thay thế công tơ cơ trước đây.
Về hoạt động quản lý điều hành, EVNCPC cũng đã sớm ứng dụng công nghệ ký số vào hoạt động quản lý điều hành các văn bản của tổng công ty. Tất cả văn bản, báo cáo đều được số hóa, xử lý trên môi trường mạng, từ đó giảm thời gian lưu chuyển văn bản, công văn trong các nội bộ tổng công ty; đồng thời xóa bỏ các giới hạn về không gian, vị trí địa lý.
“Hiện nay, ở một số khâu, EVNCPC bước đầu ứng dụng thành quả của cách mạng công nghiệp 4.0, trở thành một trong những đơn vị đầu tiên của EVN ứng dụng trí tuệ nhân tạo, phát triển chatbot và đưa vào phục vụ tại trung tâm chăm sóc khách hàng. Đơn vị xây dựng kho dữ liệu lớn dùng chung, khai thác hiệu quả dữ liệu để phục vụ các hoạt động sản xuất kinh doanh, quản trị doanh nghiệp…” - ông Cứ cho biết.