Giá đất giảm mạnh do dịch Covid-19
Hai đợt dịch Covid-19 xảy ra từ đầu năm đến nay đã tác động lớn đến thị trường bất động sản (BĐS). Nhiều dự án dù đã điều chỉnh giảm giá đất nhưng vẫn giao dịch chậm.
Giảm giá đất
Năm 2018, các dự án phân lô bán nền thuộc Đô thị Điện Nam – Điện Ngọc giáp ranh với TP.Đà Nẵng xuất hiện “cơn sốt đất” chưa từng có, nhất là phân khúc đất ở. Khi xây dựng bảng giá đất, UBND tỉnh phải nhiều lần điều chỉnh giá đất ở khu vực giáp ranh này. Thực tế cuối năm 2018 và đầu 2019 giá đất một số khu vực giáp ranh tăng gấp 2 - 3 lần so với cùng kỳ năm trước.
Sau nhiều vụ khiếu nại, khiếu kiện liên quan đến dự án của Công ty CP Bách Đạt An tại phường Điện Ngọc (thị xã Điện Bàn) thì giá đất ở khu vực này đã bắt đầu giảm, kéo theo thị trường giao dịch chậm lại và khách hàng chỉ mua bán đất nền khi đã được Nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Từ đầu năm đến nay, dịch Covid-19 bùng phát đã khiến nhiều lĩnh vực kinh doanh, sản xuất bị ảnh hưởng nặng nề, trong đó thị trường bất động sản thực sự lao dốc cả giao dịch lẫn giá bán.
Theo khảo sát, tại phường Điện Ngọc, một lô đất dự án có diện tích khoảng 100m2 nằm trên tuyến đường rộng 15,5m, giữa năm 2018 được rao bán ít nhất 2 tỷ đồng thì hiện nay giao dịch trên thị trường dao động 1,5 tỷ đồng. Khác hẳn với không khí nhộn nhịp ở chợ BĐS phường Điện Ngọc hơn 2 năm trước đây, bây giờ các văn phòng giao dịch BĐS vắng lặng.
Một nhân viên làm việc tại trung tâm môi giới đất đai ở khối Hà Dừa (phường Điện Ngọc) nói: “Cách đây 2 năm, mỗi ngày có cả trăm lượt người đến trung tâm tìm hiểu, đặt cọc tiền mua đất, nay chỉ có vài ba “cò đất” đến làm giá, mặc cả rồi ra về thôi. Chưa bao giờ đất đai lao dốc thê thảm như trong giai đoạn dịch Covid-19 này”.
Cuối tháng 2.2020 đến nay, thị trường BĐS rơi vào trạng thái “ngủ đông”. Để kích hoạt thị trường trở lại, nhiều chủ đầu tư đã mở rộng các gói ưu đãi, có nhiều hình thức khuyến mãi và giá bán giảm ít nhất hơn 20% so với cuối năm 2019. Tại các dự án Sentosa Riverside, Seaview, khu đô thị số 6, số 7, 7B thuộc phường Điện Ngọc, năm 2018, dự án có đường rộng 7,5m, giá đất khu vực này dao động từ 22 - 27 triệu đồng/m2. Giữa tháng 9.2020, chủ đầu tư điều chỉnh giảm xuống dưới 20 triệu đồng/m2 ở một số vị trí vẫn không có người mua.
Thị trường BĐS khu vực phía nam cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Giá đất ở dự án khu dân cư An Hà – Quảng Phú, phường An Phú (Tam Kỳ) với lô 100m2 hiện giảm xuống còn khoảng hơn 1 tỷ đồng nhưng vẫn không có người mua. Một “cò đất” cho biết, trong tháng 7 và 8.2020, một nền đất trong phạm vi của dự án này khoảng 1,3 – 1,5 tỷ đồng, nay giảm xuống 1,1 tỷ đồng vẫn ít ỏi người mua. Đất dự án khu dân cư biên phòng ở xã Tam Phú (Tam Kỳ) hiện rao bán dưới 800 triệu đồng/nền vẫn không có người mua, trong khi thời điểm BĐS “nóng” giá thị trường hơn 1,1 tỷ đồng.
