Kiểm soát thị trường mùa dịch
Tình hình kinh doanh hàng lậu diễn ra phức tạp ngay sau dịch Covid-19 bùng phát trở lại nên các ngành chức năng vào cuộc, triển khai nhiều giải pháp để kiểm soát, ổn định thị trường.
Bất ổn thị trường online
Nhận thấy những dấu hiệu kinh doanh trái pháp luật qua mạng xã hội với tài khoản facebook “Nguyen Sang”, sau thời gian theo dõi, Đội Quản lý thị trường số 3 (Cục Quản lý thị trường Quảng Nam) xác định được địa điểm bán hàng ở thôn Đông Thạnh (xã Tam Hòa, Núi Thành).
Ngày 10.8, Đội Quản lý thị trường số 3 phối hợp với lực lượng chức năng kiểm tra đột xuất địa điểm trên. Qua kiểm tra, ngành chức năng phát hiện 800 sản phẩm túi xách các loại được bán không có hóa đơn, chứng từ. Chủ hàng là Võ Minh Duy không xuất trình được nguồn gốc hợp pháp của sản phẩm nêu trên nên lực lượng chức năng tạm giữ toàn bộ số hàng trên để xác minh, xử lý theo quy định.
Ông Đoàn Ngọc Sơn - quyền Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Quảng Nam cho biết, tất cả hồ sơ hàng nhập lậu nói trên đã được chuyển đến UBND tỉnh để ra quyết định xử phạt trong thời gian tới.
Do dịch bệnh Covid-19 diễn biến ngày càng phức tạp, người dân ngại đến nơi đông người nên hình thức bán hàng online lên ngôi. Theo Cục Quản lý thị trường Quảng Nam, lực lượng chức năng đang trinh sát 200 địa chỉ bán hàng qua mạng có dấu hiệu sai phạm. Trong số các địa chỉ mua bán trực tuyến nói trên, có nhiều chủ hàng không đăng ký kinh doanh.
“Muốn thanh tra, kiểm tra địa chỉ thực bán hàng qua mạng, chúng tôi phải liên hệ với chính quyền địa phương, có giấy khám nhà của các lực lượng khác, rất khó khăn trong mùa dịch Covid-19 này. Tuy vậy, do thương mại điện tử vốn phức tạp, càng phức tạp hơn trong điều kiện người dân hạn chế đi lại mua sắm hàng hóa thiết yếu nên chúng tôi tập trung tối đa lực lượng, kiểm soát thị trường. Để bảo vệ người tiêu dùng, chúng tôi sẽ tham mưu UBND tỉnh xử phạt nặng các hành vi kinh doanh trực tuyến không có đầy đủ giấy tờ hợp lệ cũng như chất lượng hàng hóa không đảm bảo” - ông Đoàn Ngọc Sơn nói.
Cùng vào cuộc
Trong tháng 7.2020, Công an tỉnh đã xử phạt 75 vụ vận chuyển, buôn bán hàng cấm, hàng lậu, xử phạt 148 đối tượng 405 triệu đồng, giá trị tang vật tịch thu 750 triệu đồng. Cục Thuế Quảng Nam đã xử phạt 61 vụ việc buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, bổ sung công quỹ gần 7 tỷ đồng. Cũng trên lĩnh vực này, Cục Quản lý thị trường xử phạt 185 triệu đồng, trị giá tang vật tịch thu xấp xỉ 80 triệu đồng.
Chợ Nam Phước là đầu mối buôn bán hàng hóa của huyện Duy Xuyên. Do hạn chế về giao thông khi thực hiện giãn cách xã hội, nhiều mặt hàng ở đây như nông sản, rau quả đã giảm hơn 50% so với trước khi có dịch Covid-19. Số lượng tiểu thương buôn bán ở đây cũng đã giảm hơn 70%. Người dân lo ngại có tình trạng găm hàng, tăng giá khi một số mặt hàng lương thực, thức ăn, khẩu trang y tế, dung dịch sát khuẩn tăng giá khá cao so với trước.
Ông Văn Bá Thanh - Chủ tịch UBND thị trấn Nam Phước cho biết: “Có tình trạng các mặt hàng y tế, lương thực tăng giá. Chúng tôi chú trọng tuyên truyền, vận động tiểu thương buôn bán nền nếp, tránh lợi dụng dịch bệnh Covid-19 để làm lợi bất chính. Qua công tác kiểm tra, giám sát ở chợ Nam Phước và các địa điểm bán hàng khác, chưa phát hiện các trường hợp kinh doanh trái phép”.
Theo ông Nguyễn Quang Lâm - Trưởng phòng Quản lý thương mại (Sở Công Thương), các doanh nghiệp gặp khó khăn khi vận chuyển hàng hóa, lương thực, thực phẩm từ TP.Đà Nẵng vào Quảng Nam cũng như lưu thông hàng hóa giữa các địa phương trên địa bàn tỉnh. Sở Công Thương đã tham mưu UBND tỉnh có công văn gửi UBND TP.Đà Nẵng về việc tạo thuận lợi để vận chuyển hàng hóa, đảm bảo phục vụ nhu cầu cấp thiết của người tiêu dùng Quảng Nam. Ngành chú trọng theo dõi hoạt động kinh doanh hàng hóa thiết yếu tại các siêu thị, các chợ truyền thống, trung tâm thương mại, cửa hàng tạp hóa, siêu thị mini nhằm nắm bắt tình hình thị trường, chủ động triển khai các biện pháp ngăn chặn hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp pháp.
Ông Đoàn Ngọc Sơn cho biết, đang yêu cầu các đội quản lý thị trường trực thuộc tăng cường kiểm tra, kiểm soát, giám sát theo địa bàn, lĩnh vực để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng dịch bệnh Covid-19 để đầu cơ găm hàng, tăng giá bán bất hợp lý đối với các mặt hàng trang thiết bị y tế phòng chống dịch bệnh. Cùng với đó, tăng cường kiểm tra, kiểm soát các hoạt động sản xuất, vận chuyển, buôn bán các mặt hàng khẩu trang vải, khẩu trang kháng khuẩn trên thị trường, khống chế khẩu trang không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo chất lượng. Các cơ sở kinh doanh phải thực hiện niêm yết giá, bán hàng đúng giá niêm yết và có đầy đủ chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa.