Làm đầu lân mùa Trung thu

NHƯ QUỲNH 15/09/2020 16:26

(QNO) - Cơ sở làm đầu lân giấy truyền thống của anh Nguyễn Hưng (thôn Trảng Kèo, xã Cẩm Hà, TP.Hội An) đang tất bật công việc để cho ra lò nhiều đầu lân lớn nhỏ phục vụ thị trường Tết Trung thu.

Thợ làm đầu lân tại cơ sở của anh Nguyễn Hưng. Ảnh: N.Q
Thợ làm đầu lân tại cơ sở anh Nguyễn Hưng. Ảnh: N.Q

Nhiều tuần nay, anh Nguyễn Hưng tích cực huy động nhân công làm đầu lân nhằm kịp đáp ứng đơn hàng. Trong khuôn viên chừng 20m2, mọi khoảng trống đều được tận dụng để làm đầu lân. Mọi người say sưa làm việc giữa ngổn ngang hồ, tre, vải kim sa…

Đang vẽ mi mắt cho đầu lân sư tử, anh Hưng với hơn 25 năm kinh nghiệm trong nghề cho hay: “Để làm ra một chiếc đầu lân truyền thống, người thợ phải qua rất nhiều công đoạn. Nghề của chúng tôi chẳng khác nào người nông dân, cũng phải phơi nắng phơi sương mới có được sản phẩm. Cũng phải “trông trời, trông đất, trông mây”, trời sắp mưa là cuống cuồng thu gom đầu lân đang phơi vì nếu dính mưa là hỏng hết”.

Cũng theo anh Hưng, đầu lân có 2 loại: làm bằng giấy bồi và làm bằng khung. Với loại làm bằng giấy bồi phải mất 3 ngày mới hoàn thành một sản phẩm. Trước tiên phải làm phôi. Phôi được làm bằng kỹ thuật bồi giấy. Khuôn xi măng được đúc sẵn hình đầu lân, người thợ lót giấy báo lên rồi bắt đầu cắt giấy roki dán lên giấy báo. Lớp giấy roki dày sẽ định hình chiếc đầu lân. Người thợ tiếp tục phơi khô trước khi bồi thêm các lớp giấy khác.

Xong công đoạn mộc, tiếp tục đến công đoạn trang trí. Người thợ sẽ vẽ sơn tạo hồn cho đầu lân. Ở công đoạn này cũng mất khá nhiều thời gian, bởi sau mỗi lớp sơn phải chờ cho khô mới tiếp tục vẽ.

Còn với loại có khung sẽ mất ít nhất một tuần để hoàn thành do quá trình đan khung sẽ lâu hơn so với bồi giấy. Sau khi tạo khung xong sẽ cắt dán giấy tạo phôi. Các bước tiếp theo được làm như loại giấy bồi.

Bên cạnh làm đầu lân, cơ sở anh Hưng còn sản xuất mặt nạ giấy bồi. Công đoạn làm ra một chiếc mặt nạ giấy bồi trải qua nhiều bước từ chọn giấy, xé giấy thành từng miếng, bôi hồ dán và phơi khô, sau đó chọn màu sơn quét cho phù hợp và cuối cùng là khâu dây đeo.

“Công đoạn trang trí rất quan trọng, quyết định vẻ đẹp của đầu lân sư tử. Ngoài việc phối màu thì dán bờm sao cho hài hòa, tinh xảo. Người thợ nào làm cho đôi mắt lân sư tử thật có hồn sẽ chứng tỏ được tay nghề của mình” - anh Hưng chia sẻ.

Mỗi ngày, trung bình cơ sở anh Hưng làm khoảng 5 - 6 đầu lân các loại và chừng 12 mặt nạ ông địa. Giá bán sỉ đầu lân nhỏ 70 - 100 nghìn đồng/cái, loại trung 250 - 400 nghìn đồng, loại lớn 5 - 6,5 triệu đồng. Mặt nạ ông địa có giá 50 - 70 nghìn đồng/cái. Bình quân mỗi năm cơ sở sản xuất và bán khoảng 2.000 đầu lân nhỏ, 600 - 700 đầu lân lớn, 1.000 mặt nạ ông địa, cung cấp cho bạn hàng ổn định khắp nơi từ Nam ra Bắc.

NHƯ QUỲNH