Trì hoãn kế hoạch bán
Về việc có điều chỉnh bảng giá đất sắp tới theo xu hướng giảm hay không, theo UBND tỉnh, năm 2019 UBND tỉnh đã quy định về giá đất, bảng giá đất thời kỳ 2020 - 2024 của tỉnh. Việc điều chỉnh phải thực hiện theo quy định tại Nghị định số 44 ngày 15.5.2014 của Chính phủ và Thông tư số 36, ngày 30.6.2014 của Bộ TN-MT. UBND cấp huyện đề xuất gửi Sở TN-MT xem xét, kiểm tra gửi hội đồng thẩm định bảng giá đất tỉnh thẩm định để báo cáo UBND tỉnh trình Thường trực HĐND tỉnh thông qua trước khi quyết định.
Năm 2020, nhiều dự án BĐS đã được cơ quan chức năng thẩm định hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật và được phép giao dịch trên thị trường. Chẳng hạn, dự án đầu tư xây dựng nhà ở khu dân cư số 2 thuộc Đô thị Điện Thắng, xã Điện Thắng Bắc (thị xã Điện Bàn) với quy mô gồm 11 block do Công ty TNHH Đầu tư và phát triển DHTC làm chủ đầu tư, đã hoàn thiện hạ tầng. Sát bên đô thị này là khu dân cư số 1 Điện Thắng – Epic Town được xây dựng theo kiểu phân lô nhà phố đầy đủ công năng của một khu đô thị mới. Dự án này đã đầu tư đồng bộ, hoàn thiện kết cấu hạ tầng. Chủ đầu tư đang chờ thị trường BĐS “hâm nóng” trở lại thì sẽ chào bán.
Theo Sở Xây dựng, hiện trên địa bàn tỉnh có thêm một số dự án BĐS đã hoàn thành đầu tư xây dựng, đã nghiệm thu và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. 6 block đất ở thuộc dự án đầu tư xây dựng nhà ở khu dân cư Trường Đồng tại phường Tân Thạnh (TP.Tam Kỳ) do Công ty CP Môi trường đô thị Quảng Nam làm chủ đầu tư; 24 block đất ở thuộc dự án khu dân cư số 1, đô thị Điện Thắng tại xã Điện Thắng Bắc (thị xã Điện Bàn), do Công ty TNHH Đầu tư và phát triển DHTC làm chủ đầu tư. Các dự án này đã được đầu tư hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật theo quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500 được duyệt, đảm bảo kết nối với hệ thống hạ tầng chung khu vực, cấp điện, cấp nước, thoát nước, được Sở Xây dựng nghiệm thu và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Năm 2020, HĐND tỉnh đã thông qua chủ trương đầu tư 15 dự án phát triển đô thị, khai thác quỹ đất, nhà ở trên địa bàn. Các dự án đô thị, khai thác đất đai sẽ được các cơ quan chức năng theo dõi, giám sát chặt chẽ để tránh tình trạng chuyển nhượng, mua bán dự án, huy động vốn trái phép; đặc biệt là tình trạng rao bán trên thị trường khi dự án chưa đồng bộ hạ tầng, nghiệm thu và chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Khảo sát một số dự án bán đất nền tại Đô thị mới Điện Nam – Điện Ngọc, Núi Thành, Tam Kỳ mặc dù đã đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng, nhưng chủ đầu tư vẫn dè dặt rao bán trên thị trường. Các trung tâm đấu giá quyền sử dụng đất thưa thớt người đến tham gia đấu giá. Có công ty đăng thông báo nhiều lần vẫn không có người tham gia đấu giá.
Theo Hiệp hội BĐS Việt Nam, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến khó lường, việc phục hồi kinh tế gặp khó khăn, trong đó có thị trường BĐS. Nhiều phân khúc đất ở giao dịch chậm, một phần nguyên nhân cơn sốt “đất ảo” trước đây, còn có yếu tố chủ đầu tư dự án muốn trì hoãn kế hoạch bán, chờ cơ hội thị trường sôi động trở lại.